Nằm bên bờ biển Thịnh Long huyện Hải Hậu (Nam Định) hiện vẫn còn một ngôi làng chài với những nếp nhà đổ nát, mái ngói xập xệ, tường rêu loang lổ, không người sinh sống. Đây là dấu tích còn lại sau sự tàn phá khủng khiếp của một cơn bão biển năm 2005.
Cách đây 17 năm, vào ngày 27/9/2005, bão Damrey đổ bộ vào đất liền của nước ta. Với sức gió được dự báo từ cấp 10, 11 (tương đương sức gió từ 103 đến 133 km/giờ), có nơi giật trên cấp 12. Damrey là một trong những cơn bão mạnh nhất năm ấy đổ bộ vào Việt Nam và ngôi làng bên bãi biển Thịnh Long hứng chịu.
Cùng với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng… Nam Định là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bão Damrey năm ấy đã khiến tuyến đê biển Thịnh Long, đoạn thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định bị vỡ dài 100m, nước biển đã tràn ngập nhà dân. Đặc biệt tại Khu 23 thị trấn Thịnh Long của 17 năm trước hầu như bị xóa sổ. Sau bão, nơi đây chỉ còn chưa đầy 30 căn nhà trong tổng số hơn 100 nóc nhà trước bão có thể đứng vững.
Từng là một làng chài ven biển nhộn nhịp với khoảng 100 hộ dân sinh sống, giờ đây Khu 23 thị trấn Thịnh Long chỉ còn là một ngôi làng bị bỏ hoang, không người sinh sống.
Dấu vết sót lại trước sức tàn phá kinh khủng của bão.
Thiên tai và thời gian khiến ngôi làng nhộn nhịp năm nào giờ chỉ còn cảnh tiêu điều, xơ xác.
Những ngôi nhà còn sót lại giữa bốn bề hoang vắng. Ngôi làng ở Khu 23 thị trấn Thịnh Long đã không còn người sinh sống gần 20 năm. Những mảnh sân vườn nay đã trở thành đất nông nghiệp để canh tác hoa màu.
"Năm 2006, gia đình tôi chuyển về tái định cư ở khu mới, đất vườn và đất ở ngày ấy giờ thành đất nông nghiệp, gia đình tôi sử dụng để canh tác các loại hoa màu và đưa lại hiệu quả kinh tế khá tốt. Không may mắn như một số gia đình khác, cơn bão năm ấy làm vỡ đê và san phẳng căn nhà của gia đình tôi, tất cả của cải đều theo nước biển đi hết", anh Nguyễn Khắc Hưng, người dân từng sinh sống tại khu 23 Thịnh Long chia sẻ.
Một nhà tắm còn sót lại được tận dụng làm trạm bơm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.
Đang nghỉ trưa trong chính căn nhà của gia đình mình gần 20 năm trước tại khu 23 Thịnh Long, ông Kim văn Toàn cho biết: "Trưa ngày 27/9/2005, đê biển Thịnh Long bị vỡ, ngôi làng mênh mông sóng nước, tất cả tài sản trong nhà bị cuốn trôi, những hàng phi lao chắn cát sát mặt biển cũng biến mất. Nhà cửa trước đây không còn hình hài, chỉ còn trơ trọi lại nền móng. Cả ngôi làng hoang tàn, xơ xác. Ngôi nhà năm ấy giờ được gia đình chúng tôi cải tạo lại làm nhà kho để phục vụ việc canh tác hoa màu và là chỗ nghỉ ngơi sau lúc lao động mệt mỏi".
Gần 20 năm đã trôi qua, trên gương mặt ông Toàn vẫn y nguyên nỗi buồn mỗi khi nhắc lại chuyện cơn bão Damrey.
Sau bão, dân làng ở Khu 23 Thịnh Long đã được di dời về một khu tái định cư mới ở cách đó chừng 4km và hồi sinh mạnh mẽ.
Tại một căn nhà ở khu tái định cư, chị Nguyễn Thị Hoa hồi tưởng: "Trước bão, được thông tin qua báo đài và chính quyền địa phương, làng chúng tôi đều chủ động chằng chống nhà cửa rồi đi trú bão ở sâu trong đất liền. Quá gấp rút, tất cả tài sản trong nhà đành phải bỏ lại. Sáng hôm sau khi trở về nhà, ngôi làng bị san phẳng như một cánh đồng. Sau đó, được sự hỗ trợ của nhà nước, chúng tôi di dời về khu định cư mới, nhà cửa cũng được xây dựng khang trang và kiên cố hơn, cuộc sống cũng từ đó mà dần ổn định, no đủ".
Với nghị lực vươn lên, khu tái định cư nhìn từ trên cao rất khang trang với những ngôi nhà kiên cố, sạch đẹp và cơ sở hạ tầng đầy đủ.
Những khoảnh sân vườn khi xưa nay đã trở thành những mảnh ruộng hoa màu xanh tốt.
Con đê bị sóng đánh trôi trước đây cũng được xây dựng lại vững chãi, an toàn. Ngôi làng trở thành một "bảo tàng chứng tích" sự tàn phá của thảm họa thiên nhiên và thời gian nằm ở ven biển Thịnh Long.