Vết trượt dài…đến “gái gọi sinh viên”
(Sóng Trẻ) - Là sinh viên chân ướt chân ráo bước lên thị thành, nhiều cô gái với mong ước “đổi đời”, đã nhắm mắt làm ngơ chạy theo những cám dỗ của đồng tiền bằng cái nghề không chính đáng. Để rồi khi giật mình nhìn lại: Tất cả đã quá muộn màng!
Trang Facebook với tựa đề: “Gái gọi sinh viên”, với 33.661 lượt like và 3.255 người bình luận. Những hình ảnh rất mát mẻ, kiệm vải hoặc thậm chí không một mảnh vải che thân của các cô gái. Đi kèm với những hình ảnh mát mẻ đó là những dòng stt đầy khiêu khích như : “anh chọn đê; đường cong em đấy mà; chữ gì đây mọi người…”. Ngay dưới đó là những bình luận thẳng thừng, trắng trợn: “ cho anh số điện thoại đi; giá bao nhiêu đấy em…”
Những cám dỗ nơi thị thành
Rời bỏ làng quê lên thành phố sinh sống, nhiều bạn từng là sinh viên giỏi nhưng đã bị cám dỗ bởi sức hút của đồng tiền, luôn muốn có tiền ăn tiêu, thích đến những nhà hàng, quán cà phê sang trọng để chứng tỏ đẳng cấp với bạn bè. Mới đầu chỉ là vui vẻ, cặp kè với đại gia, rồi sau đó là vết trượt dài trở thành “gái gọi”.
Còn nhớ, trong đường dây gái gọi của má mỳ Nguyễn Thị Bích Phượng bị Công an quận Đống Đa triệt phá giữa năm 2012, trong đó có hai gái gọi là sinh viên. Khi bị cơ quan Công an lấy lời khai, các cô đều ở trong trạng thái sợ sệt, vì lo câu chuyện của mình sẽ đến tai gia đình và nhà trường nơi đang theo học.
Trong đó, có Nguyễn Thị A. (SN 1990) quê ở Phú Thọ, là sinh viên năm thứ 2 một trường Cao đẳng Nghệ thuật tại Hà Nội. Con nhà nghèo, bố mẹ quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, A. trở thành niềm tự hào của cha mẹ khi trong số ba chị em gái, chỉ có A. là xinh xắn, được học hành đến nơi đến chốn. Trong thời gian trọ học ở Hà Nội không được bố mẹ chu cấp đủ tiền ăn học như các bạn, A. bắt đầu chán nản, và khi được gọi “đi chơi”, A. đã sẵn sàng chấp nhận “chiều lòng” những người đàn ông lạ lẫm để có tiền sinh hoạt.
Biện minh về “công việc” của mình A. cho biết: “Bố mẹ nghèo không chu cấp cho tiền ăn học nên hàng ngày em phải làm việc ở một quán ăn vào buổi chiều sau giờ tan học. Từ 18 giờ đến 23 giờ, em tiếp tục “làm thêm” bằng việc đi khách nếu có người gọi”.
Cùng hoàn cảnh là sinh viên nghèo như A. là cô sinh viên tên T. cũng đưa ra lý do hoàn cảnh khó khăn nên mới phải hành nghề gái gọi. Đã có lần cô sinh viên này chủ động gọi cho một má mì nói rằng: “Chị có khách thì gọi cho em nhé, em đang thiếu tiền”.
Và những vết trượt dài…
Khi bước chân vào nghề nhiều bạn có ý nghĩ chỉ làm một thời gian ngắn, đáp ứng được số tiền mà mình đang cần gấp rồi thôi. Nhưng sau đó, chính bản thân họ lại bị cuốn theo bởi những cám dỗ của đồng tiền, dễ dàng kiếm được một số tiền lớn trong tay mà không phải lao động cực nhọc, vất vả. Hơn nữa, vì muốn có tiền để đáp ứng nhu cầu ăn chơi phách lạc, lui tới những quán bar, những nhà hàng sang trọng mà nhiều cô gái đã nhắm mắt làm ngơ, phó mặc cuộc đời.
Trên thực tế có rất nhiều bạn sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn thực sự, hơn nữa lại bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Một khi đã nhúng tay vào chàm là các cô đã chấp nhận cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng khác. Bi kịch của cuộc đời “gái gọi” đã khiến họ nhận ra sự nhục nhã, ê trề. Quay đầu lại thì không còn cơ hội học vì bỏ học quá nhiều, và có mấy ai dám đối diện với bạn bè khi vết chàm nhơ bẩn của họ đã bị phát hiện? Thôi thì, đành phó mặc theo phận bèo trôi…
Tạm kết
Cái mác “gái gọi sinh viên” giờ đây không còn xa lạ với các đại gia. Sở dĩ được ưu tiên và là lựa chọn số một của những kẻ lắm tiền bởi vì: Sinh viên là những người vừa có nhan sắc, vừa có tri thức, lại khéo ăn nói chứ không bốp chát như gái gọi nài đường. Không biết tự bao giờ cái mác “gái gọi sinh viên” đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng về cả nhan sắc, lẫn “đẳng cấp”.
Vì đồng tiền làm lu mờ trước mắt, vì muốn ăn nn mặc đẹp, bằng bạn bằng bè, hay vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà các cô muốn phụ giúp gia đình? Mỗi người một số phận, mỗi người một hoàn cảnh, chỉ xin lưu ý một điều: Trước khi quyết định một điều gì đấy, hãy đặt lên bàn cân: Nên hay không nên? Bởi có những thứ qua đi sẽ không bao giờ lấy lại được…Và khi đã ở tận cuối con đường ta mới nhỏ những giọt nước mắt ân hận thì cũng đã quá muộn màng…!
Nguyễn Thị Huyền
Lớp: Phát thanh k.31
(ảnh: Nguồn Internet)
Cùng chuyên mục
Bình luận