Vĩnh Phúc: Người dân “tá hỏa” khi biết bị lừa mua thuốc đông y giả
(Sóng trẻ) – Gần đây, tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có xuất hiện một số các đối tượng lạ mặt đi rao bán một loại thuốc có tên là “Cao lá” chữa được bách bệnh, đặc biệt là bệnh đau xương khớp. Một liệu trình (6 hộp) có giá 1,8 triệu đồng, “uống xong đảm bảo khỏi bệnh” là những lời mà các đối tượng này quảng cáo.
Một trong hai đối tượng lừa đảo
Những đối tượng lạ mặt đi khắp các ngõ ngách nhỏ để khảo sát tình hình. Các địa điểm chúng hướng đến thường là những nơi vắng vẻ, ít người qua lại. Chúng lựa chọn những gia đình có người lớn tuổi như ông bà, bố mẹ ở nhà để tiếp cận, rồi sau đó lân la tìm cách hỏi thăm địa chỉ các hộ gia đình khác.
Sau khi tiếp cận được “những con mồi”, các đối tượng này vừa giả vờ bắt mạch vừa hỏi thăm, nói chuyện để tạo niềm tin, làm cho người dân mất cảnh giác.
Đối tượng lừa đảo cho biết mình là cô Lan làm ở hiệu thuốc Phúc Lâm, nhà thuốc Thái Lại (số nhà 32, đường Trần Hưng Đạo, Phủ Lý, Hà Nam) đến để bắt mạch, chữa bệnh cho gia đình.
Đối tượng đang mồi chài quảng cáo thuốc
Sau khi bắt mạch, chúng xem đường chỉ tay, chẩn đoán bệnh và đưa ra một loạt các bệnh về xương khớp. Bởi lẽ khi về già, bệnh liên quan đến xương khớp là không thể tránh khỏi .
Khi người dân có dấu hiệu “nhẹ dạ cả tin”, các đối tượng lừa đảo bắt đầu giới thiệu về các loại thuốc của mình kèm theo lời khẳng định: “Nếu uống đủ một liệu trình trong vòng một tháng thì chắc chắn sẽ khỏi bệnh”.
Tuy nhiên theo quan sát, hộp thuốc này không có bất kỳ một nhãn mác, nguyên liệu, hạn sử dụng hay giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nào. Chỉ biết rằng, theo như lời các đối tượng này quảng cáo, loại thuốc “Cao lá” được làm từ các loại lá rừng. Thậm chí, viên thuốc còn có mùi khó chịu. Mỗi một hộp 10 viên được rao bán với giá 300.000 đồng.
Một liệu trình gồm 6 hộp và uống trong 1 tháng
Nài ra, để tạo niềm tin hơn cho mọi người, đối tượng lừa đảo chỉ thu tiền một nửa, còn một nửa chúng sẽ quay lại lấy nốt vào tháng sau.
Khi nhận được tiền, chúng vội vã đi ngay. Nhiều gia đình sau đó đã gọi vào số điện thoại chúng để lại nhưng thuê bao, địa chỉ chúng cho, tra ogle (công cụ tìm kiếm) cũng không tồn tại bất cứ một hiệu thuốc nào có tên là Phúc Lâm như chúng đã đề cập đến.
Đối tượng sau khi nhận được tiền đã nhanh chóng rời khỏi
Bà T - một trong nhiều người là “nạn nhân” của các đối tượng lừa đảo vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết mình bị lừa: “Mới đầu vào nhà, chúng còn xem bói, nói về tâm linh, sau đó thì mồi chài mua thuốc. Thấy nó nói đúng về bệnh của mình và còn cho địa chỉ rõ ràng nên tôi cũng tin tưởng, không đề phòng”.
Cùng trong hoàn cảnh với bà T, chị H tâm sự : “Gia đình khó khăn, chồng đi làm ăn xa, một mình nuôi 3 đứa con độ tuổi đến trường, bản thân lại bị bệnh, mặc dù đã điều trị, uống nhiều thuốc rồi nhưng vẫn chưa giảm đi phần nào. Số tiền thuốc chúng bán khá cao so với điều kiện gia đình, nhưng tin vào lời khẳng định uống đảm bảo khỏi, nên tôi đã mua với hy vọng hết bệnh để có sức khỏe chăm lo cho gia đình”.
Trước các thông tin do người dân phản ánh, các cơ quan chức năng tại địa phương đã vào cuộc tìm hiểu, làm rõ sự việc. Tuy nhiên, câu chuyện của bà T, chị H như một hồi chuông cảnh báo tới các gia đình, đặc biệt là các gia đình ở vùng nông thôn cần cảnh giác và đề phòng hơn nữa với các đối tượng lạ mặt và tránh sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Nguyễn Thúy Ngà
Cùng chuyên mục
Bình luận