Vũ kịch “Hồ Thiên Nga” – nơi hội tụ văn hóa Nga, trí tuệ Tchaikovsky và tinh thần nghệ sĩ xứ sở bạch dương
(Sóng trẻ) - Được mệnh danh là “ballet của những vở ballet”, “Hồ Thiên Nga” thể hiện tinh thần, trí tuệ và triết lý của nhà soạn nhạc thiên tài P. Tchaikovky cũng như biểu đạt đầy đủ vẻ đẹp của nghệ thuật ballet và văn hóa Nga.
Vũ kịch “Hồ Thiên Nga” kể từ khi ra đời cho đến nay vẫn được xếp vào hàng kinh điển của ballet – một bộ môn nghệ thuật múa vốn được coi là kén người xem. “Hồ Thiên Nga” được P. Tchaikovsky sáng tác vào khoảng 1875-1876, tức đã có lịch sử tồn tại gần 140 năm, được dựng với nhiều phiên bản khác nhau trên thế giới nhưng thành công và trọn vẹn hơn cả vẫn phải là nghệ sĩ Nga với tâm hồn và tinh thần Nga.
“Hồ Thiên Nga” kể về câu chuyện cổ tích, bi kịch lãng mãn trong tình yêu giữa “công chúa thiên nga” Odette và hoàng tử Siegfried. Do vướng vào lời nguyền hung ác của phù thủy nửa người, nửa cú Von Rothbart, Odette từ một nàng công chúa xinh đẹp đã trở thành thiên nga sống ở hồ nước. Nàng cũng nhiều cô gái xinh đẹp khác chỉ được trở về với nại hình xinh đẹp của con người vào ban đêm còn ban ngày họ phải biến thành thiên nga. Vở vũ kịch có tất cả 4 cảnh và thường kết thúc với bi kịch lãng mạn là cái chết của “công chúa thiên nga” và hoàng tử. Tình yêu đẹp và chân chính của họ đã hóa giải lời nguyền quyền lực của Von Rothbart và khiến hắn phải chết.
Ảnh trích đoạn múa 4 con thiên nga kinh điển trong "Hồ Thiên Nga" (Ảnh: Giang Huy - VnExpress.net)
“Hồ Thiên Nga” là sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, động tác múa và biểu cảm trên gương mặt của diễn viên. Âm nhạc khi thi du dương - lãng mạn, khi thì cao trào – kịch tính đã hòa cùng đôi chân uyển chuyển, đôi tay mềm mại của các nghệ sĩ để trở thành một biểu tượng của tinh hóa nghệ thuật ballet và âm nhạc P. Tchaikovesky.
Không những thế, “Hồ Thiên Nga” còn được cho là chứa đựng những thông điệp về những trạng thái mâu thuẫn vốn tồn tại đầy đối lập trong mỗi con người. Sự nhầm lẫn, những đấu tranh nội tâm, những khao khát cháy bỏng, những thăng hoa tột cùng của cảm xúc được truyền tải trọn vẹn thông qua giai điệu, nhịp chân, bước nhảy và cả ánh mắt của các nghệ sĩ ballet.
Bên cạnh đó, “Hồ Thiên Nga” cũng là vở vũ kịch chứa đựng nét đẹp văn hóa Nga. Những con thiên nga trắng, khung cảnh hội trường lâu đài qua tranh vẽ hay mô phỏng 3D đều chứa đựng một chất rất riêng của Nga mà ta rất khó nào có thể tìm thấy khi xem nghệ sĩ của các nước khác trên thế giới dẫu rằng có thể họ rất cố gắng hoặc không thua kém gì về sự điêu nghệ trong động tác múa. Có thể nói “Hồ Thiên Nga” không chỉ thành công như một đỉnh cao của nghệ thuật ballet mà còn khi dấu ấn vì chuyển tải được tinh thần, cốt cách văn hóa xứ sở bạch dương. Không quá khi nhận xét rằng văn hóa Nga đã chảy trong từng mạch điệu của vở vũ kịch.
“Hồ Thiên Nga” luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng trong mỗi lần xem bởi lẽ người ta không khó để nhận ra những nỗ lực và cháy hết mình cho nghệ thuật của các nghệ sĩ. Những đôi chân bay lượn trên không trung hay sự thanh thoát, duyên dáng trong điệu múa của các thiên nga để lại cảm xúc đẹp trong trái tim những người yêu nghệ thuật múa.
Quang Đức
Cùng chuyên mục
Bình luận