Xiên bẩn - giá rẻ, hậu quả đắt
(Sóng trẻ) - Từ ngày 15/4, Hà Nội chính thức triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm 2025”. Thế nhưng, tình trạng thực phẩm kém chất lượng, đặc biệt là các loại xiên chiên giá rẻ, không rõ nguồn gốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại cổng trường học. Món ăn vặt này âm thầm đe dọa sức khỏe học sinh, sinh viên mỗi ngày.
Xiên bẩn “bủa vây”
"Xiên bẩn" là cách gọi chung của các món ăn được làm theo dạng xiên que như viên chiên, xúc xích, lạp xưởng... sau đó chiên giòn, bắt mắt và hấp dẫn. Từ "bẩn" trong "xiên bẩn" được dùng với đúng nghĩa đen, chỉ sự mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn. Các xe "xiên bẩn" này thường được bày bán tại các vỉa hè gần cổng trường, chợ dân sinh – đặc biệt tại khu vực các trường đại học có nhiều sinh viên qua lại.
Mỗi chiều tan học, khu vực trước cổng Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân,… lại trở thành “thiên đường” xiên que giá rẻ. Trên mỗi xe đẩy bày la liệt hơn chục loại, từ xúc xích đỏ au, cá viên, bò viên, cho đến những xiên que không rõ là thịt gì, tất cả có giá chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/que.
Hấp dẫn về hình thức và giá cả, nhưng những chiếc xe đẩy này lại thiếu vắng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nguyên liệu chế biến thường được trữ trong thùng xốp cũ kỹ, cáu bẩn, lót sơ sài lớp nylon mỏng. Dầu chiên đen kịt, đóng cặn, được tái sử dụng nhiều lần. Tấm chắn dầu bằng tôn dựng quanh cũng loang lổ, phủ dày muội khói.


Đáng lo ngại, theo ghi nhận của phóng viên, một số hàng còn có hành vi tráo xiên: sau khi khách chọn xiên từ khay ngoài, người bán âm thầm thay bằng những que xiên đã chuẩn bị sẵn trong thùng bên dưới. Cùng loại, nhưng không phải món khách đã chọn - và quan trọng hơn, không ai có thể xác minh chất lượng của những que xiên bị tráo đổi ấy.

Khi được hỏi về giấy tờ chứng minh, người bán thản nhiên: “Hàng này lấy mối quen, xưởng to, hàng đông lạnh cả nên ăn vô tư. Cứ bán chứ có ai hỏi bao giờ”.
Để tìm được nơi bán xiên giá rẻ cũng không khó. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, chỉ cần gõ cụm từ “xiên giá sỉ” hay “viên xiên rẻ”, thuật toán lập tức đề xuất hàng trăm đầu mối bán online. Nhiều tài khoản rao bán với lời quảng cáo hấp dẫn: “Bao ngon, rẻ, đảm bảo”. Một combo 1kg xiên chỉ khoảng 25.000 - 35.000 đồng.

Những túi xiên này thường không nhãn mác, được trữ đông sâu, nhiều khi có mùi tanh nhẹ. Một số được cho là tái chế từ thực phẩm hết hạn hoặc chứa phụ gia không rõ nguồn gốc.
Người tiêu dùng phó mặc
Không ít sinh viên, dù biết rủi ro, vẫn “nhắm mắt đưa tay” vì lý do quen thuộc: rẻ - tiện - ngon. Bạn Ninh Minh Đông (23 tuổi) chia sẻ: “Em nghĩ là hàng công ty sản xuất chứ nhỉ? Nhưng tuần em ăn có 2-3 lần, chắc không làm sao”. Còn Phạm Anh Khoa (22 tuổi) cười nói: “Nhiều lúc cũng sợ, nhưng mà sinh viên mà, vừa túi tiền lại tiện. Với lại mình đang tuổi ăn tuổi lớn, chắc không ảnh hưởng gì”.

Theo Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 11/2024, cả nước ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong. Nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm đường phố và khu vực quanh trường học.
Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo, “xiên bẩn” tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe: từ nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hóa đến nguy cơ ung thư do dầu chiên tái sử dụng. Một số sản phẩm làm từ thịt động vật nhiễm bệnh, nếu không được làm chín kỹ, có thể dẫn đến nhiễm ký sinh trùng.
Để đối phó, UBND TP. Hà Nội chính thức phát động “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025” từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5 với nhiều đợt kiểm tra đột xuất. Dự thảo sửa đổi Điều 317 Bộ luật Hình sự cũng đang được lấy ý kiến, đề xuất tăng mức phạt tù tối đa lên 20 năm đối với hành vi chế biến, buôn bán thực phẩm gây nguy hại.
Tuy nhiên, theo nhận định của luật sư Đào Ngọc Minh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): “Việc đề xuất sửa đổi Điều 317 là động thái tích cực nhằm tăng tính răn đe. Nhưng công cuộc chống thực phẩm bẩn không thể chỉ trông chờ vào luật. Chúng ta phải có một hệ thống giám sát hiệu quả đi cùng với nâng cao nhận thức cộng đồng”.
Tháng hành động đã đến, những cuộc kiểm tra sẽ bắt đầu, nhưng bài toán thực phẩm bẩn sẽ không có lời giải nếu người tiêu dùng vẫn phó mặc sức khoẻ của mình cho những lựa chọn “rẻ, tiện, quen”. Chỉ khi thói quen tiêu dùng thay đổi, những xe xiên không đảm bảo vệ sinh mới thật sự hết đất sống.