Xu hướng thời trang của GenZ hiện nay: Nhanh hay xanh?

(Sóng trẻ) - Đứng giữa nỗ lực bảo vệ môi trường và những ưu thế của thời trang nhanh, Gen Z - một trong những đối tượng mua sắm thời trang nhanh nhiều nhất đang đối mặt với thực tế đầy mâu thuẫn. 

Theo Tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới Vogue, thời trang nhanh có thể hiểu đơn giản là xu hướng sản xuất quần áo với tốc độ nhanh chóng và được bán với mức giá thấp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tức thời. Trong khi đó, thời trang xanh lại hướng đến việc sản xuất quần áo một cách bền vững, thân thiện với môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng cũng như điều kiện làm việc của những người trong ngành thời trang (theo Tổ chức Thời trang xanh Ấn Độ - Green Fashion India). 

Thực tế đầy mâu thuẫn

Theo khảo sát về GenZ của Deloitte (2024), vấn đề môi trường là một trong những mối lo ngại hàng đầu của 62% thế hệ này. Trong đó có đến 77% GenZ sẵn sàng thay đổi hành vi để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Những hành động thiết thực như hạn chế túi nilon, ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng, ăn chay hay tiết kiệm năng lượng… đang dần trở nên quen thuộc trong lối sống của người trẻ hiện nay. Song cũng theo khảo sát, chỉ có 35% GenZ đã giảm thiểu chi tiêu cho thời trang nhanh và 25% GenZ dự tính làm điều đó. 

Chia sẻ về thời trang nhanh, Uyển Nhi (21 tuổi, Hà Nội) bộc bạch, dù thường xuyên tham gia ủng hộ các chiến dịch xanh, nhưng xu hướng thời trang này vẫn có sức hút mạnh mẽ với cô: “Giá cả phải chăng và mẫu mã đa dạng của những món đồ này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của mình. Chính vì vậy, mỗi khi mình mua sắm quần áo, mình luôn ưu tiên chọn thời trang nhanh”.

Haley Phạm - TikToker với hơn 300.000 người theo dõi, từng đăng tải một video quảng bá cho chiến dịch sống xanh của Vincom. Trong đoạn video này, cô đề cập đến việc di chuyển đến trung tâm thương mại bằng xe điện và thói quen mang theo túi tote vải để “mua sắm nhiều lần mà không phải dùng túi giấy hay túi nilon”. Tuy nhiên, cửa hàng đầu tiên mà nữ TikToker này ghé vào lại là một hãng thời trang nhanh.

Nữ TikToker Haley Phạm mua sắm tại cửa hàng thời trang nhanh (Ảnh: Chụp màn hình)
Nữ TikToker Haley Phạm mua sắm tại cửa hàng thời trang nhanh. (Ảnh: Chụp màn hình)

Có thể thấy, xu hướng thời trang nhanh đã trở thành một phần trong cuộc sống của thế hệ trẻ. Thói quen mua sắm này cũng cho thấy một thực tế phức tạp của ngành thời trang hiện nay trong công cuộc chuyển hóa xanh.

Hành trình từ “nhanh” đến “xanh”

Ngày nay, hầu hết người trẻ đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nhưng quá trình “xanh hóa” cuộc sống, trong đó có lĩnh vực thời trang, thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Trước tiên, thu nhập của nhiều người dân Việt Nam vẫn ở mức trung bình và thấp. Theo giá hiện hành, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4,28 nghìn USD. Mức GDP này tuy đã cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng vẫn còn thấp so với các nước phát triển trên thế giới. 

Hơn nữa, sự chênh lệch giá của sản phẩm xanh lên tới 20% - 30% so với sản phẩm thông thường. Điều này đã trở thành một rào cản đáng kể đối với giới trẻ trong việc tiếp cận thời trang xanh. 

Vũ Hiền (22 tuổi, Hà Nội) tâm sự số tiền mua một sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường có thể đủ để mua 3 - 4 món đồ thời trang nhanh khác: “Giá thành của các mẫu quần áo xanh khá cao, trong khi trên các sàn thương mại điện tử không thiếu những món hàng giá rẻ, thậm chí có những mẫu chỉ chưa đến 100 nghìn đồng mà vẫn đẹp và chất lượng”.

Tuy nhiên, vòng đời của những mẫu quần áo giá rẻ thường ngắn cần người dùng thay mới liên tục. Điều này vừa gây lãng phí tiền bạc vừa tạo ra một lượng rác thải khó phân hủy, gia tăng áp lực lên môi trường. Nhận thức được điều này, Hiền đã tìm hiểu kỹ về thời trang xanh, từ đó dần thay đổi suy nghĩ và điều chỉnh lại thói quen mua sắm của mình. Cô nàng khẳng định, nếu biết cách chi tiêu, thời trang xanh không hề đắt.

Vũ Hiền chuyển hướng sang tiêu dùng thời trang xanh (Ảnh: NVCC)
Vũ Hiền chuyển hướng sang tiêu dùng thời trang xanh. (Ảnh: NVCC)

“Thời trang nhanh tuy rẻ nhưng không đa dụng, thường chỉ mặc được vài lần rồi bỏ. Ngược lại, một mẫu quần áo thời trang xanh có thể tái sử dụng nhiều lần. Đầu tư vào những sản phẩm xanh chất lượng cao không chỉ giúp tiết kiệm chi phí về lâu dài mà còn góp phần bảo vệ môi trường”, Hiền nói.

Như vậy, vượt qua rào cản của thời trang nhanh, xu hướng xanh đang dần khẳng định sự hiện diện và thu hút sự quan tâm của người trẻ.

Nỗ lực chuyển đổi xanh

Bài toán bảo vệ môi trường đang đặt ra những thách thức lớn đối với ngành công nghiệp thời trang, vốn được biết đến với lượng rác thải khổng lồ và quy trình sản xuất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, chính trong thách thức đó, cơ hội cho thời trang bền vững, hay còn gọi là thời trang xanh, lại mở ra. Không nằm ngoài xu hướng chung, nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam đã và đang tích cực chuyển mình, hướng đến sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững.

Điển hình trong số đó là BOO, một trong những cái tên tiên phong của lĩnh vực thời trang xanh tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 2009 nhưng phải đến những năm gần đây, khi ý thức bảo vệ môi trường của xã hội ngày càng nâng cao, BOO mới thực sự thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Theo báo cáo doanh thu quý 1 năm 2024, BOO ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu từ các sản phẩm xanh tăng đến 58,4% so với quý trước.

Trong quý 1 năm 2024, bộ sưu tập xanh của BOO đã đạt doanh thu 49.787.110 VNĐ (Ảnh: BOO Vironment)
Trong quý 1 năm 2024, bộ sưu tập xanh của BOO đã đạt doanh thu 49.787.110 VNĐ. (Ảnh: BOO Vironment)

Ở tầm quốc tế, nhiều "ông lớn" trong ngành thời trang đã và đang tích cực chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hướng bền vững. Điển hình như Nike với cam kết sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy của mình vào năm 2025, H&M với cam kết trở thành thương hiệu thời trang bền vững vào năm 2030, hay hàng loạt thương hiệu cao cấp như Versace, Giorgio Armani, Gucci, Tom Ford và tuần lễ thời trang London cũng đã tuyên bố ngưng sử dụng lông thú. Những động thái này cho thấy, thời trang xanh không chỉ là xu hướng mà còn là một chiến lược kinh doanh dài hạn của các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Tại Tọa đàm “Những người tiên phong của thời trang Xanh Việt Nam”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức đầu tháng 10/2023, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết thời trang xanh vẫn đang còn khá mới mẻ tại Việt Nam: "Tại các nước Châu Âu thời trang xanh, bền vững không còn là tiên phong nữa, nó đã là xu hướng chính. Tôi cho rằng, ở Việt Nam, chúng ta còn phải quảng bá về nội dung xanh, bền vững rất nhiều”.

Bà Hạnh nhấn mạnh, thời trang dùng những nguyên liệu xanh, bền vững giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm cho nền kinh tế, chống lãng phí, chống rác thải,… Tuy nhiên những người đi tiên phong trong ngành chưa nhiều. Những người tiên phong trong hoạt động này cần phải có niềm tin và sự đầu tư bền bỉ.

Nhìn chung, việc chuyển đổi từ lối sống nhanh sang lối sống xanh không phải là một cuộc đua nước rút mà là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng. Thế hệ GenZ, với sức trẻ và tư duy cởi mở, chính là lực lượng tiên phong trong hành trình này.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN