“Bảo tồn Quan họ phải đi đôi với việc cách tân”

(Sóng trẻ)- Đó là lời khẳng định của NSƯT Nguyễn Xuân Mùi – người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và giải mã về quan họ. Trải qua biết bao biến đổi của thời cuộc, Quan họ đang dần có những bước chuyển mình mạnh mẽ để tiếp cận tới nhiều đối tượng khác nhau, lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp đến toàn nhân loại.

Năm 2019 đánh dấu chặng đường 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm qua, Quan họ mang trong mình một sức sống mới, một sứ mệnh mới, hòa trong nhịp thở của thời đại. Vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, Quan họ đã vươn xa, được cả thế giới đón nhận và yêu mến.

Cũng trong chặng đường 10 năm lịch sử ấy, bên cạnh việc bảo tồn những nét Quan họ cổ, Dân ca Quan họ Bắc Ninh luôn “tự làm mới mình” với những cách tân độc đáo trong lời ca tiếng hát, trong cách thức thể hiện để đưa Quan họ đến gần hơn nữa với công chúng, phù hợp trong nhiều không gian biểu diễn khác nhau.

Giá trị truyền thống là cội nguồn sức mạnh trường tồn

Song hành cùng những dấu mốc lịch sử vẻ vang của dân tộc, chứng kiến sự du nhập của nhiều cái hay, cái lạ, song Dân ca Quan họ Bắc Ninh vẫn luôn “giữ mình”, bảo tồn những giá trị cốt lõi của Quan họ cổ cho đến tận ngày nay.

Hình ảnh các liền anh, liền chị luôn gắn liền với áo the – khăn xếp, với chiếc áo mớ ba mớ bảy đằm thắm, thướt tha, chiếc nón quai thao dịu dàng, e ấp. Dù thời thế có xoay chuyển vạn vật thế nhưng hình ảnh của người chơi Quan họ vẫn trường tồn, bất biến.

anh-1.JPG
Các liền chị chơi Quan họ làm duyên làm dáng trong chiếc áo tứ thân

Một canh chơi Quan họ luôn tuân thủ đầy đủ theo trình tự: Hát lề lối – Hát bỉ - Hát sơn trang – Hát giọng vặt – Hát giã bạn. Mỗi giọng hát đều mang một ý nghĩa riêng.

Hát lề lối được coi là khúc dạo đầu cho một canh hát, là lời mở màn, giới thiệu, làm quen. Những lời ca trong hát lề lối thường có tiết tấu chậm chạp, tầm cữ hẹp, đường nét của giai điệu đều đều. Hết giọng lề lối chuyển sang hát giọng bỉ. Giọng bỉ trong quan họ chỉ có một làn điệu, làn điệu bỉ mềm mại, lên bổng xuống trầm, tha thiết, vang xa.

Giọng chính và quan trọng nhất trong một canh hát quan họ phải kể đến hát giọng vặt. Đây là loại giọng có nhiều âm điệu, vô cùng đa dạng và phong phú. Tiết tấu của giọng vặt linh hoạt, không đều đều, đơn điệu như giọng lề lối hay giọng bỉ, đôi lúc tươi sáng, thanh thoát, có khi buồn man mác, cô đơn.

Để kết thúc canh hát quan họ, các liền anh, liền chị ca lời giã bạn, mang nghĩa chia tay, tiễn biệt. Giọng giã bạn thường có giai điệu sâu lắng, lời ca trầm buồn, quyến luyến không muốn rời xa, gửi gắm tâm tư, tình cảm của bạn hát.

121967181_404848317177604_1595111673355591224_n.jpg
Một canh hát Quan họ cổ tại nhà chứa làng Diềm, thôn Viêm Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Trải qua biết bao biến động của thời cuộc, những làn điệu dân ca, những kỹ thuật hát Quan họ vẫn được gìn giữ trọn vẹn. Từ đệm “í a, ư hự” hay cách hát vang, rền, nền, nảy, ngắt,... đã trở thành linh hồn, là nét đặc trưng của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Ngoài nghệ thuật đối đáp, trau chuốt nội dung, việc ứng xử, giao tiếp của người Quan họ cũng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, là nét đẹp trong tâm hồn mỗi người dân Bắc Ninh. Mỗi khi đình đám hội hè, làng có hội sẽ cử người đến các làng Quan họ kết chạ để mời hát. Với người Quan họ, lời mời này mang ý nghĩa vô cùng sâu xa, thể hiện thành ý của người mời.

Chia sẻ về những giá trị truyền thống của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, anh hai Ký – người nghệ nhân làng Diềm đã có kinh nghiệm bao năm chơi Quan họ tâm đắc: “Có đổi mới thế nào đi chăng nữa thì lề lối cơ bản trong cách chơi Quan họ phải luôn được gìn giữ trọn vẹn. Đó là cái hồn, cái cốt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, là bản lề để tiến đến việc cách tân, đổi mới sau này”.

anh-3.JPG
Anh hai Ký - người nghệ nhân làng Diềm trăn trở về việc giữ gìn và đổi mới Quan họ

Đổi mới là cách để quảng bá tinh hoa Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Ngày nay, Quan họ vẫn giữ được nét tinh tế trong cách đối nhân xử thế và trong văn chương thơ phú. Tuy nhiên đã có một vài biến đổi, đặc biệt về thời gian, không gian và cách thức trình diễn.

Có 3 giai đoạn phát triển chính của Quan họ: Quan họ làng (tức Quan họ cổ) – Quan họ đoàn (đã có sự cách tân) – Quan họ Đài (tức là Đài Phát thanh, Đài Truyền hình). Quan họ Đài có sự đổi mới lớn nhất về mọi mặt.

Trước kia, làng có hội vào đầu năm hay hội hè, các liền anh, liền chị mới có dịp thỏa sức chơi Quan họ. Song, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa ngày càng cao của người dân, họ có thể chơi Quan họ bất cứ lúc nào, người Quan họ gặp nhau là tự do cất lên lời ca tiếng hát.

Không gian biểu diễn ngày nay được mở rộng. Không chỉ có ở sân đình, nhà chứa, thuyền rồng, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được đưa lên sân khấu, trình diễn trong và ngoài nước, lồng ghép nhạc để dễ dàng tiếp cận các khán giả.

anh-4.JPG
Quan họ cách tân được đưa lên sân khấu, mở rộng, linh hoạt hơn về không gian biểu diễn

Bàn luận thêm về sự cách tân, sáng tạo này, NSƯT Nguyễn Xuân Mùi – người dành trọn cuộc đời cho Quan họ bày tỏ: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa Quan họ xưa và nay nằm ở việc được lồng ghép nhạc, thêm từ đệm, có thể là sáng tạo lời mới và thay đổi không gian biểu diễn. Không phải ở đâu cũng có sân đình, có thuyền rồng để thưởng thức Quan họ. Do vậy việc mở rộng về không gian biểu diễn là vô cùng cần thiết. Nó giúp cho khán giả dễ tiếp thu, dễ cảm nhận về Quan họ hơn rất nhiều so với trước kia”.

anh-5.JPG
NSƯT Nguyễn Xuân Mùi - người tự buộc đời mình với làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Khi lời ca được đặt trong giai điệu âm nhạc và chịu sự chi phối của giai điệu âm nhạc ta mới thấy hết được sự tài tình trong cách tư duy âm thanh của nghệ nhân dân gian xưa. Không gượng ép, gò bó mà âm điệu cứ tự nhiên, dàn trải, trở nên mềm mại và lung linh hơn. Tất nhiên, làm nền để nổi bật giai điệu âm nhạc và lời ca ấy chính là cách hát vang, rền, nền, nảy - một sự sáng tạo độc đáo người quan họ xưa.

Có thể nói, việc cách tân, đổi mới trong lời ca tiếng hát, trong cách thức biểu diễn có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa Quan họ đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là với khán giả trẻ.  

Sự thay đổi này phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Quan họ mới vẫn lưu giữ những nét văn hóa, giá trị truyền thống từ ngàn đời, nhưng song hành cùng đó là sứ mệnh lan tỏa để Quan họ mãi bay xa, trở thành niềm tự hào của người vùng Kinh Bắc nói riêng, người con đất Việt nói chung.

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN