2k4 cạnh tranh khốc liệt vì điểm chuẩn học bạ tăng cao
(Sóng trẻ) - Năm học 2021 - 2022, điểm chuẩn xét tuyển học bạ tăng mạnh, hơn 9 điểm một môn mới có thể đỗ ngành hot, 2k4 cạnh tranh khốc liệt.
Ngay sau khi kỳ thi THPT QG năm học 2021 - 2022 kết thúc, nhiều trường đại học trên cả nước đã bắt đầu công bố mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng học bạ. Theo đó, so với mức điểm năm ngoài có thể thấy rõ điểm chuẩn xét học bạ năm nay tăng mạnh.
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, một số trường đại học có mức điểm cao ngất ngưởng, hơn 9 điểm một môn mới có khả năng đỗ. Do đó, nhiều thí sinh đã khá bất ngờ dù bản thân đạt điểm rất cao, tự tin có thể đỗ ngành mình yêu thích.
Bạn Nguyễn Ngọc Thùy Trâm (học sinh lớp 12 tại Vĩnh Phúc) đã đăng ký xét tuyển học bạ vào ngành Báo chí của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với số điểm khối C00 đạt 29 điểm, cao hơn 2 điểm so với điểm chuẩn học bạ năm ngoái. Tuy nhiên, khi nhận thông báo điểm chuẩn học bạ năm 2022, Trâm "ngã ngửa" vì 30 điểm vẫn không thể đỗ.
Cụ thể, tại trường Đại học Văn hóa, tính theo thang điểm 30, có đến 3 ngành có mức điểm chuẩn vượt trần bao gồm báo chí, luật, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đều có mức điểm là 30,5. Bên cạnh đó, một số ngành khác liên quan đến quản lý văn hóa và du lịch của trường này cũng có mức điểm xét theo khối C dao động từ 27,5 đến 30 điểm.
Cũng như vậy, tại một số trường đại học khác như Đại học Thủy lợi, Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Đại học Tài chính marketing, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Công nghiệp TP.HCM,... một số ngành hot có mức điểm trúng tuyển bằng học bạ dao động từ 26,5 đến 29,5 điểm. Những ngành đó chủ yếu thuộc nhóm ngành kinh tế, logistic, truyền thông và marketing, ngôn ngữ.
Giải thích về vấn đề điểm chuẩn đại học năm nay tăng mạnh, có thể đưa ra một vài nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do số lượng hồ sơ nộp vào xét tuyển học bạ tăng cao. So với năm ngoái, lượng hồ sơ xét học bạ của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tăng 1,5 lần. Trong khi đó, chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức học bạ của các trường đại học hiện nay chủ yếu chiếm 20 - 30% tổng chỉ tiêu. Do đó, mức độ cạnh tranh là rất cao.
Thứ hai, do sự cạnh tranh đến từ các phương thức xét tuyển khác. Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay có đến 20 phương thức xét tuyển vào đại học khác nhau như xét tuyển học bạ kết hợp chứng chỉ tiếng anh, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển bằng bài thi ĐGNL, bài thi riêng của từng trường… Vì vậy, các trường phải chia bớt chỉ tiêu, đẩy điểm học bạ lên cao.
Thứ ba, do điểm học bạ của thí sinh tăng. Ngoài điểm học bạ thuần túy được tính theo tổ hợp môn còn có thêm điểm ưu tiên theo khu vực, ưu tiên các chứng chỉ ngoại ngữ, các giải thưởng từ cấp tỉnh,... Tùy từng trường mà mức điểm ưu tiên này sẽ khác nhau. Do đó, trường hợp trên 30 điểm mới đỗ như tại Đại học Văn hóa cũng không quá khó hiểu.
Tuy nhiên, ngay cả khi điểm chuẩn học bạ tăng cao vẫn còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng về chất lượng của thí sinh xét học bạ năm nay. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà phần lớn thời gian cấp 3 các bạn 2k4 chủ yếu học online tại nhà. Trước tình hình đó, các trường THPT cũng đã có sự điều chỉnh cách giảng dạy nhằm tạo điều kiện cho học sinh có bảng điểm đẹp hơn.
Trên trang Zing news, TS. Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ: “Với tâm lý muốn tạo điều kiện cho học sinh theo đuổi các bậc học cao hơn, một số thầy cô, nhà trường có thể 'nới' điểm để học sinh có được kết quả học tập bậc THPT tốt hơn”.
Do đó, cuộc đua vào đại học của các sĩ tử đôi khi còn là cuộc đua để có một học bạ đẹp giữa các bậc phụ huynh, thầy cô., dễ dẫn đến nhiều tình trạng tiêu cực trong học tập, thi cử.
Tuy nhiên, không phải trường nào, ngành nào điểm học bạ cũng tăng mạnh như trên. Một số ngành học của Đại học Điện lực, Công nghệ Giao thông vận tải, Đại học Kiến trúc, Đại học Mỏ - Địa chất lấy điểm chuẩn học bạ 18-19, tức chỉ từ 6 điểm mỗi môn. Vì vậy, các thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân mình.