3 thức quà giúp ta ấm hơn trong những ngày giao mùa Thu - Đông!
(Sóng Trẻ) - Ở giữa thời tiết giao mùa ẩm ương, có ngày se lạnh có ngày lại nắng ấm, chính là lúc báo hiệu sự "lên ngôi" của những thức quà ấm nóng. Ngay từ những ngày này, dạo quanh một vòng phố phường Hà Nội, ta có thể thưởng thức chúng một cách dễ dàng.
Bún ốc 30 năm tuổi trên phố Nguyễn Siêu
Thử hỏi khắp xung quanh con phố Nguyễn Siêu và những người sành ăn, có ai là không biết đến bún ốc cô Huệ. Thuở trước cô Huệ cứ phải đi bán bún gánh rong ruổi khắp các ngóc ngách trên phố cổ Hà Nội, nhưng giờ may mắn hơn, cô đã thuê được tầng 1 của căn nhà số 43 Nguyễn Siêu, phố Hàng Buồm để việc bán bún ốc được thuận lợi, nhằm phục vụ chu đáo, ổn định hơn cho những vị khách "ruột" của mình.
Cô Huệ chủ quán bún ốc nổi tiếng trên con phố Nguyễn Siêu.
Chắc hẳn cô Huệ đã khá quen với việc tiếp xúc với máy ảnh, đồ nghề quay phim của các phóng viên. Vì khi chúng tôi đến, cô không cảm thấy bỡ ngỡ mà niềm nở trợ giúp chúng tôi để có được những bức hình đẹp nhất.
Bún ốc quán cô Huệ được chia ra làm hai loại, đó là bún ốc nóng và bún ốc nguội, tùy từng người mà khách có thể yêu cầu chọn ăn ốc to, ốc nhỏ, hoặc ốc lẫn…Cô nói, những hôm trời lạnh thì khách chọn ăn bún ốc nóng nhiều hơn là bún ốc nguội. Bún ốc nguội được ưa chuộng hơn hẳn là vào mùa hè.
Những sợi bún trắng ngần, vẫn còn nây nẩy với độ đàn hồi bỗng mềm mịn và trơn tuột lại sau khi được trần qua ngồi nước dùng đang sôi sùng sục trên bếp than hồng.
Cô làm thoăn thoắt các bước để cho ra một bát bún đầy đủ nguyên liệu và gia vị, chỉ mất trung bình khoảng 1 phút 30 giây là đã có ngay một bát bún nóng hổi ngay trước mặt. Cô nói các nguyên liệu đều được chuẩn bị sẵn từ ở nhà, giờ chỉ việc kết hợp chúng lại với nhau đem ra cho khách dùng.
Những con ốc chắc mẩy, sạch sẽ, thịt dày được khêu từ trước và xếp ngay ngắn trong một chiếc bát như đang xếp hàng chờ tới lượt hòa quyện vào thứ nước dùng được ninh với xương heo và cà chua, mỡ hành từ đêm hôm trước. Bún ốc là phải có tía tô, thêm một chút hành hoa lẫn mùi tàu.
Thế là xong phần cốt, cô Huệ múc thứ nước dùng trông béo ngậy kia chan lẫn với những thứ kể trên, tay bưng bát bún nóng như vậy mời khách mà mặt cứ tỉnh bơ, trong khi đó ai ấy đều suýt xoa nếu chẳng may chạm vào bát bún.
Bát bún ốc chỉ việc chan nước dùng nữa là mang tới cho khách thưởng thức.
Thứ phải nếm đầu tiên khi ăn những món ăn có nước như thế này chắc chắn phải là nước dùng. Chao ôi! Nhấp một miếng mới lạ kì và đã đời làm sao.. Thứ nước dùng của món bún ốc nơi đây quả thực độc nhất vô nhị như lời đồn đại, chua chua ngọt ngọt kèm theo một chút cay cay tê tê nơi đầu lưỡi của ớt chưng. Chưa kể, nếu để ý kĩ, ta sẽ ngửi và nếm được cả mùi chua dịu nhẹ của dấm bỗng. Ở đây cũng có phục vụ cả mắm tôm cho những ai thích ăn.
Bát bún ốc nóng hổi tại quán cô Huệ.
Để ý thì thấy, bát bún ốc ở đây trông không được đầy đặn như những nơi khác, và cũng không có cả đậu phụ rán giòn ăn kèm. Trông vơi vơi là vậy nhưng ăn hết bát bún này là cũng đủ no sức cho một chuỗi hoạt động tiếp theo trong ngày.
Khách đến ăn chủ yếu là khách quen từ trước của quán, cô nói có người đã ăn ở hàng của mình đến hàng chục năm nay.
Quả thực, nếu ăn bún ốc cô Huệ phố Nguyễn Siêu một lần, chắc sẽ trung thành với hàng quán của cô, bởi thứ nước dùng độc nhất vô nhị, ăn chỉ no được chứ không bao giờ sợ ngấy được.
Bún ốc cô Huệ - 43 Nguyễn Siêu, Hàng Buồm, Hà Nội.
Giá dao động 30 - 35.000 đồng.
Cháo sườn dẻo mịn nơi góc phố 45 Cửa Bắc
Quán cháo sườn nằm nhỏ xinh ở bên góc đường Cửa Bắc với vài ba chiếc ghế nhựa, khách không đông nhưng rất đều, cứ chốc chốc lại dăm ba người. Mọi thứ diễn ra cứ chậm rãi như vậy.
Bà chủ quán nhanh tay múc bát cháo nóng cho khách.
Quán bắt đầu mở hàng từ đầu giờ chiều, bán hết lúc nào thì sẽ dọn quán lúc đó - chủ hàng chia sẻ. Ở đây, chỉ bán chuyên biệt cháo sườn, cháo ở đây là dạng bột xay mịn.
Nồi cháo sườn cỡ 15 kilogam đã bắt đầu vơi dần
Nồi cháo cỡ 15 kilogam đến khoảng 3 - 4h chiều đã bắt đầu vơi dần, bên trong toàn là sườn sụn như đúng cái tên của nó. Một bát cháo sườn sụn đầy đủ ruốc quẩy đã được đưa đến tận tay sau 3-4 phút gọi. Cháo ở đây khác với cháo ở chợ Đồng Xuân, có cảm giác như cháo ở chợ Đồng Xuân ăn đặc và khan hơn, còn ở đây thì vừa vặn hơn, nhuyễn mịn và dẻo vừa đủ. Cháo vẫn có vị ngọt thanh từ sườn, thịt băm khá ngậy. Thêm một chút quẩy giòn vàng ruộm, mùa Đông năm nay, chắc chỉ cần như vậy là đủ với những tín đồ của các món được chế biến từ gạo. Khách ăn tới đâu, quẩy sẽ được cắt tới đó.
Đôi tay nhanh thoăn thoắt cắt quẩy cho khách của cô chủ quán.
Bát cháo đầy đặn giá 15.000 đồng trên con phố ngày giao mùa.
Khách đến đây, chủ yếu là dân văn phòng hoặc dân lao động đã là khách quen từ trước, người thì mua mang về, người thì ăn tại chỗ. Bát cháo nóng như vậy mà chỉ 5 phút người ta đã ăn xong.
Khách đến đây người thì mua mang về, người thì ăn tại chỗ.
Bên cạnh là đường xá đông đúc xô bồ, quán cháo tồn tại một cách chậm rãi, chẳng cần tất bật, ai nấy đều giữ cho mình những phút thong thả bên bát cháo sườn thơm phức ngày giao mùa.
Cháo sườn 45 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội.
Giá 15.000 đồng.
Cà phê Giảng - một trong tứ trụ của món cà phê trứng tại Hà Nội
Cà phê trứng tại Giảng thật chẳng còn quá xa lạ với nhiều người khi đây là nơi đầu tiên mang thứ cà phê này trở nên nổi danh và dậy sóng được như ngày hôm nay. Số nhà 39 Nguyễn Hữu Huân lúc nào cũng tấp nập người ra người vào, nhưng đông khách hơn cả là vào những ngày Hà Nội se lạnh.
Tầng 2 của quán lúc nào cũng kín khách.
Từ những năm 1946, Giảng đã ra đời và mang thứ cà phê trứng đến những người yêu thích cà phê, đây là một sự độc đáo trong cách làm mới cà phê truyền thống. Rất nhanh, nó đã trở thành thói quen của những "người sành uống". Mãi cho đến 5 năm trở lại đây, cà phê trứng tại Giảng bắt đầu trở thành cơn sốt với những bạn trẻ. Những quả trứng đã khiến Việt Nam nổi tiếng hơn nhờ cách pha cà phê mới này.
Tấng 1 là nơi pha chế của quán.
Là một trong những anh cả trong "làng cà phê trứng" tại Hà Nội, suốt bao nhiêu năm nay, Giảng vẫn giữ được phong độ của mình. Chẳng giống với cà phê trứng tại cà phê Đinh, hay nơi nào khác, vì mỗi nơi lại mang cho mình những nét rất riêng biệt.
Đã tồn tại hàng bao nhiêu năm nay nhưng đồ đạc khu pha chế gần như là vẫn giữ nguyên cấu trúc.
Mỗi ly cà phê trứng được pha với 2 quả trứng gà. Trứng gà được đánh cho tới khi chín, trở nên bông xốp, nhuyễn mịn và dẻo quánh lại. Cách pha cà phê trứng khá đơn giản, chỉ đánh trứng như vậy sau đó đổ cà phê đã pha sẵn bằng phin lên trên là có thể đem ra cho khách thưởng thức.
Trứng sau khi được đánh sẽ xếp thành hàng đợi đến lượt đổ cà phê vào mang ra cho khách dùng.
Mẹo uống cà phê trứng sao cho nn và chuẩn nhất là nên uống hết ly cà phê trứng đó trong vòng 2 phút đổ lại, nếu để nguội thì hơi khó uống.
Mỗi ly cà phê trứng mang ra cho khách đều được ngâm trong một chiếc bát có nước nóng.
Lớp kem trứng đánh phải đạt độ dẻo quánh, mịn nhuyễn.
Sau khi khuấy lớp cà phê quyện vào với lớp trứng xốp mềm kia, nhấp một ngụm ta cảm nhận được rõ vị ngậy béo của kem, vị thơm của sữa nhưng không quá ngọt, và hương cà phê thơm lừng, vị ngọt đắng vẫn còn đọng lại ở đầu lưỡi sau khi uống. Quả là một cách kết hợp độc đáo cho những tín đồ cà phê, vừa có thể thưởng thức cà phê, lại vừa kết hợp với trứng gà bổ dưỡng. Đây cũng là thức uống rất dễ gây nghiện và rất dễ dùng cho cả những người từ trước tới nay chưa từng uống cà phê bởi không ưa vị đắng của cà phê.
Khách tới đây còn có thể thưởng thức những đồ uống khác cũng được đánh giá rất cao, như cacao trứng, đậu xanh,..v..v
Cà phê Giảng - 39 Nguyễn Hữu Huân, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội và 106 Yên Phụ, Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội.
Giá dao động 20.000 - 35.000 đồng.
Đỗ Hồng Vân
Cùng chuyên mục
Bình luận