Ấn Độ: Ô nhiễm không khí cao gấp 3 lần mức nguy hiểm
(Sóng trẻ) – Thủ đô của Ấn Độ tiếp tục phải chịu đựng tình trạng khói bụi kỷ lục trong ít nhất một tuần tới. Chính quyền thành phố đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết tình trạng này.
Ấn Độ tiến hành tạm hoãn các chuyến bay và chuyển hướng từ sân bay quốc tế của thành phố Delhi do các phi công không thể xác định đường bay bởi lớp khói bụi dày đặc che kín.
Mức độ ô nhiễm không khí ở Ấn Độ cao gấp 3 lần mức “nguy hiểm” so với chỉ số chất lượng không khí toàn cầu (AQI).
Ngày 4/11, tại một số khu vực của thành phố chỉ số AQI đo được vẫn trên mức 800 - mức độ tồi tệ nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết dự báo thời tiết mưa nhỏ trong những ngày tới sẽ làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng vẫn rất khó để xác định mức độ giảm thiểu là bao nhiêu.
Các phương tiện giao thông lưu thông trong buổi sáng khói bụi dày đặc (Ảnh: CNN)
Các nhà chức trách ngay lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại New Delhi. Bên cạnh đó, việc xây dựng, thi công công trường cũng bị tạm dừng do ô nhiễm nghiêm trọng.
Chính phủ cũng thiết lập các biện pháp hạn chế số lượng phương tiện giao thông để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm gia tăng.
Người dân tại Delhi được khuyên nên ở trong nhà để tránh khói bụi trầm trọng, bảo vệ sức khỏe và chỉ ra nài khi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các biện pháp ngăn chặn khói bụi tại thủ đô không phát huy hiệu quả vì phần lớn khói bụi là do việc đốt cây rẫy quanh khu vực thành phố.
Trong một tuyên bố mới vào ngày 4/11, Chính phủ Ấn Độ cho biết họ đang triển khai 300 đội quân đến New Delhi và các khu vực lân cận để tiến hành việc kiểm tra và rà soát những hành vi đốt rẫy bất hợp pháp.
Siddharth Singh, một cư dân tại Noida cho biết không khí ngập tràn mùi khói và cuộc sống của họ đang gắn liền với khói bụi. Tình trạng ô nhiễm kéo dài đang khiến cho nhiều người phải nhập viên do bệnh hô hấp, đau họng và đau mắt.
Cảnh sát và tình nguyện viên làm nhiệm vụ hướng dẫn người tham gia giao thông tuân thủ nguyên tắc để giảm ô nhiễm (Ảnh: CNN)
Ấn Độ từng là quốc gia bị xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới và hiện nay tình trạng này tiếp tục chạm mốc kỷ lục “báo động nguy hiểm”. Thống đốc New Delhi Arvind Kejriwal cho biết, thành phố đang biến thành “buồng chứa khói” từ việc người dân đốt rẫy. Những khu vực đốt rẫy đang bị cấm hoạt động và kiểm soát chặt chẽ để hạn chế khói bụi thải ra môi trường.
Tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn vào thời điểm Lễ hội ánh sáng Diwali diễn ra do tình trạng đốt pháo của người dân. Nài ra, các phương tiện giao thông cũng đang là vấn đề nhức nhối thải ra một lượng lớn khói bụi.
Chất lượng không khí ở New Delhi đang xuống đến mức thấp nhất, điều này có thể dẫn đến những tác động nguy hiểm đến tính mạng người dân sống tại thủ đô.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 4,2 triệu người chết do tiếp xúc với ô nhiễm không khí và khói bụi, làm gia tăng số người bị đột quỵ, đau tim, tiểu đường và ung thư phổi.
New Delhi không phải là thành phố duy nhất của Ấn Độ đang vật lộn với khói bụi. Theo thống kê của Greenpeace và AirVisual, Ấn Độ là đất nước có 22 trong tổng số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Phương Anh (Theo CNN)
Cùng chuyên mục
Bình luận