Bách khoa ngày trở về: Nét đẹp của ký ức và khát vọng

(Sóng trẻ) - Trong các buổi lễ kỷ niệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm cựu học sinh từ nhiều thế hệ về thăm trường. Đây là nét văn hóa đẹp cần được gìn giữ và phát huy, nối dài truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Nhân những dịp kỷ niệm quan trọng, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa từ khắp nơi lại trở về trường xưa, tạo nên nét văn hóa đẹp được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đây không chỉ là dịp để họ gặp gỡ bạn bè, thầy cô, mà còn là cơ hội cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sống, những câu chuyện ý nghĩa từ trong kí ức. Cũng từ truyền thống này, lớp thế hệ sinh viên ngày này có cơ hội được tiếp thêm tình yêu với trường lớp, thầy cô và các thế hệ cha anh đi trước, từ đó nâng lên thành tình yêu tổ quốc, bày tỏ lòng biết ơn với sự hy sinh của thế hệ sinh viên Bách khoa trưởng thành trong khói lửa của chiến tranh.

a1.png
Các thế hệ người Bách khoa nô nức trở về “mái nhà xưa” (Ảnh: ĐHBKHN)

Truyền thống “trở về” -  giá trị văn hóa đáng trân trọng

tuyen-bus-20a-doi-lo-trinh-tu-ngay-1792024-44.png
Các cựu sinh viên K24 Khoa Luyện Kim ( Ảnh: Khánh Ly)

Trong không khí xúc động của lễ kỷ niệm 45 năm ngày ra trường, ông Phạm Văn Tuyên, cựu sinh viên Khoa Luyện kim, khóa 24 chia sẻ: “Tôi là người miền Nam, đã trở về đây rất nhiều lần nhưng lần nào cũng hoài niệm cả. Nhìn lại dãy giảng đường quen thuộc, những phòng thí nghiệm từng sáng đèn xuyên đêm, tôi như thấy lại chính mình trong hình ảnh các bạn trẻ đang miệt mài học tập. Mỗi lần nhìn thấy các bạn trẻ, chúng tôi đứng từ xa cứ trêu nhau mãi, ước gì thời gian trở lại”.

Với ông Nguyễn Ngọc Quang, cựu sinh viên Khoa Luyện kim khóa 24, kỷ niệm những ngày đầu nhập học tại Bách khoa cách đây hàng chục năm là khoảng thời gian vui nhất của ông và bạn bè khi đỗ vào ngôi trường đại học mơ ước. Tuy nhiên, đó cũng là khi đất nước ta trải qua nhiều khó khăn trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt.

tuyen-bus-20a-doi-lo-trinh-tu-ngay-1792024-43.png
Ông Quang cùng những người bạn năm xưa trở lại mái trường thân yêu, cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ sôi nổi và đầy nhiệt huyết. (Ảnh: Khánh Ly)

Vừa học, các cô cậu học trò thỉnh thoảng lại phải chạy đi sơ tán. Vào giữa những năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhiều sinh viên Bách khoa Hà Nội đã tạm gác bút nghiên, tạm biệt thầy cô, bạn bè để lên đường ra chiến trường miền Nam, mang theo tâm nguyện: “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về Bách khoa”.

Ông Quang tâm sự: “Có những người bạn của tôi đã tham gia cứu nước từ trước năm 1972. Sau cuộc Tổng động viên và đến khi đất nước được giải phóng, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Hiện tại, sức khỏe của mọi người đã yếu, nhiều người bị tai biến nặng, nhưng hễ còn khỏe là lại bắt xe ra Bắc để gặp mặt bạn bè”.

Với những sinh viên ở lại, họ cũng hết lòng tham gia công cuộc xây dựng miền Bắc. Chiều chiều sau giờ tan học, sinh viên Bách khoa lại hò nhau đi tham gia đắp đê, chống bão lũ. “Xe đón sinh viên đỗ ở cổng vào mỗi buổi chiều, hồi đấy vất vả thật nhưng ai cũng đồng lòng, hăng hái nên thấy phấn khởi lắm” - người cựu sinh viên hồi tưởng với niềm tự hào.

Kết nối các thế hệ và lan tỏa giá trị vượt thời gian

Không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa bạn bè cùng khóa, truyền thống trở về của các cựu sinh viên Bách Khoa còn có ý nghĩa lớn trong việc kết nối giữa các thế hệ. Những buổi giao lưu ấy là nơi những kỹ sư, nhà khoa học, giám đốc thành đạt của hôm nay kể lại hành trình vượt khó, chia sẻ bài học cuộc sống, truyền lửa cho thế hệ sinh viên hiện tại. Các sinh viên trẻ học hỏi được từ những trải nghiệm thực tế mà họ chưa được tiếp xúc trên giảng đường, từ đó mở rộng góc nhìn và có thêm động lực học tập, rèn luyện.

a-nh-chu-p-ma-n-hi-nh-2024-11-19-230528.png
Khúc Trường An - K54 ngành Kỹ thuật Ô tô (phải) gặp lại người thầy của mình - PGS.Đàm Hoàng Phúc trong dịp trở lại trường. (Ảnh: ĐHBKHN)

Hoàng Thanh Tùng - sinh viên năm hai khoa Cơ khí chia sẻ với niềm tự hào: “Nhờ có những dịp kỷ niệm do trường tổ chức, được chứng kiến các thế hệ đi trước quay về, mình thực sự cảm nhận được tinh thần đoàn kết và niềm tự hào đặc biệt của Bách Khoa. Mỗi lần các anh chị cựu sinh viên trở lại, mang theo những câu chuyện thành công và những bài học quý giá từ những năm tháng học tập ở đây, mình càng thêm ngưỡng mộ và xem đó là động lực để phấn đấu hơn nữa”.

Với Tùng, đây là dịp chứa đựng rất nhiều cảm xúc và sẽ trở thành kỷ niệm đẹp thời sinh viên. Tùng bày tỏ, sau này khi trở thành cựu sinh viên, bạn cũng sẽ giống với các thế hệ anh đi trước  và chắc chắn sẽ trở về khi Bách khoa gọi.

Đặc biệt, Tùng cũng chia sẻ thêm, truyền thống đặt hoa tại tượng đài cũng là một nét đẹp văn hóa của bao thế hệ sinh viên, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những thế hệ "tiền bối, cha anh" mỗi dịp tốt nghiệp. “Không biết từ bao giờ, từ các cựu sinh viên đến sinh viên các khóa sau, không ai bảo ai, chúng mình đều tự giác đặt một bó hoa tại đài tưởng niệm trong lễ tốt nghiệp của mình”, Tùng cảm động nói.

Chàng trai xúc động bày tỏ, mỗi sinh viên Bách khoa đều biết rằng trong những cuộc chiến khốc liệt, nhiều chiến sĩ trẻ đã hy sinh, không có cơ hội trở lại mái trường Bách khoa. Sau ngày thống nhất, những người lính còn sống sót đã quay về với cuộc đời sinh viên, và nhiều người trong số họ sau này đã trở thành các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, thậm chí là tướng lĩnh quân đội…

1732943817a-nh-chu-p-ma-n-hi-nh-2024-11-19-230545.png
Sinh viên đặt hoa tại đài tưởng niệm để tưởng nhớ các cựu sinh viên đã anh dũng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị vào mùa hè năm 1972. (Ảnh: Duy Thành)

Hoạt động ý nghĩa này xuất phát từ tấm lòng của chính sinh viên, khiến thầy cô cũng như nhiều cựu sinh viên Đại học Bách khoa bất ngờ và xúc động, thể hiện giá trị văn hóa và tinh thần sâu sắc, tạo nên mối liên kết giữa lớp sinh viên trưởng thành từ chiến tranh trong quá khứ và lòng biết ơn của thế hệ sinh viên thời bình ở hiện tại.

Kết nối kỷ niệm, tiếp lửa tương lai

Mỗi dịp kỷ niệm là một dấu mốc quan trọng, không chỉ để các cựu sinh viên ôn lại quá khứ mà còn để họ suy ngẫm về trách nhiệm đối với tương lai. Việc trở về thăm trường vừa giúp gìn giữ văn hóa của lòng biết ơn, vừa là cơ hội để các cựu sinh viên đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngôi trường đã dạy họ trưởng thành. Các cựu sinh viên Bách khoa mang theo tâm huyết mong muốn thế hệ mai sau sẽ được thừa hưởng một nền giáo dục không chỉ vững mạnh về tri thức mà còn phong phú trong cách tiếp nhận văn hóa.

Bà Huỳnh Thị Quỳnh Nga, cựu sinh viên Bách khoa và hiện là nhà quản lý trong ngành công nghệ chia sẻ: “Bách khoa không chỉ dạy chúng tôi những kiến thức nghề nghiệp mà còn cả các giá trị bền vững. Mỗi lần trở lại trường, tôi cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng. Đối với chúng tôi, trở về không chỉ là để ôn lại kỷ niệm mà còn là để thể hiện cam kết với tương lai, bởi chúng tôi hiểu rằng mình có trách nhiệm phải gìn giữ và phát triển những giá trị mà trường đã trao gửi”.

tuyen-bus-20a-doi-lo-trinh-tu-ngay-1792024-42.png
Bà Nga và những người bạn cùng lớp, khóa 24 năm xưa. (Ảnh: Khánh Ly)

Cùng chia sẻ suy nghĩ về trách nhiệm với tương lai, ông Nguyễn Minh Hải, cựu sinh viên khóa 23 và hiện là giám đốc một công ty khởi nghiệp, nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ có nghĩa vụ với bản thân mà còn với những thế hệ đi sau. Khi trở về, chúng tôi muốn truyền đạt những bài học quý giá từ những trải nghiệm của chính mình, giúp các bạn sinh viên trẻ định hình con đường nghề nghiệp và phát triển bản thân”.

Ông Hải cho biết thêm: “Chúng tôi có thể gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ những câu chuyện thành công, những khó khăn mà mình đã vượt qua. Đó là cách để chúng tôi tiếp lửa cho các bạn, khuyến khích các bạn không ngại khó khăn, thử thách trên con đường mình chọn”.

Trong bối cảnh hiện đại đầy biến đổi, truyền thống trở về của các cựu sinh viên Bách Khoa đã trở thành một nét văn hóa đáng quý, mang lại tinh thần đoàn kết và trách nhiệm. Những lần hội ngộ không chỉ là dịp tri ân thầy cô và gặp gỡ bạn bè, mà còn là sự tiếp nối giá trị, truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp họ tiếp tục viết nên câu chuyện đầy tự hào của mái trường với bề dày hơn nửa thế kỷ.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN