Bác sĩ của lòng nhân ái
(Sóng trẻ) - “Đây, đây, đây… ông ngồi xuống, đặt tay lên đây… thế, được chưa? Đã thoải mái chưa? Thấy mệt thì nói ngay với tôi nhé!” Đó là lời nói và cử chỉ ân cần của Bác sĩ Nguyễn Văn Chương, người mà chúng tôi bắt gặp lúc mở cửa phòng khám bước vào.
Nghỉ hưu đến nay đã hơn 20 năm nhưng người thầy thuốc ấy vẫn minh mẫn, tận tụy khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo hàng chục năm qua tại phòng khám nhỏ số 7, ngõ 424 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chương bên người bệnh
Bác sĩ của công nhân và nông dân
Từng tốt nghiệp ở trường Đại học Y Hà Nội, sau khi ra trường, Bác Chương đi dạy trường Y Quảng Ninh được mười năm. Năm năm sau đó, bác sang dạy ở Lào để rồi tiếp tục nghiên cứu sinh ở Bungari mất 6 năm. Kết thúc khoảng thời gian nghiên cứu sinh, bác Chương trở về làm việc tại Bộ Y tế. Tại đây, bác tiếp xúc và chữa bệnh cho hoàn toàn công nhân với nông dân. Chứng kiến cảnh họ lao động quá sức, tai nạn rủi ro nhiều bác không đành lòng. Nói đến đây, bác Chương nhỏ nhẹ: “Tai nạn lao động không thể chữa ngày một ngày hai được. Trong khi đi khám Tiến sĩ và Bác sĩ chuyên khoa đã lên đến hàng triệu đồng, họ lấy tiền đâu ra, thế là bác về mở phòng khám của bác, 20 năm nay bác không lấy tiền khám bệnh cho bệnh nhân nghèo, chi phí chữa bệnh cho công nhân và nông dân bác chỉ lấy 60.000 đồng trog khoảng 1-2 giờ.” Chữa bệnh cứu người đến nay đã được hơn 50 năm, gắn bó sâu sắc với người lao động nghèo khổ, dường như bác luôn đồng cảm với họ và dốc hết sức mình để mang lại cho họ niềm vui trong cuộc sống.
Bác Chương ân cần hỏi han người bệnh
Được biết, bác Chương còn là Hội trưởng Hội chữ thập đỏ làng Đồng Xã, phường Bưởi – Quận Tây Hồ. Những năm qua, mỗi khi có chương trình từ thiện, giúp đỡ người nghèo của Hội đề ra bác luôn là người tiên phong và sẵn sàng hỗ trợ mọi thiết bị khám chữa bệnh cho người nghèo. Bác Nguyễn Ngọc Nghiên, tổ trưởng tổ dân phố 23 – phường Bưởi – quận Tây Hồ chia sẻ: “Nhắc đến bác sĩ Chương thì không ai trong làng không biết đến. Bác ấy sống và đặt chữ tâm lên trên để giúp đỡ dân nghèo. Không những dốc lòng cho phòng khám mà bác còn tham gia nhiệt tình các hoạt động từ thiện xã hội. ở cái tuổi 81, bác là người mà tôi chưa từng thấy”.
Sống ở Hà Nội đã lâu năm nhưng mỗi lần nói đến quê hương Thái Bình của mình, bác luôn dành một lòng ưu ái sâu sắc. Bác Chương ủng hộ nhiều máy móc thiết bị phục vụ bệnh nhân cho các trạm y tế xã, phường tỉnh Thái Bình với mong muốn hệ thống trạm xá khu vực này sẽ có những bước cải tiến, cứu giúp được nhiều bệnh nhân. Những năm qua, bác Chương nhận được nhiều bằng bằng khen của Trung ương Hội Đông y Thành phố Hà Nội và Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật Hà Nội về những đóng góp của mình.
Những bằng khen mà bác nhận được nhờ vào sự tận tình với công việc của mình
Chữa bệnh không dùng thuốc
Hiếm có một phòng khám nào, khi bước vào lại không bắt gặp mùi vị đặc trưng của thuốc chữa bệnh. Nhưng điều này tôi lại thấy ở phòng khám của bác Chương. Tại phòng khám của mình, bác sĩ Chương đã áp dụng phương pháp điều trị cho các trường hợp bị đau, liệt bằng các máy vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hiện đại, không tiêm thuốc chống đau, không kéo dãn cột sống bằng máy. Ông kết hợp đông - tây y châm cứu, bấm huyệt, tác động cột sống, rung lắc cơ, khớp bằng tay và máy nhẹ nhàng để không gây thêm đau đớn cho bệnh nhân.
Khi được hỏi về cái tên phòng khám “Chữa bệnh vật lý trị liệu phục hồi chức năng”, bác sĩ Chương giải thích: “Đó là sử dụng phương pháp đông tây y kết hợp để khôi phục lại sức đã có nhưng vì tai nạn nên đã mất đi của người lao động”.
Phòng khám nhỏ, một mình bác loay hoay với hơn chục bệnh nhân từ sáng đến tối. Thế nhưng người thầy thuốc cao tuổi ấy chưa hề buông một tiếng thở dài hay cằn nhằn với bệnh nhân. Khi tôi tò mò hỏi chuyện, bác không tỏ ý gạt mọi câu hỏi mà còn nhấn mạnh: “Có ba điều đặc biệt ở phòng khám của bác đó là Khám bệnh không lấy tiền, chữa bệnh bằng cách dùng nhiều phương pháp trị liệu, không dùng thuốc độc hại, có hiệu quả cho bệnh nhân và chữa bệnh bất kể thời gian nào”. Có lẽ đó là điều mà bác ấy muốn nhắn nhủ về tư cách cho những người làm báo hay cũng chính là cái tâm đức của một người bác sĩ thực thụ “Lương y như từ mẫu”.
Mang hạnh phúc cho người bệnh
Phòng khám nhỏ chỉ tầm hai mươi mét vuông nhưng mọi thiết bị giường bệnh đều được sắp đặt một cách gọn gàng, ngăn nắp. Trong lúc phục hồi chức năng cho một vài bệnh nhân thì có những người bệnh ngồi đợi để chờ bác khám cho mình. Trong đó có những người quê ở rất xa như Hà Tĩnh, Lạng Sơn cũng tìm đến với phòng khám của bác.
Bà Vũ Thị Oanh, vợ ông Nguyễn Quang Lập - một bệnh nhân đang phục hồi chức năng chia sẻ: “Chồng tôi trước đây là Tiến sĩ Triết học, giảng dạy ở trường Đại học Thương mại. Sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông, ông bị tê liệt toàn thân. Gia đình chạy chữa đến nay đã được 18 năm rồi, đi hết Viện 108 cho đến Viện y học .cổ truyền cũng không khỏi. Khi biết thông tin về phòng khám nhà bác Chương thì gia đình lại đưa ông đến đây. Hơn nửa tháng điều trị phục hồi chức năng, tình hình sức khỏe ông nhà có sự chuyển biến rõ rệt. Tôi chưa thấy một bác sĩ nào tận tình và quan tâm người bệnh như bác sĩ Chương”.
Bác Chương tận tình xoa bóp, căng cơ khớp tay cho ông Nguyễn Quang Lập
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng, Nghi Xuân – Hà Tĩnh sau khi điều trị được một tuần cũng mang lại những dấu hiệu tích cực: “Ở quê, từ việc uống các bài thuốc gia truyền đến việc lên viện Tỉnh cũng chẳng tác dụng gì. Sau khi biết đến phòng khám của bác Chương, tôi bảo con tôi đưa ra đây. Mới có một tuần mà các khớp tay chân không còn tê bì như trước nữa. Bác còn hỏi han nhiệt tình. Chi phí điều trị bác chỉ lấy có một phần năm ở quê. Người nông dân như tôi ra đây điều trị cũng đỡ phần nào”.
Bác Chương tiến hành vật lí trị liệu cho bà Nguyễn Thị Hồng
Tại phòng khám nhỏ ấy, người bác sĩ già vẫn chưa có một giờ nghỉ ngơi cũng chỉ vì trị liệu và phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Suốt mấy chục năm qua, bác Chương sống và tậm tâm như thế. Bác tự thấy rằng: “Nhờ hoạt động nhiều mà đầu óc minh mẫn, chữa khỏi cho mọi người bác càng thấy vui và cuộc sống có ý nghĩa.” Với bác, hạnh phúc của bản thân chính là lúc mang lại hạnh phúc cho người bệnh.
Phan Huyền Trang
Truyền hình K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận