Bài 1: Lừa đảo việc làm với học sinh, sinh viên - miếng phô mai chỉ có trên bẫy chuột
(Sóng trẻ) - Hiện nay, tình trạng học sinh, tân sinh viên rơi vào những bẫy lừa đảo việc làm ngày càng tăng. Song hành cùng sự cả tin, ngây thơ của nạn nhân chính là sự mưu mô, gian xảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo. Đứng trước thực trạng đó, nhóm phóng viên quyết định đào sâu và tìm ra căn nguyên sự việc.
Con đường “hoa hồng” không một “nhành gai”
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Nằm trong số đó chính là hình thức lừa đảo việc làm qua mạng đối với đối tượng học sinh, sinh viên. Những công việc nhẹ nhàng với mức lương hấp dẫn như một “miếng mồi ngon” dẫn dụ các nạn nhân sa vào bẫy.
Tại trang mạng xã hội Facebook, nhóm phóng viên chỉ cần gõ từ khóa “tìm việc làm” thì ngay lập tức, kết quả đưa về gồm hơn 150 nhóm cùng hơn 1000 bài viết. Chính sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, học sinh, sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu bản thân. Nhưng trên thực tế, đây chính là con dao hai lưỡi, biến các bạn thành “con mồi béo bở” cho đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Trong trang web, hội nhóm tìm việc làm cho các học sinh, sinh viên, nhóm phóng viên tìm thấy nhiều bài đăng tìm việc làm được cập nhật liên tục. Những bài đăng có nội dung về tìm việc làm online, việc làm phục vụ, cộng tác viên chiếm đa số. Điều đáng nói, nhiều trong số những bài đăng được gắn với những tên gọi nổi tiếng như: Mixue, CGV, Shopee,... với con số tiền công đáng mơ ước.
Bên cạnh những bài đăng tuyển cộng tác viên, còn có những bài đăng tuyển nhân viên đóng hàng, nhân viên phục vụ tại những thương hiệu có nhiều chi nhánh. Thế nhưng thay vì để lại số điện thoại và các phương thức liên hệ thì người đăng chỉ yêu cầu người ứng tuyển nhắn tin cho mình để được hướng dẫn. Như mọi ứng viên khác, nhóm phóng viên lần theo trang cá nhân, đóng giả thành sinh viên cần tìm việc làm để nhắn tin riêng với đối tượng.
“Treo đầu dê” nhưng lại “bán thịt chó”
Sau khi phóng viên chào hỏi và giới thiệu mình là sinh viên đang muốn tìm việc làm thì đối tượng tuyển dụng tỏ ra hết sức ân cần và nhiệt tình. Đối tượng chia sẻ với phóng viên những công việc làm trực tiếp theo bài đăng đã hết suất. Cùng lúc đó, đối tượng nhiệt tình giới thiệu công việc làm online cũng cho cùng cửa hàng nhưng sẽ nhẹ nhàng, linh hoạt với mức lương đáng mong đợi cho phóng viên. Như miếng phô mai trên bẫy chuột, những bạn trẻ ngây thơ sẽ dễ dàng bị kẹt chặt trên những lời ngon ngọt dụ dỗ.
“Hiện tại các vị trí bên mình đã tuyển đủ rồi, chỉ còn trống vị trí xử lý đơn hàng, bạn có thể làm tại nhà. Lương 250k/ngày, nhận lương sau khi hoàn thành ạ, không biết bạn có quan tâm đến job này không ạ?” - một đối tượng giăng bẫy với phóng viên. Như chỉ chực chờ nhận được câu đồng ý của người ứng tuyển, đối tượng sẽ nâng các con số lợi nhuận lên làm lu mờ mục đích ban đầu của sinh viên.
Càng vào sau cuộc trò chuyện, như một mô típ, các đối tượng sẽ gửi một liên kết và yêu cầu các sinh viên điền thông tin để có thể tiến hành thử việc. Sau khi đạt được thỏa thuận, đối tượng sẽ yêu cầu các nạn nhân cung cấp số tài khoản ngân hàng. Cũng từ đó, những vụ việc ăn cắp tài khoản hay là tài khoản mất tiền oan là một điều dễ hiểu.
Các đối tượng còn sử dụng nhiều thủ thuật khác nữa để có thể móc túi những nạn nhân. Liên hệ với phóng viên, bạn A ngậm ngùi chia sẻ về quá trình tiền trong ví bị bòn rút bởi những kẻ lừa đảo việc làm.
“Tôi với chị gái chỉ biết ôm nhau khóc”
Bạn A hiện tại là sinh năm 2 của một trường đại học tại Hà Nội. Trước đây, bạn A tìm được công việc làm cộng tác viên của Shopee thông qua lời giới thiệu của một người quen. Người này đã làm và kiếm được lợi nhuận. Thế nhưng, sau một thời gian, người quen đã từ bỏ nhưng A vẫn nhất quyết tham gia tiếp. Chính vì thế, sau một thời gian nhìn lại, A mới hoảng hốt phát hiện số tiền bị lừa đã lên đến gần 160 triệu.
Trong dòng cảm xúc nghẹn ngào, bạn A kể: “Lúc ban đầu, đối tượng cho tôi một số vốn nhỏ để bắt đầu đơn hàng đầu tiên. Có lúc tôi bỏ vào 4 triệu đồng và thu về được 6 triệu, lãi được 2 triệu đồng. Lúc đó, tôi vui lắm, cảm thấy đồng tiền thật dễ kiếm. Nhưng đâu ai ngờ những niềm vui nho nhỏ đó chính là những bước chân đầu tiên sa vào vũng bùn lầy của tôi”.
Bạn nhấn mạnh: “Số đơn hàng và số lượng tiền cứ tăng dần theo thời gian. Lúc đầu là những đơn hàng với giá trị 30.000 - 50.000 VND rồi cứ tăng dần, tăng dần đến 16 - 30 triệu một đơn hàng. Những đơn hàng càng tăng đồng thời những lợi nhuận, những ưu đãi cũng được các đối tượng lừa đảo hứa hẹn càng nhiều. Tôi cứ như bị dắt mũi mà nghe theo những lời dụ dỗ đó”.
Gaslighting là một hình thức lạm dụng tâm lý hoặc cảm xúc. Trong đó, kẻ lạm dụng sử dụng thông tin bị bóp méo, thiếu sự thật khiến nạn nhân ban đầu lo lắng, bối rối rồi dẫn đến nghi ngờ suy nghĩ, óc phán đoán của mình và mất dần đi cảm nhận về thực tế. |
Sau một thời gian, A đã không thể trụ nổi với số tiền được yêu cầu ngày càng lớn. Tiền lãi không rút về được nhưng cứ phải liên tục bỏ tiền vốn, A tìm đến những phần mềm vay tiền nhanh. Gánh nặng tiền bạc cứ thế chất dần lên, đè nặng lên vai. Lúc này, A ngẫm nghĩ và dần nhận ra thực trạng của bản thân mình. A yêu cầu rút vốn và không làm nữa thế nhưng lúc này mọi chuyện mới vỡ lẽ, đối tượng thay đổi thái độ hoàn toàn.
“Chị mệt em luôn, làm không được thì bị mất tiền thôi”; “Em sợ quá thì đừng làm nữa”; “Có hơn 100 triệu mà làm quá”... những lời lẽ ngụy biện đổ lỗi cho nạn nhân được sử dụng mượt mà khiến cho các nạn nhân chỉ biết câm lặng. Khi gia đình hay tin những đứa trẻ bị rơi vào cái bẫy tinh vi của đối tượng lừa đảo thì chỉ biết câm lặng, ôm nhau khóc, phẫn nộ và hy vọng tìm lại được chân lý.
Video: Bạn A chia sẻ về quá trình bị dắt mũi, thao túng tâm lý đến giây phút vỡ lẽ nhận ra.
Quá trình tìm chân lý ở đâu, tìm như thế nào, liệu những hy vọng có được hồi đáp sẽ được trả lời trong Bài 2: Nhận biết những chiêu trò lừa đảo tuyển dụng: Đề phòng trước khi quá muộn.