Bàng hoàng với nội dung phản cảm trong đồ chơi của trẻ
(Sóng trẻ) - Đồ chơi trẻ em hình chú mèo máy Doremon biết nói lại kể câu chuyện sử dụng ngôn ngữ vô cùng phản cảm. Chỉ trong có hơn 100 từ, câu chuyện không mang ý nghĩa giáo dục mà còn sử dụng rất nhiều từ “chết” và “tự tử “.
Nội dung phản cảm từ đồ chơi trẻ em
Mấy ngày trở lại đây, dư luận xã hội đang bàn tán xôn xao về chú mèo máy Doremon xuất hiện dưới dạng món đồ chơi biết nói, được bày bán tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em. Hiện nay, trên các tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Mã, các chú mèo máy biết kể chuyện, đọc tiếng anh, hát,… vẫn được bày bán tràn lan và phổ biến, câu chuyện được phát ra từ món đồ chơi này mang nội dung phi giáo dục.
Chú mèo máy xinh xắn thông minh lại nói ra những lời lẽ phản cảm, phi giáo dục
Nội dung câu chuyện được kể từ chú mèo máy đó là: “Chúng ta chết vì con người, vì lũ chó, vì đại bàng, vì các con thú khác nữa. Thà chết, thà chết quách một lần cho rồi, hơn là sống mà sợ hãi và khổ sở. Ta đâm đầu xuống đất tự tử đi! Và chúng chạy ra hố để tự tử…”. Câu chuyện chỉ vẻn vẹn khoảng 100 chữ mà các từ “chết”, “tự tử” được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần.
Món đồ chơi thông minh này được bày bán công khai và phổ biến trên các cửa hàng ở hai tuyến phố trên với giá 70.000 đồng/ 1đồ chơi. Khách hàng muốn nghe được nội dung bên trong của chú mèo máy này thì phải mua hàng.
Các chú mèo máy được bày bán tràn lan trên các cửa hàng ở Hàng Mã và Lương Văn Can
Bởi đây là món đồ chơi thông minh, hình dạng rất xinh xắn, lại mới có mặt trên thị trường Việt Nam nên được các bậc phụ huynh mua về cho trẻ rất nhiều, loại hàng này được các chủ cửa hàng cũng cho biết từ khi nhập về luôn bán chạy nhất.
Được hỏi về chú mèo máy kể chuyện với nội dung phi giáo dục như vậy, bác Phạm Minh Đức, 76 tuổi – nhà giáo nghỉ hưu (Lương Văn Can, Hà Nội) phàn nàn: “Qua đọc báo, tôi thấy các ngôn ngữ được sử dụng trong đồ chơi này không có tính chất giáo dục, làm ảnh hưởng tới các cháu rất nhiều: ảnh hưởng tới suy nghĩ, sự trưởng thành của các cháu. Món đồ chơi này được bày bán khắp các con phố ở đây cả ở phố Lương Văn Can, Hàng Mã và cả ở trong TP.HCM nữa. Tôi có mong muốn là các cấp chính quyền, các bậc cha mẹ nhất là những người có con nhỏ nên lưu ý khi mua và ngăn chặn tình hình này xảy ra”.
Anh Phạm Hữu Dũng, phụ huynh của trẻ đi mua đồ tâm sự: “Tôi không biết món đồ chơi đẹp như này lại nói ra những câu nói không hay như thế. Bởi các đồ chơi cho trẻ em bán ở đây, chỉ khi mua về mới được nghe nội dung bên trong. Tôi mong muốn các cấp chính quyền làm chặt hơn nữa trong vấn đề này. Đồ chơi kiểu như này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới trẻ em.”
Tồn tại được do đâu?
Mặc dù báo chí đã đăng tải thông tin này cách đây mấy ngày nhưng các sản phẩm đồ chơi này vẫn bày bán phổ biến. Không chỉ có ở đường Lương Văn Can mà còn lan rộng ra các tuyến phố lân cận khác như Hàng Mã… Các cửa hàng bày bán loại đồ chơi này cũng tinh vi hơn, họ nhìn người rồi mới quyết định bán.
Loại đồ chơi này được bày bán tràn lan tại tuyến phố Hàng Mã
Người bán hàng vì lợi nhuận cũng vẫn tiếp tục bày bán các mặt hàng kinh doanh phi giáo dục, những thứ đồ chơi sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển và suy nghĩ của trẻ nhỏ. Họ không biết đồ chơi đó nói nội dung gì hay họ cố tình không biết để kinh doanh thu lợi nhuận?
Người mua – phụ huynh các bé cũng không kiểm định trước khi mua, cứ thấy hình ảnh đẹp lại biết nói là mua cho các bé. Chính vì sự chủ quan đó có thể sẽ gây tác động lớn tới tâm lý của trẻ nhỏ, ảnh hưởng tới sự trưởng thành của bé.
Đáng quan ngại hơn cả, các cơ quan chức năng đã và đang làm gì khi đồ chơi không lành mạnh như vậy du nhập vào Việt Nam và tràn lan bày bán tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em? Và ngay cả khi có sự vào cuộc của báo chí mà tình trạng đó không những không giảm đi mà ngày càng được bày bán phổ biến, lan rộng hơn.
Nếu đồ chơi này cứ tồn tại như vậy, xuất hiện bày bán ngày càng rộng rãi hơn thì những trẻ em của Việt Nam sẽ ra sao?
Nguyễn Thơm
Cùng chuyên mục
Bình luận