Bánh tôm Hồng Phúc – món ăn dân dã của đất Hà thành
(Sóng Trẻ)- Từ 42 Hàng Đậu rẽ vào ngõ Hồng Phúc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), quán bánh tôm Nga số 10 thu hút chúng tôi bởi những mâm bánh đầy, màu sắc và mùi hương mê hoặc lòng người. Nằm khiêm tốn trong ngõ nhỏ nhưng quán luôn tấp đông đúc khách ra vào. thu hút chúng tôi bởi những mâm bánh đầy, màu sắc và mùi hương mê hoặc lòng người. Nằm khiêm tốn trong ngõ nhỏ nhưng quán luôn tấp đông đúc khách ra vào.
Quán đã tồn tại gần chục năm, lúc đầu chỉ có bánh tôm, sau đó có cả bánh gối và há cảo chiên để thực đơn thêm phong phú. Đây không phải là nơi duy nhất ở Hà Nội bán bánh tôm nhưng chính hương vị riêng biệt từ bánh và nước chấm đã làm nên thương hiệu của bánh tôm Hồng Phúc. Quán mở cửa từ 10h sáng đến chiều muộn mỗi ngày, đông khách nhất vào giờ cao điểm.
Màu đỏ gạch của tôm vừa chín tới nổi bật giữa sắc vàng đượm của bột bánh rán giòn thu hút thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Bánh tôm là thức quà dân giã gắn liền với những thăng trầm của mảnh đất Hà Nội. Được tạo nên từ các nguyên liệu tự nhiên, không chứa chất phụ gia, bánh tôm Hồng Phúc giản dị mà vẫn hấp dẫn cả người già lẫn trẻ nhỏ. Bánh chứa đựng vị béo ngậy của bột chiên giòn, vị ngọt tự nhiên của tôm tươi, cái bùi bùi của khoai lang Hàm Long. Bánh tôm nhỏ bằng lòng bàn tay với hai con tôm đặt trên lớp bột mỏng tạo thành hình trái tim đẹp mắt. Bánh ăn kèm với các loại rau sống tạo nên tổng thể hài hòa về màu sắc và giảm bớt độ ngậy của món ăn.
Bánh tôm được cắt miếng nhỏ, ăn cùng rau sống và nước chấm đặc biệt.
Bà Trần Thúy Nga (57 tuổi, chủ quán bánh tôm Hồng Phúc) chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề đi buôn đường dài nhiều năm, sau một chuyến buôn thua lỗ, bán bánh tôm đến với tôi như một cái duyên ngầm, nhờ nó mà tôi nuôi sống được cả gia đình.” Với kinh nghiệm nhiều năm bươn chải các vùng miền cùng sự sáng tạo, bà Nga đã làm mới món bánh tôm truyền thống bằng việc cho thêm khoai lang thái sợi để thêm vị ngọt bùi.
Nước chấm là linh hồn của món ăn. Bà chủ quán đã khéo léo tạo ra thứ nước chấm có một không hai. Đó là cái vị chua cay, ngọt thanh của đường, ớt, quất cùng nộm. Bà không sử dụng nước mắm để pha chế nhưng nước chấm vẫn đậm đà, thanh mát. Điều này rất phù hợp với khẩu vị của khách nước nài. Hai vợ chồng ông Charles (đến từ Canada) đã sinh sống tại Việt Nam 3 năm cho biết: “Chúng tôi rất thích bánh tôm ở đây, đặc biệt là nước chấm không có mùi nước mắm.”
Bà Trần Thúy Nga (chủ quán số 10 Hồng Phúc) rất xúc động khi chia sẻ về cơ duyên đến với nghề làm bánh tôm.
Cô Nguyễn Thị Dung (47 tuổi, sống tại Hàng Than, Hà Nội) đến quán từ sớm để đợi mua bánh tôm, bánh gối. Cô chia sẻ: “Bánh tôm ở đây có hương vị đặc biệt, mỗi lần nhà có khách tôi thường đến mua bánh về đãi mọi người vì tin tưởng chất lượng bánh. Không riêng gì gia đình tôi, cũng có nhiều người đến đặt mua số lượng lớn của bà Nga.”
Cô Nguyễn Thị Dung (11 Hàng Than, Hà Nội) khách quen của bà Nga vui vẻ nhận mẻ bánh nóng hổi sau thời gian chờ đợi.
Một đĩa bánh tôm dành cho 2 người có giá 24.000 đồng. Anh Nguyễn Duy Quang (30 tuổi, công tác tại Gia Lâm) đến mua cả bánh tôm, bánh gối và há cảo cho biết: “Tôi thường đến số 10 Hồng Phúc mua bánh về cơ quan ăn trưa. Đây trở thành món ăn quen thuộc của tôi và đồng nghiệp. Lâu lâu không ăn là nhớ lắm.”
Những miếng bánh giòn tan ngập trong nước chấm độc đáo vẫn luôn làm say mê thực khách bất kể mùa nào. Món bánh giản dị, lặng lẽ nơi góc phố nhỏ cũng giống như tâm hồn của người Hà Nội – gần gũi mà thanh lịch.
Trần Mai – Vũ Ngọc
Báo chí Đa phương tiện k34a2
Cùng chuyên mục
Bình luận