“Bệnh” bóp méo tiếng Việt
(Sóng trẻ) - Trong thế giới phẳng hiện nay,Tiếng Việt luôn có sự biến đổi theo từng thời kỳ để phù hợp với từng hoàn cảnh xã hội. Cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, Tiếng Việt đang dần bị biến tấu làm mất dần sự trong sáng của Tiếng Việt.
Ngôn ngữ mạng là thứ ngôn ngữ phi quy thức, mang tính khẩu ngữ của mỗi cá nhân chỉ nên dùng một không gian nhất định, trong một nhóm xã hội nhất định nhưng nó đang dần có sự lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng. Mà trên thực tế thì chưa có một quy định nào ép buộc người dùng phải tuân thủ viết đúng chính tả và dấu câu vì vậy một bộ phận không nhỏ giới trẻ vô tư giao tiếp với nhau qua facebook, blog, tin nhắn điện thoại với đủ cách viết khác nhau sao cho tiết kiệm tối đa thao tác gõ phím.
Tiếng Việt được nhận định là phong phú ở âm, vần và dấu câu, vậy mà hiện nay đang bị giới trẻ tối giản dần như bùn ( buồn ), iu (yêu ), j ( gì ), hok (không)… Một số từ có trong từ điển tiếng Việt giờ đây lại được giới trẻ sử dụng với một ý nghĩa khác, ví dụ như từ “ Thánh” trong dân gian Việt Nam được dùng để chỉ những người có công dựng nước, còn trong đạo Phật dùng để chỉ các bậc tu hành chính đạo giải thoát ,thì nay lại mang nghĩa là một người rất giỏi một việc gì đó (ví dụ như “thánh thơ”, thánh hát”), hoặc mang nghĩa chế giễu ai đó nói quá khả năng của mình lên (ví dụ như “lại thêm một thánh nữa!”). Từ “thím”, vốn dùng để chỉ vợ của chú (em trai của bố), tuy nhiên theo ngôn ngữ mạng thì mang nghĩa ám chỉ những thanh niên na nắt, rồi dần dần trở thành danh từ chung để xưng hô trên mạng xã hội (vd “Các thím cho em hỏi”).
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó có những từ không tồn tại trong từ điển lại được giới trẻ sáng tạo ra theo kiểu “ăn bớt ăn xén", "râu ông nọ cắm cằm bà kia” làm mất đi sự trong sáng vốn có của Tiếng Việt nhưng lại được sử dụng một cách phổ biến mà không hề quan tâm đến việc mình đang xâm phạm văn hóa Tiếng Việt. Một vài ví dụ đơn giản như : Ma^’y jo? va o ho.c ( mầy giờ vào học ), G29U ( od night to you), t bít roài ( tao biết rồi) … cho thấy âm tiết, dấu câu của tiếng việt được ghép và thay thế một cách lung tung, không theo một quy tắc nào.
Ngôn ngữ trên facebook và qua tin nhắn điện thoại được hầu hết các bạn sử dụng hiện nay khiến cho bất kỳ ai không sử dụng ngôn ngữ mạng cũng phải vắt óc suy nghĩ cũng không thể hiểu nổi nội dung. Đồng thời xuất hiện những câu được ghép bởi nhiều từ chỉ mang ý nghĩa lạ lẫm nhưng thực chất thì chẳng mang ý nghĩa gì như “nn lành cành đào”, “tào lao bí đao”, hay một cụm từ đang rất phổ biến hiện nay “có một sự thích nhẹ” với nhiều kiểu biến tấu như “có một sự mệt nhẹ”, “có một sự buồn nhẹ”… xuất hiện ngày càng nhiều và đang dần xâm nhập trong xã giao thường ngày.
Nhanh – gọn – lẹ là nguyên nhân chủ yếu mà các bạn trẻ đã và đang sử dụng ngôn ngữ mạng đưa ra để biện minh cho cách viết của mình, nhưng nếu chỉ xét về bề nổi thì ta không thể thấy được hệ lụy của nó. Đó chính là việc ngôn ngữ teen thoát ra khỏi màn hình máy tính, điện thoại và trở thành thói quen khó bỏ của giới trẻ dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản và trong giao tiếp.
Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc, nó mang trong mình giá trị văn hóa riêng của mỗi đất nước. Vậy mà, một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang dần "bóp méo" Tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt. Hơn lúc nào hết việc sử dụng ngôn ngữ teen cần được chấm dứt, để bảo vệ những giá trị của Tiếng Việt.
Trần Thị Hạnh
Quay phim truyền hình k32
Cùng chuyên mục
Bình luận