Cải tiến mô hình làm gốm để thu hút giới trẻ
(Sóng Trẻ) - Workshop làm gốm đang khiến giới trẻ thích thú nhờ cơ hội trải nghiệm sáng tạo và khám phá nghệ thuật truyền thống.
Hình thành cộng đồng nghệ thuật phong phú
Những năm trở lại đây, trào lưu workshop đang ngày càng thu hút giới trẻ nhờ vào sự kết hợp giữa nghệ thuật và trải nghiệm thực tế. Ngoài việc có thể giải tỏa căng thẳng, những buổi workshop cũng giúp mọi người tạo ra những món quà ý nghĩa dành tặng người thân như thêu nổi, tô tượng, làm nến thơm, ốp điện thoại...
Workshop làm gốm, vẽ gốm thủ công là một trong những loại hình nổi bật của xu hướng đó. Tại những buổi workshop làm gốm, người tham gia không chỉ được khám phá quy trình sản xuất mà còn tự tay sáng tạo những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Không gian sáng tạo cùng sự gắn kết giữa những tâm hồn đồng điệu với đất nung mang đến một trải nghiệm độc đáo và đầy màu sắc.
Minh Hà, 28 tuổi, người tham gia workshop làm gốm, bày tỏ: “Mặc dù là lần đầu tiên trải nghiệm nhưng tôi cảm thấy vô cùng thích thú. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tôi được cầm cọ sáng tạo sản phẩm tùy ý thích, khám phá thêm khả năng của bản thân”.
Còn đối với Phương Nga, 23 tuổi, đây là lần thứ 3 cô nàng thử sức ở ngành nghề truyền thống mang đậm nét văn hoá dân tộc. Theo cô bạn, tham gia các buổi làm sản phẩm thủ công giúp bạn giải tỏa nhiều năng lượng tiêu cực trong công việc, đồng thời cũng giúp nâng cao khả năng tập trung và sáng tạo.
“Mỗi lần tôi sẽ làm ra một sản phẩm khác nhau, lúc thì bát, đĩa, lúc thì cốc. Các sản phẩm này tôi không chỉ dùng để trang trí trong nhà mà tôi sử dụng cả trong sinh hoạt, ăn uống. Tôi cho rằng đây là một cách để tôi lưu giữ kỷ niệm với bạn bè thông qua những khối đất sét, màu sắc, nét vẽ dù có phần ngô nghê”, Phương Nga chia sẻ.
Cũng theo Phương Nga, ngoài việc giải trí, những buổi workshop cũng là cơ hội để cô bạn tạo ra một món quà tuy không quá nhiều giá trị về vật chất nhưng đầy ý nghĩa để gửi đến cho những người thân yêu.
Cải tiến để gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống
Là người con sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gốm tại làng Bát Tràng, Phạm Mai Hương, người sáng lập Xưởng gốm thủ công 96ceramics, luôn đau đáu cách đưa gốm tới gần hơn với cuộc sống hiện đại. “Nếu chỉ bán các sản phẩm gốm như ông bà, bố mẹ, tôi chỉ tiếp cận được với một lượng khách nhất định đang có nhu cầu. Tuy nhiên, nếu phát triển thành mô hình workshop, độ tuổi tiếp cận cũng sẽ được trẻ hoá. Các bạn trẻ dù đi chơi cũng nhớ tới Xưởng”.
“Hình thức nhấn mạnh cái tôi đang rất phát triển, các bạn đều muốn có những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân, vừa đẹp, vừa ứng dụng được vào thực tiễn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bằng cách này, tôi hy vọng sẽ góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật gốm sứ, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của nghề truyền thống”, chị Mai Hương nhấn mạnh.
Cải tiến để gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, cô chủ của 96ceramics không ngừng sáng tạo và tìm kiếm những phương pháp mới trong việc giới thiệu gốm đến với công chúng.
Những câu chuyện về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của làng gốm Bát Tràng cũng được người con làng gốm truyền tải một cách khéo léo, giúp mọi người không chỉ nhìn thấy giá trị vật chất mà còn cảm nhận được giá trị tinh thần của nghề truyền thống.
Sáng lập Xưởng gốm thủ công 96ceramics, chị Phạm Mai Hương đã tạo ra một không gian thân thiện và sáng tạo, nơi mọi người có thể thoải mái thử sức với nghệ thuật gốm. Kinh nghiệm truyền đời của làng gốm Bát Tràng "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò" vẫn được duy trì trong các sản phẩm hiện đại. “Các sản phẩm thủ công do chính tay các bạn tạo nên được lấy nguyên liệu từ xưởng gốm từ Bát Tràng nên đảm bảo gần 95% chất lượng so với những người thợ sản xuất tại xưởng truyền thống”, chị Mai Hương nhấn mạnh.
Những giây phút sáng tạo cùng đất nung không chỉ mang lại niềm vui mà còn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ, khi mọi người cùng nhau chia sẻ, cười đùa và khám phá khả năng sáng tạo của bản thân. Từ những chiếc bát, đĩa nhỏ đến những lọ hoa, bình nước, mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn cá nhân, phản ánh cái tôi và phong cách sống của người tạo ra. Qua những hoạt động này, chị hy vọng sẽ xây dựng một cộng đồng yêu thích gốm sứ, từ đó gìn giữ và phát triển di sản văn hóa quý báu này cho các thế hệ mai sau.
Sự hồi sinh của gốm thủ công
Xu hướng tham gia workshop vẫn tiếp tục phát triển trong giới trẻ ngày nay. Sự hồi sinh của gốm thủ công cũng gắn liền với xu hướng tiêu dùng bền vững và tìm kiếm các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao. Những người làm dịch vụ với mong muốn khám phá và kết hợp giữa gốm truyền thống và hiện đại, tạo nên những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân và tinh thần đương đại.
Sự hồi sinh của gốm không chỉ đơn thuần là một trào lưu nghệ thuật mà còn phản ánh xu hướng tiêu dùng bền vững và tìm kiếm những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao. Gốm thủ công không chỉ còn là đồ dùng trong gia đình mà còn trở thành một phần quan trọng trong không gian sống, thể hiện gu thẩm mỹ và phong cách của mỗi cá nhân.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành gốm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đưa gốm trở thành một biểu tượng nghệ thuật trong đời sống hiện đại. Qua đó, gốm không chỉ gắn kết quá khứ và hiện tại, mà còn là hành trình khám phá bản thân và sáng tạo nghệ thuật của mỗi người, mang đến những giá trị văn hóa sâu sắc.