Cần nhìn nhận rõ ràng về tình dục hoá trẻ em

(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, tình dục hoá ở trẻ em đang là chủ đề được bàn tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Bắt nguồn từ những câu đùa phổ biến tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, nhưng đằng sau đó là việc vô thức bình thường hóa những suy nghĩ nhạy cảm với trẻ nhỏ.

Khác với lạm dụng và quấy rối tình dục, tình dục hoá trẻ em (Sexualization of children) là hành vi áp đặt các thuộc tính của người lớn lên cơ thể của trẻ nhỏ, đặt trẻ vào vai trò người lớn và gán các suy nghĩ nhạy cảm lên đó, cũng là việc cố tình bày tỏ tình cảm khi không nhận được sự đồng thuận của trẻ. Việc lấy những lời trêu đùa thân mật hay những hành động thể hiện tình cảm quá mức với trẻ khi không nhận được sự đồng thuận đều được coi là những hành vi tình dục hoá trẻ em.

Lời nói đùa tưởng chừng như vô thưởng vô phạt

Gần đây, cộng đồng mạng dành sự quan tâm và yêu thích lớn cho video diện áo hai dây của bé Pamela - một em bé có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sự dễ thương bỗng biến em trở thành mục tiêu của những câu đùa mang hướng tình dục hoá. Điều này đã gây nên rất nhiều cuộc tranh cãi và bàn luận.

anh-1.jpg
 Những bình luận không phù hợp tràn ngập trong các video và hình ảnh về bé Pam trên mạng xã hội. (Ảnh: Tổng hợp)

Ở Việt Nam, người lớn thường thể hiện tình cảm với trẻ nhỏ qua những câu đùa phổ biến như “Lớn nhanh lên cô chú đợi”, “Con dâu/rể tương lai lớn nhanh lên nhé… Trong trường hợp của bé Pam, những bình luận “Sao con ngã vào tim chú như thế”, “Outfit séc xy” hay “bụng tấn công bỉm phòng thủ" để nói về cơ thể của trẻ theo cách gợi cảm.

Việc yêu quý một ai đó và mong muốn họ trở thành một phần gắn bó với cuộc sống của mình là điều hoàn toàn tự nhiên, đa phần người lớn không thực sự liên tưởng đến khía cạnh tình dục của những câu nói đùa với trẻ và không ý thức được rằng bản thân đang vô thức tình dục hoá trẻ nhỏ, thậm chí bình thường hóa vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. 

Trong quá khứ, việc gắn một em nhỏ với khía cạnh dục tính được coi là bình thường ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Ví dụ điển hình như ở một số quốc gia cổ đại, từng có các bé gái được gả bán từ tấm bé. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện đại, khi xã hội nhận thức về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng rõ ràng, việc sử dụng câu đùa như vậy là không phù hợp và cần được loại bỏ.

Bởi lẽ, một khi được sử dụng rộng rãi, câu nói này sẽ bình thường hóa những suy nghĩ và hành vi lệch lạc với trẻ, cho rằng xâm hại tình dục trẻ em là điều bình thường, không có gì đáng lo ngại. Điều này có thể khiến trẻ dễ trở thành nạn nhân và tạo điều kiện cho những kẻ quấy rối và xâm hại tình dục lộng hành.

Hơn thế, những câu nói đùa có thể bị trẻ tự động hiểu theo nghĩa đen rằng người lớn muốn được “sở hữu” chúng khi lớn lên, từ đó gây nên cảm giác lo sợ và thiếu an toàn cho trẻ. Đặc biệt nguy hiểm hơn khi trong giai đoạn phát triển non nớt và nhạy cảm, trẻ sẽ có sự nhìn nhận sai lệch về vai trò của mình trong các mối quan hệ, từ gia đình cho tới người quen. 

Khái niệm “đồng thuận” ở trẻ vẫn đang là điều xa lạ?

Một trong những trường hợp điển hình gần đây là trong chương trình Người Ấy Là Ai, hoa hậu Thùy Tiên vì thấy em bé 3 tuổi quá đáng yêu nên đã nói đùa rằng cô muốn bé thành chồng tương lai của mình, xin được hôn má bé. Điều đáng nói là mọi người xung quanh lại rất “tạo điều kiện", đẩy em bé vào vòng tay Thuỳ Tiên để cô ôm hôn, mặc dù bé đã 2 lần tỏ thái độ không thích, điều này đã gây ra rất nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều. 

anh-2.png
Thuỳ Tiên cho biết cô đang 24 tuổi trong khi bé chỉ đang 3 tuổi. (Ảnh: Người Ấy Là Ai)

 

GS.TS Nguyễn Phương Mai, Giảng viên nguyên cứu Giao Tiếp, Quản trị tại Hà Lan chia sẻ quan điểm về vấn đề này: “Tại sao chúng ta lại cảm thấy bình thường khi một phụ nữ lớn tuổi đang tình dục hoá một em bé 3 tuổi thậm chí còn coi đó là đáng yêu? Trong khi nếu là một người đàn ông nói với bé gái 3 tuổi thì lại thấy có gì đó sai sai”.

Tại Việt Nam, khái niệm “đồng thuận” của trẻ cần được chú ý, đề cao và tôn trọng hơn nữa. Đặc biệt khi yếu tố môi trường xung quanh tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự đồng thuận của trẻ. Điển hình như việc ở trong gia đình, bố mẹ nên hỏi ý kiến bé từ những điều đơn giản như có muốn được ôm, hôn hay không, tránh trường hợp khi bé tỏ ra không thích nhưng người thân vẫn cố dụ dỗ: “Hôn một cái thì cho đi chơi”, “Không hôn là không ngoan, không yêu bố mẹ rồi”. Hay trong những trường hợp có thể để lại hậu quả như việc đăng hình con đang tắm lên mạng xã hội, khi đó sự đồng thuận của trẻ hoàn toàn bị lãng quên.

Hơn hết, việc tôn trọng sự đồng thuận từ trẻ giúp các bé có chính kiến, cũng như sự chủ động, là biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn cản các vụ quấy rối và xâm hại tình dục. 

Thay đổi để tạo nên môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ nhỏ

Ngành giáo dục cần nghiên cứu, thực hiện giáo dục giới tính cho trẻ em từ sớm và kỹ lưỡng, tiếp thu góp ý rộng rãi để chú trọng xây dựng chương trình học một cách có hệ thống, phù hợp với từng độ tuổi. Trong đó, cần nhìn nhận giáo dục giới tính không phải là giáo dục tình dục, mà là một môn khoa học có đầy đủ kiến thức về cơ thể học, tâm lý học, kỹ năng tự bảo vệ…

Đặc biệt trong từng gia đình, bố mẹ và người thân nên trang bị cho con và chính bản thân mình những kiến thức cần thiết về tính dục, thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý cần thiết.

Giải quyết vấn nạn tình dục hóa trẻ em cần có sự chung tay của toàn xã hội. Bởi vậy, mỗi người chúng ta cũng cần thay đổi nhận thức của mình về vấn đề này. Hãy ngừng gắn trẻ với những ý niệm nhạy cảm của người lớn và cùng nhau tạo ra một môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ phát triển.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN