(Sóng trẻ) - Những ngày cuối tháng 5, Hà Nội vào đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ liên tục ở ngưỡng 40 – 45 độ C, thậm chí bên nài đường có lúc đo được nhiệt độ lên tới 55 độ C. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất với những người đi thuê trọ, bởi nếu không sử dụng điều hòa, quạt hơi nước thì kham khổ vì nóng nhưng nếu sử dụng lại không đủ chi phí vì giá điện cắt cổ.
Thời điểm mùa hè là lúc nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị như điều hòa, quạt điện, quạt hơi nước tăng lên đáng kể. Mức tiêu thụ điện theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, ngày 21/05/2020, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc đã ở mức 789,6 triệu kWh. Đây được xem là mức tiêu thụ kỷ lục cao nhất từ đầu năm đến nay.
Thế nhưng, với những người dân, học sinh sinh viên khi thuê trọ, nỗi ám ảnh về giá điện cắt cổ khiến cho họ “ngại” sử dụng các thiết bị cần thiết. Nhiều khu vực thuê trọ ở Hà Nội có mức giá điện sinh hoạt cao hơn rất nhiều so với quy định chung.
Anh Nguyễn Đức Mạnh, thuê trọ tại khu vực Ngõ Gốc Đề - Minh Khai (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Giá điện tại khu trọ mình ở 4.000 đồng/số điện. Đây là giá chung của cả khu được thu hằng tháng nên phải chấp nhận”. Thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, chủ trọ yêu cầu tăng giá phòng 300.000 VNĐ nếu muốn lắp thêm điều hòa và đi kèm với đó còn có chi phí điện, nên anh Mạnh đã từ chối.
Dãy trọ của anh Mạnh ở tầng 3, chỉ một số phòng được lắp điều hòa, còn lại người thuê trọ vẫn chấp nhận sống chung với nắng nóng
“Bình thường khi sử dụng quạt, bóng đèn, tủ lạnh và nồi cơm, chi phí điện hằng tháng phải chi trả khoảng 200.000 VNĐ. Nếu sử dụng thêm điều hòa có khi phải lên tới 500.000 – 600.000 VNĐ, đó là một khoản chi phí khá lớn với những người có thu nhập thấp như mình”. Anh Manh cho biết thêm.
Hầu hết các phòng đều có đồng hồ riêng để tính số điện. Giá điện được xem là quy định thỏa thuận chung của từng dãy trọ
Khảo sát thêm một số khu vực đông sinh viên ở quận Hai Bà Trưng như đường Minh Khai, đường Trần Đại Nghĩa, đường Giải Phóng… Nhiều khu trọ có mức giá điện từ khoảng 4.000 – 4.500 đồng/số. Mức giá này được thỏa thuận ban đầu giữa chủ trọ và người thuê trong hợp đồng thuê trọ, chính vì vậy cũng không ai có ý kiến nhiều. Thậm chí hầu hết các khu trọ đều có mức giá mặt bằng chung như vậy, nên nhiều người đi thuê còn không biết giá theo quy định của nhà nước là khoảng bao nhiêu.
Là sinh viên năm 4 thuê trọ ngay mặt đường Trần Đại Nghĩa, chị Nguyễn Thị Kim Hoa (23 tuổi) chia sẻ: “Mặc dù phòng có điều hòa, nhưng là loại điều hòa cũ, khá tốn điện nên cũng không dám dùng trong thời tiết nắng nóng như thế này”. Những ngày thời tiết quá oi bức, chị Hoa mua thêm đá lạnh về để trước quạt để làm mát, hoặc đến thư viện trường, các siêu thị để giảm bớt sự căng thẳng do áp lực nắng nóng.
Hệ thống điều hòa của khu trọ khá cũ, lo ngại vấn đề tiền điện nên chị Hoa cũng không sử dụng tới
Nỗi ám ảnh về giá điện nước trong mỗi dịp nắng nóng luôn là vấn đề được nhiều sinh viên, người lao động đề cập đến. Nhiều người chấp nhận sống trong sự oi bức, nắng nóng thay vì bỏ một khoản chi phí khá cao cho nhu cầu sử dụng điều hòa. Đa số người lao động, sinh viên đều phải chấp nhận mức giá điện cao hơn rất nhiều so với quy định. Dự kiến năm 2020 sẽ là năm nắng nóng kỷ lục, đây thật sự là nỗi ám ảnh đối với những người thuê trọ nếu vấn đề giá điện không được giải quyết một cách thỏa đáng.
Tại điều 10 của Thông tư số
16/2014/TT - BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện
giá bán điện đã quy định như sau:
Trường hợp chủ nhà trọ đứng tên
ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ), được cấp định mức hoặc áp 01 giá theo mức giá
bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).
Trường hợp không thể kê khai được
số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh:
1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu
tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện
hàng tháng do Công ty Điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng,
chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Trường
hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở
lên đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) thì đại diện người lao động hoặc
sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện
của chủ nhà). Công ty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.
|
Phan Cúc