Chuyện cụ già 80 tuổi vớt xác trên sông Hồng
(Sóng trẻ)-Ông Nguyễn Văn Thành, 80 tuổi, được người dân bãi giữa sông Hồng biết đến như khắc tinh của “Hà bá”. Những ngày sống cuộc đời ngụ cư ven sông, ông đã nhiều phen đối mặt với “thần chết” để giành giật sự sống cho nhiều thanh niên nghĩ quẩn, gieo mình xuống sông và vớt hàng trăm xác chết trôi dạt để thân nhân của họ có cơ hội nhận dạng, đưa về mai táng.
Cuộc đời kỳ lạ
Cụ Nguyễn Văn Thành sinh ra tại mảnh đất xứ Thanh vào những năm 1936, chiến tranh loạn lạc, gia đình ông lưu tán khắp nơi để kiếm ăn. Năm ông 17 tuổi, ông lưu lạc lên Hà Nội sống nay đây mai đó. Mãi cho đến khi ông gặp bà Nguyễn Thị Thủy. Cuộc duyên ngộ “nhặt” được nhau này đã gắn kết ông bà bên nhau suốt 50 năm qua.
14 tuổi bố mẹ mất sớm cụ Nguyễn Văn Thành phải tự mình mưu sinh cuộc sống bằng các đi xin ăn nhặt nhạnh mọi thứ
Bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng gần hết cuộc đời, ông Thành chưa biết đến một ngày sung sướng, đủ đầy. Mỗi ngày, sau bữa cơm tối, khoảng 8 – 9 giờ, ông lại lên phố nhặt nhạnh phế liệu, kiếm đồng ra đồng vào lo toan miếng cơm manh áo hàng ngày, Có những tuần, góp nhặt, bán phế liệu cũng chỉ được khoảng hơn 100 nghìn đồng. Đến tháng 7 mùa lũ lên, ông bà cũng không làm được gì, nhiều lúc phải hái dâu rừng mà ăn qua ngày.
Căn nhà của vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Thành trôi nổi trên sông Hồng
Sẽ không có gì đáng nói nếu cuộc sống của ông Thành chỉ gói gọn trên căn nhà thuyền đơn sơ, với người “vợ nhặt” đầu gối, tay ấp bên ông nửa thế kỷ. Từ nhiều năm, hai vợ chồng ông đã chứng kiến biết bao nhiêu số phận đáng thương tìm đến dòng sông để kết thúc bi kịch, giải thoát cho một kiếp người. Dù những người rơi xuống sông rủi ro hay cố tình, ông Thành quyết không để “thuỷ thần” cướp đi sinh mạng của họ.
Ông Thành kể: “Tôi vớt thì rất nhiều, nhưng mà người còn sống thì mới ngày vừa rôi đây là cứu sống được một cô mới 22 tuổi, bên Gia Lâm, gọi điện cho chồng rồi sang đây đi tự tử. Còn hầu như các bạn khác mà tôi vớt được đều không còn sống.”
Hơn 3 năm nay ông Thành không quản nắng mưa cố gắng vớt những thi thể trôi trên sông Hồng lên bờ
Những người được ông Thành cứu, vớt, có người vì áp lực cuộc sống, có người thất vọng, có người tự tử vì tình cảm. Mỗi lần phải đi vớt người như thế, ông Thành lại càng buồn thương cho những mảnh đời khốn khổ, không lối thoát, để sau cùng chỉ biết chọn con đường gieo mình xuống dòng sông bầm đỏ.
Công việc “lấy phúc làm lãi”
Ông bà cho biết, ông với xác người trôi trên sông Hồng hơn 3 năm nay, có những lần trôi đi xa, ông cũng cố bơi ra để vớt vào, dù biết rằng người đó không còn sống trên đời này nữa.
Ông quan niệm công việc cứu, vớt người là tích đức cho mình
Ông nói:“Cuộc đời tôi đã khổ rồi, cái xác của con người thì cũng như mình, nhưng vì cái số người ta, chứ mình không phải con vật mà có thể bỏ qua được.”
Khi được hỏi ông có sợ không vì hầu như họ không còn sống nữa. Ông Thành chỉ dẫn chúng tôi ra khu đất vườn trống, với nhiều ngôi mộ vẫn còn mùi hương khói nghi ngút, ông cho biết, có một số người không ai đến nhận, vợ chồng ông cũng cố gắng mai táng tử tế.
Một số người không ai đến nhận, vợ chồng ông cũng cố gắng mai táng tử tế
“Đó là do cái lương tâm, cái tâm tri của mình dù đói dù khổ nhưng mình phải có cái tâm. Con người đã có cái tâm thì sống thế nào cũng vẫn là thanh thản. Cho nên mỗi một khi tôi đã làm việc gì, tôi không bao giờ tôi quản ngại, mà không bao giờ tôi nghĩ đến công xá, ơn huệ. Tôi chỉ biết làm, để sau này cuộc sống của tôi, tôi có ra đi đi chăng nữa, thì cũng thanh thản với thế gian”. - Ông Thành chia sẻ.
Có những người nhà của nạn nhân tự tử đến cảm ơn ông bà, nhưng ông bà cũng chỉ nhận chút ít, đủ để mua xà phòng, gội rửa tay chân. Còn lại những người không có gia đình, ông bà cũng coi như làm việc thiện, tích đức cho thanh thản với lương tâm.
Bữa cơm giản đơn của đôi vợ chồng già.
80 năm cho một cuộc đời sóng gió, chứng kiến biết bao mảnh đời éo le, đáng thương, ông Thành luôn trăn trở, làm sao để cuộc sống nài kia luôn được hạnh phúc, để những người sống không bi lụy, kiệt cùng rồi dại dột kết thúc cuộc đời. Và để một ngày nào đó, dòng sông Hồng không còn chất chứa những oán hận, chỉ có căn nhà nổi đong đầy yêu thương dập dềnh trên những sóng nước nhỏ..
Hồ Thúy Vy
K33ĐPT
Cùng chuyên mục
Bình luận