Chuyện nghề "họa mặt" cho người đã khuất
(Sóng trẻ) - Gần 10 năm qua, anh Nguyễn Thế Tùng lặng lẽ với công việc đặc biệt của mình: trang điểm cho tử thi. Với anh, đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là cái duyên, là sự sẻ chia với những người ra đi vĩnh viễn.
Chúng tôi có hẹn với anh vào một buổi sáng mùa thu Hà Nội, thoạt đầu gặp gỡ, khó ai có thể ngờ rằng, người đàn ông trẻ trung, năng động này lại làm một công việc đặc biệt như vậy. Cái nghề mà ít người dám nghĩ tới, chưa nói gì đến dấn thân theo đuổi, nhưng anh Nguyễn Thế Tùng đã gắn bó với chúng suốt 8 năm nay.

Khác biệt so với trang điểm thông thường
Cầm trên tay đồ chuyên dụng, anh Nguyễn Thế Tùng bắt đầu từng bước trang điểm cho vị khách đã say giấc ngàn thu. “Nhanh, đẹp, chuẩn”, anh tự nhủ như thế khi hiểu rằng từng giây trôi qua đều quý giá. Chỉ khi anh làm kịp, mọi công việc khác của tang lễ mới có thể diễn ra đúng giờ và trọn vẹn.
Trang điểm cho tử thi đòi hỏi những kỹ thuật và quy trình riêng biệt. Anh Tùng cho hay, “Da của người đã khuất không còn sự đàn hồi như một người tràn đầy sự sống. Do đó, người trang điểm phải luôn cẩn thận, nếu không thì cả quá trình sẽ khó thuận lợi”.
Anh Tùng cho biết thêm, sắc tố trên da của những vị khách ấy cũng có sự thay đổi nhất định sau khi ngừng thở, trong y pháp gọi đó “hoen tử thi”. Hoen tử thi là những điểm hoặc mảng sắc tố xuất hiện sau khi chết, do sau chết máu không đông và dần dần đọng lại ở những vùng thấp của tử thi, tạo ra những vùng điểm có màu.
Lúc này, anh sẽ phải sử dụng phấn chuyên dụng, tùy vào từng trường hợp mà các loại phấn có thể khác nhau. Những loại phấn này rất đặc biệt, chúng có thể bám vào làn da đặc thù của người đã khuất. Mục đích để cho sắc tố da ở trên mặt và cổ của người được trang điểm đều nhau. Có như vậy, dáng vẻ mới có thể đem tới người bình thường cảm giác nhân vật đang nằm kia chỉ đang say ngủ mà thôi, không còn dáng vẻ thường thấy của người đã xa rời trần thế.

Sau khi phủ phấn toàn bộ da, anh Tùng sẽ đánh má hồng và thoa son môi cho họ. Nếu cần thiết, anh cũng sẽ chỉnh sửa lại trang điểm từng bộ phận như mắt, môi một cách tỉ mỉ để các đường nét trở nên hài hòa.
Theo anh, rất khó để nói rằng cái gì khó nhất trong quá trình theo nghề. Trên thực tế, mỗi ca là một cái khó khác nhau. Vì vậy, anh phải linh hoạt, tích kinh nghiệm và cố gắng điều chỉnh sao cho phù hợp.
“Giống như mình trang điểm cho người sống, trên da mặt họ cũng sẽ có những dấu vết như nám, bớt,.. Đối với những trường hợp này, mình cần che phủ chúng lại. Có đôi khi, khó khăn tới từ việc phấn không thể bám vào da thi thể do người mất ở trong nhà lạnh quá lâu, hoặc làn da sạm đen của người từng bị ung thư mà phải chạy hóa chất cũng là ‘một bài toán khó’ cần được giải đúng”, anh Tùng chia sẻ.
Ngoài ra, anh cho biết, trong quá trình làm nghề, anh phải làm sao cho cả người thân của các “vị khách” hài lòng. Bởi lẽ, ai cũng muốn người quan trọng của mình được ra đi ở vẻ đẹp thanh thản và tự nhiên nhất.
Từng nét cọ là một câu chuyện cuộc đời
“Sợ, sợ chứ!”, Anh Nguyễn Thế Tùng nhớ lại ngày đầu tiên dấn thân vào nghề. Dẫu ngày hôm ấy đã cách đây chừng 8 năm có lẻ, nhưng những cảm xúc của anh về lần đầu tiên làm công việc trang điểm tử thi vẫn còn nguyên vẹn.
Anh Tùng ngẫm lại: “Lần đầu tiên đó là vào một buổi tối, trong căn phòng băng đầy khí lạnh, chỉ có mình ở bên cạnh tử thi. Dù có mặt của người nhà, nhưng họ cũng không an lòng khi chứng kiến người thân của mình ở hình hài không được tươi tắn nên họ cũng né tránh ra chỗ khác”.
Mặc phải đối diện với sự lạnh lẽo và những nỗi sợ hãi khó diễn tả, nhưng anh vẫn xem đó là một thử thách tâm lý tự nhiên. Anh liên tục động viên và trấn an mình. Và để xua đi không khí im lặng và lạnh lẽo đó, trước khi đưa nét vẽ lên da, anh Tùng thủ thỉ: “Cháu Tùng đây! Hôm nay cháu đến, cháu xin phép được làm đẹp cho bà nhé!”. Lời khấn bái của anh vang lên như một lời chào hỏi thân tình, thương chào đến “vị khách đặc biệt” của mình trước khi đụng chạm đến da thịt của họ.
“Ngoài là một nghề trang điểm tử thi, nghề này còn có phần tâm linh nữa. Mình phải có lời khấn và sự xin phép đàng hoàng để thể hiện sự tôn trọng với họ ở giây phút cuối cùng”, anh chia sẻ.
Anh luôn dặn lòng rằng, những người đã khuất dù không còn sự sống, nhưng họ xứng đáng được dành trọn sự kính trọng và lời từ biệt trang trọng nhất trước khi rời khỏi cõi trần. Thế nên, thủ tục xin phép, khấn bái trước và trong khi trang điểm là điều rất quan trọng, biến công việc tưởng chừng lạnh lẽo lại trở nên ấm áp và đầy sự cảm thông.
Suốt chừng ấy năm bén duyên với nghề trang điểm tử thi, anh Tùng đã chứng kiến biết bao cuộc đời chia ly. Mỗi người đều để lại trong anh những câu chuyện xúc động. Có những ca khiến anh không khỏi xót xa, thương cảm.
Anh vẫn nhớ lần trang điểm cho một bạn nữ còn trẻ bị tai nạn giao thông: “Khuôn mặt của bạn biến dạng đến mức không thể nhận ra do bị xe cán ngang đầu. Khi thực hiện trang điểm cho bạn, tôi phải nhét rất nhiều bông vào nửa bên đầu bị hóp để có thể làm đầy, đem về hình dáng bình thường nhất cho bạn”.
Nhưng có lẽ, câu chuyện vương vấn nhất trong lòng anh là trường hợp một thanh niên mắc căn bệnh thế kỷ. Khi mọi người đều e dè và sợ hãi trước tình huống này, anh tình nguyện nhận làm. Anh Tùng nhớ lại: “Căn bệnh quái ác khiến cơ thể của cậu ấy bị bong tróc và lở loét nhiều, khiến hầu hết mọi người đều lo ngại khi tiếp xúc. Tôi phải dùng các kỹ thuật đặc thù trong nghề trang điểm tử thi, che đi các phần da thịt không nguyên vẹn ấy để người thăm viếng không cảm thấy sợ”.
Anh Tùng không chỉ đơn thuần làm đẹp cho người đã khuất mà còn mang đến cho họ một sự an yên cuối cùng. Anh tin rằng, việc giúp người đã khuất có được vẻ ngoài sức sống hơn có thể phần nào đó mang lại sự an ủi cho gia đình của họ. Vì thế, trong từng nét vẽ, anh luôn cẩn thận và chỉn chu, tất cả nhằm mang đến sự an lòng cuối cùng cho những “vị khách đặc biệt”.
Quyết theo bằng được
Cái nghề tới với anh Tùng một cách rất tự nhiên. Anh chia sẻ: “Trước đây, tôi đã từng làm tại một công ty, cũng như từng trải qua nhiều nghề nghiệp khác nhau nhưng khi ‘đến ngày, đến tháng’, cuộc đời tôi lại xoay hướng một cách nhanh chóng”.
Nhớ về cơ duyên dẫn tới nghề, trên gương mặt phúc hậu của anh, một nụ cười tự hào khẽ nhoẻn. Anh kể: “Sau khi ra trình đồng mở phủ, tôi theo nghiệp của ‘Mẹ’ (tên thân thương mà anh Tùng dành cho người thầy của mình). Bà là người làm công việc trang điểm tử thi và khâm liệm có thâm niên”. Anh Tùng cho hay, người thầy này đã cho anh một nền tảng vững chắc về nghề, cho anh kiến thức sơ bộ để phát triển như bây giờ.

Được như ngày hôm nay, chỉ anh mới biết con đường nghề của bản thân vốn không phải là một đường thẳng. Không ai trong số bạn bè và đồng nghiệp cũ của anh nghĩ rằng anh sẽ bén duyên với thứ nghề lạ kỳ này. Từ bất ngờ, cho tới hoài nghi, những xúc cảm đó đọng lại trong người thân xung quanh anh. Phần đa ý kiến từ mọi người đều là không ủng hộ. Họ lo anh còn trẻ mà lại chọn một món nghề mà xã hội “chả ai hay, chả ai tỏ”. Họ cho rằng cái nghề này mang nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe, thứ mà người ta luôn nói là “tránh còn không kịp”.
Bố mẹ anh cũng không ngoại lệ. Khi thấy con mình đổi sang nghề khác ở tuổi 26, những người làm cha làm mẹ có nhiều lo lắng, xót con quá vất vả vì chọn con đường có phần khác người. Lúc đó, anh Tùng chỉ lựa chọn âm thầm theo nghề, cố gắng chứng minh cho tất cả bằng hành động.
Đó là khó khăn đầu tiên mà anh gặp khi bước chân vào con đường này. Nhưng rồi theo thời gian, anh đã chứng tỏ được với mọi người rằng anh hoàn toàn có thể theo nghề này, và thậm chí là làm chúng rất tốt.
“Một thứ nghề ‘rất đời’. Mới đầu nghe, ta có thể tưởng đó chỉ là những câu chuyện rùng rợn. Nhưng không, ẩn đằng sau đó là ý nghĩa nhân văn rất lớn”, anh Tùng nói.
Nghĩa tử là nghĩa tận
Gần một thập kỷ gắn bó với nghề, anh Tùng chứng kiến không biết bao nhiêu sự mất mát, đau thương. Đã nhiều lần anh tự hỏi rằng: “Liệu cảm xúc của mình sẽ như thế nào khi chính người thân của mình cũng nằm một chỗ lạnh lẽo như vậy?”.
Anh đặt mình trong câu hỏi đó là bởi anh sợ. Anh sợ cảm xúc của mình sẽ bị chai sạn, trơ lì khi đối diện quá nhiều với sự chia ly. Nhưng điều đó hoàn toàn trái ngược lại khi chính mẹ của anh mắc bệnh.
Anh nghẹn ngào nói: “Ngày tôi biết mẹ mình bị ốm, tôi đã khóc rất nhiều, thậm chí cảm xúc của tôi lúc ấy vô cùng mãnh liệt. Cái cảm xúc mà chỉ ở tình mẫu tử mới có. Lúc đó tôi nhận ra rằng, mình không hề bị chai sạn cảm xúc như từng nghĩ. Hơn thế nữa, chính cảm xúc đặc biệt này cũng dần giúp tôi thấu hiểu những hoàn cảnh, tâm trạng của người nhà có người thân mất”.
Với anh, nghề trang điểm tử thi cũng gắn với một trách nhiệm to lớn. Bản thân người làm nghề phải luôn đặt mình trong hoàn cảnh của người nhà “khách hàng” để thực hiện tốt mọi yêu cầu và làm hài lòng hơn nữa những yêu cầu đó. Bởi vậy, tình cảm, tấm lòng và đạo đức nghề nghiệp luôn là kim chỉ nam để anh hướng đến những giá trị nhân văn và cao đẹp khi hành nghề”.
Anh luôn quan niệm rằng “nghĩa tử là nghĩa tận” và xem đó là giá trị cốt lõi trong mỗi ca trang điểm. Anh chia sẻ: “Với tôi, khi đã làm công việc liên quan đến người đã khuất, dù họ ra đi ở độ tuổi già hay trẻ, khỏe mạnh hay bệnh tật, thậm chí họ ra đi không còn nguyên hình, nguyên dạng cơ thể, thì trách nhiệm của người trang điểm tử thi như tôi phải làm sao để họ ra đi thanh thản với diện mạo chỉn chu, đẹp đẽ nhất trong khả năng làm việc của mình. Và đối với con người, khả năng là vô hạn. Chỉ là mình có động não để tìm ra cách giải quyết một cách hài hòa, hợp lý nhất hay không thôi. Đó mới là cái tâm làm nghề!”.
Điều đó cũng khiến anh luôn đặt ra yêu cầu cao với những bạn trẻ theo học nghề trang điểm tử thi: đó chính là sự cầu toàn, chỉn chu và chịu được những áp lực đặc thù của công việc.
Nhìn lại một hành trình dài gắn bó với nghề, dẫu đã trải qua những ngày tháng tủi buồn vì có nhiều người e dè, ghê rợn với cái nghề được xem là “khác người”. Nhưng với anh Tùng, anh thấu hiểu ý nghĩa xã hội mà công việc này mang lại hơn ai hết. Anh coi công việc “phục vụ cho những người mất” là một đặc ân mà không ai có được.
Anh tâm sự: “Đến hiện tại, sau khi nhận đủ mọi dèm pha, mọi ánh nhìn kỳ thị, song song với đó là những niềm vui, hạnh phúc và những lời động viên từ người thân. Có lẽ, bây giờ tôi đã tự tin để có thể dùng từ ‘kiêu hãnh với nghề’ cũng xứng đáng”.
Kiêu hãnh với nghề không đơn thuần là niềm tự hào mà còn là động lực thôi thúc anh không ngừng nỗ lực và cống hiến. Anh mạnh dạn chia sẻ: “Chắc chắn rằng đây là công việc cuối cùng tôi lựa chọn phát triển cũng như theo đuổi. Và tôi sẽ gắn bó với nghề đến khi nào mình không thể hoặc không còn ai cần nữa”.
Với anh, việc gắn bó với nghề làm đẹp tử thi suốt 8 năm nay không phải là “cái nghiệp” người đời hay nói, mà chính là tình yêu và sự say mê mãnh liệt. Bởi vậy, anh Tùng luôn thôi thúc bản thân không ngừng theo đuổi, trau dồi bản thân có đủ tâm đức, lý trí và kiến thức làm nghề để mỗi “vị khách” đến với anh đều cảm thấy yên lòng ra đi với diện mạo thanh thản nhất.