Có phải xã hội ngày càng ích kỷ?
(Sóng trẻ) - Ngày 4/12, tại khu vực vòng xoáy Tam Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai) chiếc xe tải chở 1500 thùng bia bị đổ xuống đường, hàng trăm người lao vào hôi của mặc cho tài xế và lơ xe van xin. Một lần nữa hành động đó đã chứng minh một bộ phận người Việt Nam ngày càng tham lam và vô tình điều đó đang tạo nên một xã hội ngày càng ích kỷ.
Không khó để có thể liệt kê những tình huống tương tự như vậy tràn lan trên mặt báo. Thực ra những sự việc được báo chí phản ánh chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng trăm sự việc người dân lợi dụng tai nạn giao thông, cháy nhà, cháy chợ, thậm chí cả vụ chết người để hôi của. Giờ đây nó là giọt nước khiến chiếc cốc bị tràn ly, chưa bao giờ con người lại càng nghi ngờ về sự suy đồi về đạo đức nhiều như hiện nay.
Hàng trăm người xông ra cướp bia
Nghĩ đến mà đau lòng, chắc hẳn những người thế hệ trước phải che mặt mà khóc thầm khi không ngờ được xã hội ngày càng biến chất như thế này. Trong hoạn nạn con người sẵn sàng chia sẻ một bát cơm, một tấm áo, thế mà thấy người bị tại nạn không lo cữu chữa lại lo đi hôi của.
Ngày xưa, đất nước chúng ta còn đói nghèo, thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng tình trạng này cũng không đến mức báo động như hiện nay. Lời dạy “đói cho sạch, rách cho thơm”, “tương thân tương ái, giúp đỡ kẻ hoạn nạn” dường như đã bị lãng quên trong xã hội vật chất đầy mưu mô tính toán.
Hành động như vậy khác gì trộm cướp đâu. Thậm chí còn ác độc, mất nhân tính hơn trộm cướp thông thường. Trộm cướp chỉ dám lấy tài sản, còn đây lại bỏ mặc người bị nạn để hôi của riêng cho mình, khác gì tự tay giết chết người.
Những khuôn mặt rạng rỡ với "chiến lợi phẩm" vừa cướp được
Một ví dụ điển hình là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đêm 15/4/2011, tại đường Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân, Hà Nội). Hai thanh niên đi xe máy đã dừng lại hiện trường, nhưng không phải để đưa người bị nạn đi cấp cứu mà để… lấy túi xách, bên trong có điện thoại di động, tiền của nạn nhân.
Một nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho vấn đề là do đời sống người dân còn nghèo, vì thế họ không thể thoát được những cám dỗ vật chất là chuyện bình thường. Nhưng rất đông người tới hôi của là những người ăn mặc lịch sự, gọn gàng, chứng tỏ là có học, điều kiện kinh tế cũng không hề khó khăn, thậm chí còn có xe máy để chở mấy thùng bia mang về thì làm sao được gọi là nghèo khó. Vậy tại sao họ vẫn làm vậy? Chỉ có thể giải thích rằng vì lòng ích kỷ, hám của, biết rằng hành động sai trái nhưng vẫn cố ý làm như vậy.
Còn về lý do người nghèo làm vậy thì càng khó hiểu hơn. Đều là những người lao động, đều là những người bươn chải mưu sinh vì cuộc sống, từng nếm vị mặn đắng của mồ hôi thì họ chính là những người hiểu nhất sự khó khăn, nhọc nhằn trong lao động. Ấy thế mà họ còn đi hôi của từ những người đồng cảnh ngộ như mình. Đã bao giờ họ đặt mình vào vị trí người lái xe, phụ xe để rồi phải vái lạy, cầu xin nhưng vẫn bị mất hàng thì họ nghĩ gì nhỉ? Vâng. Vẫn chỉ có thể giải thích rằng vì lòng ích kỷ, tham lam mà thôi.
Hàng trăm bài báo phản ánh, hàng trăm ảnh chế từ cộng đồng mạng mỉa mai, liệu có một ai xấu hổ cho hành động của mình không. Có, tất nhiên là có, nhưng nếu một xe chở bia nào bị tai nạn, thì vẫn có hàng nghìn người xông tới hôi của. Một xã hội thật lạ lùng, dường như nó đã trở thành một căn bệnh ác tính, một căn bệnh nan y. Điều đó thật đáng lo ngại, xã hội đã trở nên đen tối đến mức không ngờ tới.
Nói như vậy thật là phiến diện khi xã hội vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Vẫn có rất nhiều Mạnh Thường Quân hiến hằng trăm triệu để xây đường, xây trường học. Miền Trung bị bão lũ không có sự đồng lòng góp tay của nhân dân cả nước thì trong thời gian ngắn người dân nơi ấy sao có thể vượt qua khó khăn.
Chỉ vì hành động sai trái của một vài người mà kết luận xã hội càng ngày càng ích kỷ là không đúng. Nhưng điều quan trọng chính là hạn chế, cố gắng chấm dứt những hành động hôi của như vậy trong xã hội văn minh hiện nay. Đặc biệt nếu những người nước nài nhìn được những hành động như vậy thì sẽ là niềm ô nhục cho toàn quốc gia với bạn bè thế giới.
Muốn vậy cần phải có một biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa. Dù lớn hay nhỏ đều cần phải xử phạt theo pháp luật. Cần phải đánh tan suy nghĩ thiển cận chỉ lấy mấy thùng bia, mấy can dầu thì chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng mỗi người một ít sẽ tạo nên sự mất mát rất lớn. Vì vậy, dù chỉ lấy “một chút ít” cũng cần phải xử lý rõ ràng để ngăn đe những tình huống tương tự sau này.
Anh Ngọc
Báo mạng điện tử K30