Cộng tác viên viết bài online có thật sự là “việc nhẹ, lương cao”?
(Sóng Trẻ) - Nghề tự do đang trở thành một xu hướng việc làm của giới trẻ bởi tính chủ động, sự thoải mái trong công việc. Cộng tác viên viết bài ở nhà là sự lựa chọn của đa số các bạn sinh viên đam mê viết lách. Bên cạnh những ưu điểm, công việc này cũng chứa nhiều rủ ro tiềm ẩn.
Vô vàn “đất viết”
Ngày nay, các công ty, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ “mọc lên như nấm” vì vậy để có cạnh tranh được trên thị trường thì đòi hỏi các doanh nghiệp, cá nhân đó phải xây dựng được thương hiệu riêng cho mình. Những cộng tác viên (CTV) viết bài Seo, content marketing chính là nhân lực được “săn đón” để làm nhiệm vụ đó. Chỉ với những từ khóa “viết bài ở nhà”, “ viết Seo”, “ viết bài Online”… trên Facebook có thể ra nhiều kết quả hội nhóm tuyển dụng. Mỗi ngày có hàng trăm bài viết được cập nhật với thông tin đa dạng, nhiều lĩnh vực cho các bạn sinh viên lựa chọn để viết bài.
Ưu điểm của việc làm này là các bạn sinh viên được quyền chọn lựa đối tác, công việc, và thời gian. Bạn có thể mặc một bộ đồ ngủ, ngồi bất kì một góc nào bạn thích và làm việc. Công việc này cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các bạn sinh viên khi chỉ cần có một chiếc laptop và có thời gian rảnh rỗi ở nhà.
Lưu Thị Thu Trang, sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã đi làm CTV viết bài ở một công ty kinh doanh đồng hồ từ năm hai đại học chia sẻ: "Mình chỉ việc ở nhà, đến cuối tháng thì gửi bài lên cho công ty duyệt. Thời gian CTV ban đầu, mỗi tháng viết bài chăm chỉ mình thu nhập được 2 triệu. Sau khi viết quen tay, mỗi một tháng mình kiếm được 4 triệu. Mình thấy việc viết bài ở nhà khá đơn giản, vừa có nhiều tiền, vừa làm chủ được thời gian”.
Đối với sinh viên, mức thu nhập 2-4 triệu đồng mỗi tháng đã là một con số “khá khẩm” để có thể trang trải chi tiêu cho cuộc sống.
Bạn Quỳnh Hoa (Sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) bày tỏ: “Mình học Kinh tế nhưng lại yêu con chữ, do vậy, công việc này không chỉ tạo cơ hội cho mình rèn luyện thêm khả năng viết lách mà còn giúp mình có thêm kỹ năng quản lý quỹ thời gian bản thân. Ngày trước để hoàn thành một bài viết 1000 chữ mình phải mất cả buổi chiều nhưng giờ chỉ cần 30 phút mình có thể viết xong một bài viết. Tư duy ngôn ngữ cũng trở nên phong phú, linh hoạt hơn”.
Một bài viết Seo, Content hay thì người viết cần phải đổi mới phong cách, sáng tạo không ngừng mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường “trao đổi con chữ”.
Rủi ro khôn lường
Công việc viết bài thuê đòi hỏi lao động sáng tạo cao, thường xuyên ngồi trước máy tính, trí não liên tục phải căng để nghĩ ra những ý tưởng mới. Nếu không có khả năng quản lý thời gian, các bạn sinh viên sẽ dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập.
Bạn Uyển Nhi ( Sinh viên trường HV Báo chí và Tuyên truyền) kể lại: “Thời gian mình nhận viết bài ở nhà đúng lúc đợt kiểm tra cuối năm. Do mình không biết cách sắp xếp thời gian, lần đầu viết nên còn phải lần mò trên mạng. Cuối cùng, 10 bài viết của mình đều không đạt yêu cầu nên không được thanh toán, điểm thi các môn học thì chỉ đủ điểm để qua môn. Sau đợt đó, mình không dám nhận công việc viết bài ở nhà thêm lần nào nữa.”
Mong mỏi có một việc làm thêm ở nhà để không bị giới hạn thời gian, không gian lại vừa mang lại thu nhập cho bản thân là điều sinh viên nào cũng ao ước. Nhưng không ai cũng may mắn tìm được một công phù hợp ở nơi uy tín. Nhiều bạn sinh viên đăng ký viết bài ở nhà, đến khi thanh toán tiền nhuận bút thì người thuê viết lại biến mất hoặc lấy nhiều lí do để tìm cách không trả tiền.
Bài viết chia sẻ việc bị “quỵt tiền” nhuận bút được nhận nhiều phản hồi
Một bài viết khác cảnh báo khác
Bạn Thanh Tâm từng viết bài cho nhóm “PR writer” do chị Nguyễn Ánh Hồng quản trị viên kể lại: “Có rất nhiều dự án bài viết được đưa ra mỗi tuần, bọn mình sẽ đăng ký số lượng và chốt lương cuối dự án. Nhưng đến lúc duyệt bài thì chị Hồng lại trì hoãn hết lần này đến lần khác. Mình khá bức xúc khi đã bỏ thời gian, chất xám của mình để cố hoàn thành bài viết xong sớm. Vậy mà, có bài viết 1000 chữ mình chỉ thu được giá 20.000 đồng, trừ 30.000 đồng vì những lỗi chị Hồng mới đề ra sau đó.”
Tâm cũng rút ra cho mình kinh nghiệm khi lựa chọn thông tin tuyển dụng trên mạng: “Đầu tiên, các bạn nên kiểm tra xem tài khoản facebook đó có đứng tên người thật không, các thông tin về địa điểm công ty, yêu cầu bài viết có rõ ràng không. Đặc biệt, các bạn phải hỏi rõ hình thức thanh toán, thời gian thanh toán và yêu cầu họ cam kết, khi đó mình mới xác nhận viết bài”.
Công việc viết bài ở nhà đang ngày càng được các bạn trẻ yêu thích. Tuy nhiên, vấn đề hợp đồng lao động, giấy tờ pháp lý ràng buộc cho công việc này hiện không có, thông tin giao dịch người “bán chữ”- “mua chữ” đều được thực hiện qua tin nhắn trên facebook. Thế nên, rủi ro bị lừa đảo, bùng tiền, cắt xén tiền nhuận bút là điều không thể tránh khỏi.
Huyền Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận