Tại sao mùa xuân người người trẩy hội chùa Hương?
(Sóng trẻ) - Chùa Hương (Hà Nội) cùng với Chùa Bái Đính (Ninh Bình) và Chùa Yên Tử (Quảng Ninh) được xem là 3 quần thể văn hóa – tôn giáo ở miền bắc hấp dẫn người dân nhất mỗi dịp đầu xuân năm mới. Trong những tháng mùa xuân người người rủ nhau đi trẩy hội chùa hương như một hoạt động văn hóa – tín ngưỡng.
Đi chùa lễ Phật đầu năm là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của nhiều dân tộc Á Đông. Đi chùa để cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho những người thân yêu sức khỏe, niềm tin và may mắn là hoạt động mang nhiều thông điệp nhân văn. Đó là còn chưa kể đến nhiều chùa trong dịp đầu năm thường có hoạt động phóng sinh nhằm thể hiện tư tưởng từ bi, hỷ xả của nhà Phật. Trong số rất nhiều các ngôi chùa Việt trên đất Bắc, chùa Hương luôn là một trong những ngôi chùa được nhiều khách thập phương đến tham quan, lễ Phật, trẩy hội , vì sao vậy?
Cảnh quan thiên nhiên “có một không hai”
Quần thể Hương Sơn là điểm đến hấp dẫn vì đây là địa danh có sự kết hợp của thiên nhiên tạo hóa và bàn tay của con người. Hương Sơn được xem như một kỳ quan có mây trời, sông nước lại có cả hang động, núi đá. Đến chùa Hương du khách như ngập tràn trong vẻ đẹp của thiên nhiên vạn vật. Dòng suối Yến thơ mộng không chỉ khuyến rũ mà còn linh thiêng. Suối Yên đã vượt qua tên gọi của một dòng suối thông thường để mang ý nghĩa của một dòng nước đưa ta về miền đất Phật. Mùa Xuân suốt Yến đang đẹp vẻ đẹp của nàng xuân, một vẻ đẹp đầy mơ mộng và huyền bí.
Nhiều người hứng những giọt nước rơi từ nhũ đá được xem như bầu sữa mẹ
Ngồi đò trên suối Yến du khách có thể có nhiều sự lựa chọn khác nhau cho cuộc hành trình với bốn tuyến đò như: Hương Sơn, Thanh Sơn, Long Vân, Tuyết Sơn. Mỗi điểm đến lại có một hấp dẫn riêng nhưng động Hương Tích thì quan trọng hơn cả mà ai trẩy hội chùa Hương cũng không quên ghé vào. Động Hương Tỉnh trên đỉnh Hương Sơn có hình thù như một con rồng đang ngậm viên ngọc quý khiến động không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh của người Việt.
Ngôi chùa chứa đựng nhiều giá trị tâm linh
Chùa Hương là một số ít các ngôi chùa của miền Bắc tu theo Phật giáo Mật Tông. Các yếu tố quan trọng trong tu hành theo pháp môn Mật tông là phép niệm chân ngôn, phép bắt ấn, sử dụng Mạn đà la cũng như các lần Quán đỉnh. Cố hòa thượng Thích Viên Thành – động chủ thứ 11 của động Hương Tích – chùa Hương là một trong những vị hòa thượng tu theo pháp môn Mật Tông và được xem là một bậc thầy của pháp môn này.
Nhũ đá có hình thù như đụn gạo
Chùa Hương cũng được tin là nơi Quan Âm Diệu Thiên đã ứng hiện tu hành thế nên lại càng là một điểm đến giàu giá trị tâm linh trong đạo Phật. Hiện nay ở chùa Hương có tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn. Cùng với đó là hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ như bầu sữa mẹ, đụn gạo,…
Ngôi chùa nổi tiếng trong văn học
Cảnh quan chùa Hương là nguồn cảm hứng của nhiều tao nhân mặc khách. Chu Mạnh Trinh đã từng có bài “Hương Sơn phong cảnh ca” với cảnh “non non, nước nước, mây mây” xứng danh kỳ quan đất Việt. Nguyễn Nhược Pháp thì có bài thơ “Chùa Hương” đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc “Hôm qua em đi chùa Hương, hoa cỏ còn mờ hơi sương” đi đi vào lòng biết bao thế hệ người dân Việt. Tản Đà hay nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng từng có những áng thơ viết về chùa Hương – một nơi thiên nhiên tuyệt diệu.
Người người nô nức trẩy hội chùa Hương
Trẩy hội chùa Hương như một hoạt động mang đậm giá trị văn hóa và tín ngưỡng. Năm trước trẩy hội chùa Hương, năm sau lại vãn cảnh chùa Hương, nhiều người đi chùa Hương đến chục năm liền, không phải vì chừng đó thời gian mới đủ để khám phá Hương Sơn mà là vì đi lễ chùa Hương là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa.
Quang Đức
BMĐT K32
Cùng chuyên mục
Bình luận