Đài thiên văn phía Nam của châu u phát ảnh chụp “Tinh vân Ngọn lửa” mới nhất
(Sóng trẻ) - Ngày 4/1, đài thiên văn phía Nam của châu Âu (ESO) chính thức công bố hình chụp về “Tinh vân Ngọn lửa” (the Flame Nebula).
Đây là hình ảnh mới được xử lý của “Tinh vân Ngọn lửa”, trong đó các tinh vân nhỏ hơn như Tinh vân Đầu ngựa cũng xuất hiện, dựa trên các quan sát được thực hiện bởi cựu nhà thiên văn Thomas Stanke và nhóm nghiên cứu của ông vài năm trước.
Ảnh được chụp bởi kính viễn vọng APEX do ESO vận hành nằm trên cao nguyên Chajnantor lạnh giá ở sa mạc Atacama của Chile. Nhà thiên văn học Thomas Stanke cho biết: “Như các nhà thiên văn vẫn thường nói, khi chúng ta có một kính viễn vọng hoặc một thiết bị mới, hãy quan sát chòm Orion: sẽ luôn có điều gì đó mới mẻ và thú vị chờ ta khám phá”.
Ảnh chụp đã cho thấy những đám mây khí bụi khổng lồ của NGC 2024 rực đỏ như một ngọn lửa đang bùng cháy. Mặc dù được mệnh danh là “Tinh vân Ngọn lửa” nhưng trên thực tế những đám mây này thực sự rất lạnh, với nhiệt độ thường chỉ cao một chút so với ngưỡng “0 tuyệt đối”.
Ảnh chụp mới cũng hé lộ tốc độ di chuyển của các luồng không khí trong NGC 2024, với những đám mây màu đỏ đang bay ra xa chúng ta nhanh hơn những đám mây màu vàng.
Orion là một trong những khu vực nổi tiếng nhất trên bầu trời, nơi chứa những đám mây phân tử khổng lồ gần Mặt trời nhất. Những đám mây này nằm cách xa 1300 đến 1600 năm ánh sáng và có đặc điểm là vườn ươm sao hoạt động tích cực nhất trong vùng lân cận Hệ Mặt Trời.