Dù phí đổi cao đến 15%, chợ tiền lẻ vẫn hút khách dịp cận Tết
(Sóng trẻ) - Nắm bắt được nhu cầu sử dụng tiền lẻ để đi chùa và lì xì đầu năm của người dân, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm đổi tiền lẻ công khai với phí cao dù biết đây là hành vi trái pháp luật.
Phí cao ngất ngưởng!
Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lẻ” trên facebook, người dùng sẽ được gợi ý nhiều hội nhóm đổi tiền khác nhau, có thành viên từ 2000 đến hơn 35 nghìn người trở lên.
Các đối tượng hỗ trợ đổi bất kỳ mệnh giá nào, từ 1000 VNĐ đến 100.000 VNĐ. Đáng chú ý, mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao. Các bài đăng hầu như không công khai phí đổi nhằm cạnh tranh với nhau và luôn nhấn mạnh phí sẽ tiếp tục tăng vào dịp Tết. Nếu khách hàng muốn giao dịch thì cần liên hệ qua zalo hoặc messager để được báo giá.
Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền, phóng viên tiếp cận một tài khoản facebook có tên viết tắt L.H. Theo giá mà tài khoản này đưa ra, mức phí sẽ dao động từ 7% đối với tiền 20.000 VNĐ, 10% cho tiền 2000 VNĐ và 15% cho tiền 1000 VNĐ.
Bên cạnh đó, tài khoản này còn khẳng định “ngân hàng làm gì ai đổi tiền cho”. Tuy nhiên, đối chiếu với ảnh L.H gửi thì thông tin cho thấy đó là tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xuất và đối tượng này cũng đổi từ một bên thứ ba.
Vi phạm pháp luật
Không chỉ mập mờ về nguồn gốc tiền, theo bộ luật hiện hành, hành vi đổi tiền lẻ còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, trong Thông tư số 25/2013/TT-NHNN quy định, chỉ Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần (Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Tuy nhiên, những năm gần đây, vào dịp cận Tết, chợ tiền lẻ trên mạng xã hội vẫn rất hút khách. Khi phóng viên thực hiện khảo sát trên facebook, nhiều tài khoản thậm chí tỏ ra thái độ thờ ơ, cho rằng đó là do “có cầu ắt có cung”.
Tài khoản có tên viết tắt T.V bày tỏ: “Nguyên tắc là có vi phạm nhưng vì nó có lợi với đa số người nên không ai kêu ca”. Còn đối với tài khoản T.M cho rằng: “Do năm nay, Ngân hàng nhà nước không có chủ trương in tiền mới nhiều nên việc đổi tiền tại ngân hàng rất khó khăn. Vì thế, người dân mới đến các dịch vụ trên mạng xã hội để có tiền mới lì xì người thân”.
Nhà nước không cấm việc trao đổi tiền tệ nhưng những hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch thì lại là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, giao dịch đổi tiền trên mạng xã hội sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người dân có thể bị lừa đổi phải tiền cũ, nát nếu không kiểm tra cẩn thận. Thậm chí, đây còn là cơ hội cho các đối tượng xấu trà trộn tiền gia hay rửa tiền.