Đừng để những ngôn từ thô tục phá hoại “vẻ đẹp” của Rap
(Sóng trẻ) - Nhạc Rap được xem là nơi để các tác giả bày tỏ quan điểm hay nói lên tiếng lòng của mình thông qua việc hát vang lời theo vần điệu. Đối với Rap, ngôn từ được sử dụng phóng khoáng và không bị gò bó ở một giới hạn nào cả. Chính vì thế, trong các bài Rap thường xuất hiện những từ ngữ hay vài câu chửi thề thô tục.
"Thích Ca Mâu Chí" của nhóm Rap Nhà Làm và “Censored” của Chị Cả là 2 bài rap bị lên án mạnh mẽ trong thời gian gần đây; bởi các bài rap này đều có ngôn từ thô tục, nội dung nhạy cảm, không phù hợp với thuần phong mĩ tục của con người Việt Nam.
Nhiều người đang tự đặt ra một câu hỏi rằng:“Liệu những ngôn từ và nội dung nhạy cảm như thế có đang làm mất đi vẻ đẹp vốn có trong nhạc Rap, hay chỉ đơn giản là họ đang thể hiện đúng bản chất của Rap miễn sao truyền tải được nội dung mà họ hướng đến”.
Trong những năm gần đây, nhạc Rap đã và đang trở thành 1 thể loại âm nhạc thu hút giới trẻ Việt. Cộng đồng rapper tại Việt Nam cũng ngày một đông đúc với những cái tên đình đám như: Binz, Justatee, Rhymastic hay là Đen Vâu. Cùng với đó là sự xuất hiện của hai chương trình truyền hình ăn khách “Rap Việt” và “King of Rap”; sau sự thành công của hai chương trình nói trên, nhạc Rap cũng trỗi dậy một cách mạnh mẽ và dần khẳng định được vị thế của mình trong lòng khán giả trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của Rap, các ý kiến liên quan đến vấn đề ngôn từ nhạy cảm, thô tục, thiếu văn hóa cũng được đưa ra mổ xẻ và bàn luận ráo riết. Có ý kiến cho rằng: “Với một đất nước có bề dày văn hóa lịch sử như Việt Nam thì nhạc Rap khi du nhập đến nước ta phải ‘nhập gia tùy tục’. Nhưng cũng có người đưa ra phản biện: “Một sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa là một sản phẩm mà người nghệ sĩ được tự do thể hiện cái tôi cá nhân của mình.”
Nói về vấn đề này, nhạc sỹ Dương Trường Giang – người đã có hơn mười năm gắn bó với âm nhạc, thẳng thắn chia sẻ: “Âm nhạc là một ngành nhỏ ở trong văn hóa nghệ thuật. Để làm nên một tác phẩm nghệ thuật thì đầu tiên mình phải có văn hóa đã, văn hóa dành cho người viết, văn hóa dành cho người nghe, văn hóa dành cho người chọn những tác phẩm đấy."
Rap là một thể loại âm nhạc đa dạng về mặt nội dung, ở đây người viết có thể bày tỏ quan điểm, góc nhìn của mình bằng những câu từ và ngôn ngữ tự do, phóng khoáng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ngôn từ trong các bài Rap được phép vượt qua chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Với ca sỹ Bảo Kun, anh cho biết:“Trước đây, mình đã từng gắn bó với Rap 1 thời gian. Bản chất của dòng nhạc này là sự phóng khoáng và hiện đại nên đôi khi tác giả dùng những câu từ có phần thô tục, nhạy cảm. Thực tế, khi nói chuyện với 1 người nào đó thân thiết ở trong cuộc sống; chúng ta thường có xu hướng thoải mái, cởi mở, thậm chí là “trần trụi” trong cách giao tiếp. Nhưng khi các bạn đem sự “trần trụi” ấy vào trong tác phẩm của mình để gửi đến công chúng thì nó lại không phù hợp.”
Là một chàng trai có niềm đam mê và yêu thích với nhạc Rap, cũng là một thí sinh tài năng của chương trình “King Of Rap” mùa đầu tiên. Bạn Nguyễn Minh Đức (Rap name là Slick) đã bày tỏ quan điểm của mình về việc sử dụng ngôn từ khi viết Rap:
“Bài hát và bài rap khác nhau ở chỗ: bài hát nó phụ thuộc vào giai điệu nhiều hơn. Còn với rap, nó không có một cái hạn chế nào cả, rap chỉ là đọc thôi, như thơ trên nhạc thôi.
Tuy nhiên cũng không thể tránh được việc khi một cái gì đó được cởi mở, được thoải mái quá thì nó sẽ xuất hiện những tiêu cực. Giống như là ngôn ngữ, nó sẽ mang lại phần nhạy cảm, thủ tục. Cái này mình nghĩ nó không chỉ có ở trong Rap mà còn cả hát nữa.”
Nhìn lại khoảng thời gian từ khi nhạc Rap được du nhập vào Việt Nam cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn thường xuyên thấy những ngôn từ thô tục, thiếu văn hóa được các tác giả sử dụng trong sáng tác của mình. Một số bài Rap có ngôn từ phản cảm đến mức khiến người nghe phải giật mình như “Mẩy thật mẩy” của Big Daddy, “Lái máy bay” của Bình Gold hay mới đây nhất là ca khúc “Censored” của Rapper Chị Cả.
“Mình không biết là do mình khó tính hay là do các bạn trẻ đang quá dễ dãi với những câu từ như thế trong âm nhạc. Nói thật là nghe xong mà mình nổi cả da gà luôn ấy.” – Đó là những chia sẻ của bạn Kim Chi, sinh viên Khoa PTTH, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khi được hỏi về cảm nhận khi nghe những bài Rap nói trên.
Quả thực, việc đưa những từ ngữ thô tục, phản cảm, thiếu văn hóa vào trong một thể loại nhạc đang dần chiếm ưu thế là một điều không nên. Bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức, đến lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt; thậm chí là ảnh hưởng đến cả một nền văn hóa dân tộc.
Vậy, các nghệ sỹ trong cộng đồng Rap Việt cần làm gì để vừa đáp ứng thị hiếu, vừa giữ vững sự yêu mến của khán giả mà không làm mất đi những giá trị vốn có trong sáng tác của mình?
“Tác giả của những bài rap luôn luôn là rapper. Ví dụ khi mình viết nhạc cho mình nghe, mình muốn chửi sao thì chửi, mình muốn nói thẳng thì nói thẳng. Nhưng một khi đã đem lên cho đại chúng nghe thì cái chủ đề các bạn tiếp cận nó phải làm sao để được nhiều người họ đồng ý, họ cùng quan điểm, họ đồng cảm. Đó là cái thứ nhất.
Cái thứ hai, câu từ mà bạn tiếp cận phải làm sao để nó dễ nghe, dễ hiểu. Điều đó mới đánh giá được sự thành công của một bài nhạc rap và một người rapper. Bảo Kun nghĩ là như vậy.”
Đồng quan điểm với chàng ca sỹ trẻ, nhạc sỹ Dương Trường Giang bày tỏ thêm:
“Nghệ sỹ cần biết mình là ai, biết mình đang sống ở thời đại nào và biết rằng ở thời đại của mình mọi người đang nói ngôn ngữ gì. Rõ ràng với tất cả chúng ta, việc nói tục hay việc thiếu văn hóa chỉ là một sự lựa chọn. Và với nhạc sỹ cũng vậy, nhạc sỹ được quyền lựa chọn mình là một nghệ sỹ chân chính. Bạn đang đại diện cho âm nhạc thì bạn cần phải nói những ngôn từ đẹp đẽ để làm rõ mảng nghệ thuật của bạn, cũng như rõ văn hóa của thời kỳ bạn đang sống.
Vì vậy, Dương Trường Giang nghĩ rằng, việc đầu tiên là chúng ta phải giữ được cái chất cá nhân của mình và một cái tôi cá nhân thật tốt. Thứ hai là chúng ta hãy cập nhật xu hướng, chúng ta cập nhật những cái đẹp, cập nhật những điều mà xã hội đang muốn tích cực hơn. Đấy là cách mà chúng ta có thể giữ vững được những giá trị trong tác phẩm của mình”.
Sự lên ngôi của Rap ở thời điểm hiện tại sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những bạn trẻ đam mê dòng nhạc này. Bên cạnh đó, nó cũng là “mảnh đất màu mỡ” để các nghệ sỹ trẻ khẳng định tính nghệ thuật của Rap cũng như đưa rap Việt vươn tầm thế giới. Nhưng con đường nào cũng có chông gai. Chính vì vậy, những rapper nói riêng và người làm nghệ thuật nói chung hãy thật sự tỉnh táo, hãy hạn chế ở mức tối đa việc dùng những ngôn từ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Đó có thể là chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công sau này.