Đường tới chức vô địch (5)

Trận thắng “dằn mặt”

(Sóng trẻ)- Đó là thắng lợi vang dội nhất của Cầu Trâu cho đến thời điểm này và cũng là trận thua thảm hại nhất của Nhuệ Sâm - đội đang dẫn đầu giải. Theo cách nói của chủ tịch Trần Phúc Lỏi, đây còn là “trận dằn mặt” để cảnh cáo bất cứ

Đã gần một tháng trôi qua kể từ sau trận khai mạc trên chảo lửa làng Giềng. Giải bóng đá truyền thống hàng năm của huyện Sơn Đồng đã đi được một nửa chặng đường. Mặc dù chỉ là một giải cấp huyện nhưng Ban tổ chức đã tuân theo những thể thức của giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Khi kết thúc giải, tuy không có đội nào phải xuống hạng, nhưng vì danh dự nên cuộc ganh đua giành ngôi vị cũng rất quyết liệt. Trong chín năm qua, chỉ có một lần đội xã Nhuệ Sâm bất ngờ giành ngôi đầu, còn lại tám lần chỉ có hai đội Cầu Trâu và Phố Huyện thay nhau giành ngôi nhất nhì và điều thú vị là chia đều cho cả hai. Năm nay, một công ty Hàn Quốc do đã ký được hợp đồng thuê đất để xây dựng sân gôn quốc tế trên đất Sơn Đồng để nên họ đã đồng ý tài trợ cho giải bóng đá của huyện trong ba năm liền. Theo hợp đồng tài trợ này, phần thưởng dành cho các đội nhất, nhì, ba lên tới cả trăm triệu đồng nên các đội càng phấn khích. Đã xuất hiện những bất ngờ sau loạt trận lượt đi, trong đó bất ngờ lớn nhất là việc đội Nhuệ Sâm đã vượt qua cả hai đội đàn anh là Phố Huyện và Cầu Trâu để chiếm giữ ngôi đầu.

Nhuệ Sâm là một xã vùng đất bãi, nổi tiếng với làng nghề truyền thống chế biến nông sản. Các mặt hàng hành tỏi, bí đỏ sấy khô từ nơi đây không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã vươn xa tới các nước châu Âu, tới cả nước Mỹ. Chính cái nghề đó đã khiến cho Nhuệ Sâm trở thành một trong những xã giàu nhất huyện Sơn Đồng, trung bình h hàng năm mỗi hộ gia đìn ở đây có thu nhập khoảng gần bốn chục triệu đồng. Toàn xã đã hoàn thành hệ thống đường nhựa liên thôn từ năm năm qua, gần đây lại xây dựng xong hệ thống cống thoát nước thải nên vẫn giữ được môi trường rất sạch sẽ…

Ở Nhuệ Sâm cũng có một sân bóng đá được xây dựng trên bãi đất ven sông với một đoạn đê bao vòng xung quanh sân được tận dụng làm khán đài.  Sân này tuy không hoành tráng như sân vận động làng Giềng của Cầu Trâu, nhưng cũng đủ để góp phần khiến cho bóng đá xã này phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trở thành một thế lực bóng đá ở huyện Sơn Đồng. Những năm gần đây, đội tuyển của miền quê hành tỏi sấy khô này luôn luôn đe doạ giành ngôi vị thống soái của các đàn anh. Tuy nhiên, họ chỉ mới có một lần làm được và điều đó cũng đã cách đây ba năm.

Thế nhưng ở thời điểm này, họ đã vượt lên trên cả hai đội đàn anh và cách xa đội đứng cuối bảng là đội xã Mục Nhuận tới mười lăm điểm. Lý giải về điều đó, huấn luyện viên Thi “Béo” của Cầu Trâu cho rằng: “Có gì đâu, đội mình làm ruộng, chèo thuyền vận chuyển cát sỏi cả ngày, vận động quá nhiều nên ra sân thằng nào cũng oải, còn chúng nó ngồi bóc hành tỏi cả ngày nên tù túng, khi ra sân buộc phải vận động nhiều cho giãn gân giãn cốt, thành thử thằng nào chạy cũng nhanh!”.

Nhìn lại lượt đi, có thể thấy thành tích thi đấu của đội Cầu Trâu năm nay khá thất thường. Sau thất bại đáng buồn trong trận khai mạc, họ đã thắng giòn giã trong hai trận sau đó, rồi lại bị thua liên tiếp trong ba trận tiếp theo. Sau hai trận thắng, đến thời điểm này, đội vẫn chỉ đứng thứ ba, kém Phố Huyện ba điểm và bị đội Nhuệ Sâm bỏ xa tới bảy điểm. Như vậy là sau khi đã tiêu đến già nửa khoản tiền tài trợ của Công ty Sao Sáng, đội bóng Cầu Trâu vẫn chỉ đứng thứ ba trong số các đội dự giải.

Trong những thất bại của của Cầu Trâu ở lượt đi, có thể coi trận thua Nhuệ Sâm trên sân nhà thất bại đau đớn nhất. Ở thời điểm đó, Nhuệ Sâm tuy đã ở trong tốp đầu nhưng chưa ở vị trí cao nhất nên Cầu Trâu có phần coi thường họ. Ngay cả khi thủ thành Mãnh “chó” không thể tham gia thi đấu do bị một xe công nông cát sỏi đổ xuống chân gây chấn thương, huấn luyện viên Thi “béo” vẫn không lo lắng gì. Thậm chí, anh còn yêu cầu các cầu thủ đội nhà “Chỉ cần dằn mặt chúng nó vài ba bàn là đủ!”. Tuy nhiên, trên sân vận động làng Giềng trong buổi chiều mưa tầm tã ấy, Nhuệ Sâm đã thể hiện một phong cách khác hẳn. Họ đá hào hứng, phối hợp rất hiệu quả ở cả ba tuyến và sau 90 phút thi đấu đã gửi tặng vào lưới của Cầu Trâu tới năm quả, trong khi Cầu Trâu chỉ gỡ lại được một bàn nhờ tài ngã trong vòng cấm của tiền đạo Lan Tằn. Sau trận đại bại, người ta đành phải hài lòng với cách lý giải của huấn luyện viên Thi “béo”: “Chúng nó ở vùng đất bãi, hợp với nước nên càng mưa đá càng hay. Hôm ấy mà không mưa, tụi này cho lãnh đủ!”. Mặc dù vậy, thất bại vẫn là thất bại.

Ở lượt về nay, ngay trong trận mở đầu, Cầu Trâu sẽ gặp lại Nhuệ Sâm đang xênh xang trên vị trí dẫn đầu. Mặc dù trận này sẽ diễn ra trên sân khách, nhưng đây chính là cơ hội ngàn vàng để Cầu Trâu cho gã đàn em mới lớn này một bài học nhớ đời. “Phóng độ chỉ là nhất thời. Đẳng cấp là vĩnh viễn”. Thuận lợi lớn của Cầu Trâu là tất cả các cầu thủ đều đang sung sức và náo nức muốn đòi nợ cũ. Phải cho Nhuệ Sâm hiểu rằng để có thể đánh bại được một nền bóng đá có bề dày truyền thống và đã có những thành công vang dội không phải là chuyện một sớm một chiều. Cầu Trâu vẫn sẽ là một thế lực bóng đá hàng đầu của Sơn Đồng.

Dân Nhuệ Sâm cũng nổi tiếng là mê bóng đá nhưng vẫn thua Cầu Trâu về khâu tổ chức. Cứ nhìn vào sự chuẩn bị của Cầu Trâu cho trận đấu này khắc biết. Vẫn là cái không khí sôi sục chẳng kém so với trận khai mạc trên chảo lửa làng Giềng hôm nào. Xã lại họp khẩn cấp. Các ban, ngành, đoàn thể đều nhất loạt triển khai các phương án phối hợp đồng bộ. Những chiếc trống của thiếu nhi bị rách mặt được sửa chữa hoặc bổ sung thêm. Toàn bộ số cờ, biểu ngữ, băng rôn, loa mo cau, thùng sắt rỗng cất trong kho của xã lại được xuất ra phân phát cho các nhóm cổ động viên ở từng thôn theo danh sách. Một nghìn cổ động viên đi bằng xe đạp và xe công nông sẽ đến sân bóng đá Nhuệ Sâm trước trận đấu ít nhất là một giờ đồng hồ. Đoàn thanh niên thuê một xe tải chở trứng thối, túi bùn cùng đi. Do không phải làm quảng cáo nên toàn bộ số nhân lực làm công việc này hôm trước cùng với đội văn nghệ xã sẽ được huy động để bám theo khung thành đối phương với nhiệm vụ duy nhất là làm cho thủ môn của họ rối trí. Rút kinh nghiệm những lần trước, nhóm chịu trách nhiệm ném trọng tài được chọn lọc lại để đảm bảo tìm ra những người có trình độ và tay nghề tốt nhất…

Ngay từ buổi trưa của ngày thi đấu, mặc dù đang là mùa Hè nhưng bầu trời lại trở nên u ám khác thường. Có vẻ như ông Trời lại muốn ủng hộ đội bóng vùng đất bãi ven sông bằng cách xả xuống một trận mưa như lần trước. Nhưng tất nhiên, điều đó không thể ngăn cản nổi một nghìn con người hừng hực khí thế từ Cầu Trâu dồn về Nhuệ Sâm. Từ khắp các ngả đường, từng đoàn xe đạp nối đuôi nhau xen lẫn với xe công nông phun khói mù mịt thẳng tiến đến sân vận động bên sông. Cổ động viên Cầu Trâu nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí, hình thành một khối vững chắc trên khán đài. Mặc dù về số lượng, họ chỉ bằng một nửa số cổ động viên Nhuệ Sâm, nhưng về chất lượng thì chưa biết ai hơn ai. Về điều này, chính bí thư Tốn của Cầu Trâu đã từng tự hào tuyên bố: “Nếu chỉ xét riêng một cổ động viên Cầu Trâu thì cũng chỉ tương đương với một cổ động viên nơi khác, nhưng năm cổ động viên Cầu Trâu phối hợp với nhau sẽ có sức mạnh bằng mười lăm cổ động viên của nơi khác”...

Sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài chỉ độ mươi phút, trời thực sự đổ mưa rào. Trận mưa dữ dội đã nhanh chóng biến trận bóng thành một trận thuỷ chiến. Ngay cả khi mưa đã tạnh hẳn và trời đã nắng trở lại, trận thuỷ chiến ấy vẫn tiếp diễn vì sân bóng trên đất bãi vẫn ngập đầy nước. Quần áo của các cầu thủ hai đội lấm bùn đến mức không thể phân biệt được màu vàng của Cầu Trâu với màu xanh của Nhuệ Sâm.. Do hai đội không có quần áo dự trữ để thay nên trước khi bước vào hiệp hai, sau khi hội ý, ban tổ chức trận đấu quyết định cho phép đội Cầu Trâu được cởi trần để trọng tài không bị nhầm lẫn. Hiệp một đã kết thúc mà không có bàn thắng nào

Và chính trong trận đấu với những cầu thủ cở trần ấy, đội Cầu Trâu bỗng vụt trở nên biến đổi, trở nên mạnh mẽ khác thường. Những tấm lưng đen bóng nhẫy luồn qua đội hình Nhuệ Sâm dễ dàng như lươn chui trong bùn. Không theo bất cứ một sơ đồ chiến thuật nào, các cầu thủ đẫm mình trong bùn đất, lao về phía khung thành đối phương và chỉ trong ba mươi phút cuối của hiệp hai, họ đã ghi liền một mạch bảy bàn thắng mà vẫn giữa được lưới nhà sạch nguyên. Trong đó, riêng tiền đạo Lan Tằn đã ghi liên tiếp ba bàn, lại do khéo ngã trong vòng cấm để kiếm thêm một bàn nữa từ quả phát đền ở phút tám chín, vị chi là bốn bàn.

Đó là thắng lợi vang dội nhất của Cầu Trâu cho đến thời điểm này và cũng là trận thua thảm hại nhất của Nhuệ Sâm - đội đang dẫn đầu giải. Theo cách nói của chủ tịch Trần Phúc Lỏi, đây còn là “trận dằn mặt” để cảnh cáo bất cứ đội nào dám nghĩ đến chuyện ngăn cản Cầu Trâu bước đến ngôi vô địch.

Lam Thanh Kỳ Tử
 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN