Fake news trên không gian mạng là cơ hội của báo chí trong tương lai
Ngày 13/06, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức khóa học bồi dưỡng chuyên sâu "Nhận diện tin giả và An toàn thông tin trên mạng xã hội". Trong ngày đầu tiên, dưới sự dẫn dắt của nhà báo Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, các học viên cùng nhau thảo luận về những thách thức và giải pháp cho báo chí trong "thời đại thông tin giả".
Mạng xã hội “chen chân” vào những lỗ hổng mà báo chí chưa làm được
Mở đầu buổi học, các nhà báo đã cùng trao đổi về những thách thức mà báo chí đang đối mặt trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội. Nền tảng này len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, trở thành kênh thông tin và giải trí không thể thiếu cho người dân. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là sự bùng nổ của tin giả, sai lệch.
Ông Vũ Văn Lịch - Thành viên Ban chỉ đạo 35, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Mạng xã hội đã đặt báo chí vào thế khó, khi phần nào lấy đi niềm tin của công chúng, lấy đi vai trò định hướng dư luận và cung cấp thông tin nhanh chóng, thời sự vốn là thế mạnh của báo chí”.
Đồng quan điểm, tại khóa học, nhà báo Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cũng cho rằng: “Mạng xã hội đã “chen chân” vào những lỗ hổng mà báo chí chưa làm được. Báo chí Việt Nam vốn có chức năng là diễn đàn của nhân dân, nhưng báo chí hiện nay đang "một chiều", thiếu tính tương tác, chưa thực sự lắng nghe ý kiến của công chúng. Trái lại mạng xã hội lại đang làm tốt điều này.”
Nhà báo cần trở thành người “gác cổng thực sự”
Kinh qua nhiều vị trí công tác chủ chốt, Nhà báo Trần Ngọc Hà đã hệ thống lại những quy tắc để thẩm định thông tin, giúp nhà báo "miễn dịch trước những thông tin sai lệch.
“Muốn làm nhà báo tốt thì phải hiểu luật” - Ông Ngọc Hà nhấn mạnh đến Nghị định 72/2013: “Nghị định này quy định chi tiết việc bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet”
Để lấy lại niềm tin từ công chúng, báo chí cần quay lại bản chất cốt lõi của báo chí là sự minh bạch, trung thực và khách quan trong việc đưa tin. Đặc biệt, báo chí cần “chăm sóc”, lắng nghe ý kiến của công chúng, tạo diễn đàn để người dân có thể bày tỏ quan điểm và phản hồi thông tin.
Đặc biệt, nhà báo Ngọc Hà khẳng định, trong thời đại thông tin bùng nổ, nhà báo cần đọc nhiều, hiểu nhiều để có tư duy logic, phản biện và sự nhạy bén, tránh sa vào "cạm bẫy" tin giả.
"Trên đời này, mọi thứ đều đáng được nghi ngờ, duy chỉ một điều không được phép nghi ngờ là 'tôi đang nghi ngờ'", nhà báo Trần Ngọc Hà nhấn mạnh.
Khóa bồi dưỡng "Nhận diện tin giả và An toàn thông tin trên mạng xã hội" là hoạt động thiết thực, nhằm giúp các nhà báo nâng cao nhận thức và kỹ năng trong việc xác minh thông tin. Đây là bước quan trọng để báo chí lấy lại niềm tin từ công chúng và khẳng định vai trò của mình trong xã hội hiện đại.
Khóa học sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày mai (14/06/2024) với nhiều nội dung chuyên sâu khác.