Giảm gánh nặng môi trường từ mô hình trồng nấm hữu cơ trong nhà kín
(Sóng trẻ) – Tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội, mô hình nông nghiệp hữu cơ đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống kinh tế người dân. Điển hình là gia đình chị Đỗ Thị Thúy, người tiên phong phát triển mô hình trồng nấm rơm trong môi trường kiểm soát, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Hiệu quả kinh tế từ nấm rơm trong nhà kín
Từng là một tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ Vồi, xã Hà Hồi, chị Đỗ Thị Thúy đã quen thuộc với cảnh chợ tấp nập kẻ mua người bán. Thế nhưng, khi công việc kinh doanh quần áo dần gặp khó khăn, chị bắt đầu suy nghĩ đến việc chuyển hướng sang một lĩnh vực mới.
Trong quá trình buôn bán tại chợ, chị Thúy có cơ hội tiếp xúc với nhiều tiểu thương và các chủ trang trại rau, nấm ở địa phương cũng như các huyện lân cận. Những cuộc trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm đã giúp chị nhận ra một điều: nhu cầu về nấm sạch trên thị trường đang rất lớn, trong khi nguồn cung tại khu vực Hà Nội đang còn rất hạn chế.
Nhận ra đây là cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng, chị bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về nấm sạch và quyết tâm xây dựng mô hình nông nghiệp mới. "Ở đây, trước kia cũng có một số hộ làm nấm nhưng còn nhỏ lẻ, chưa có trại lớn, tập trung được nguồn lực cũng như quy mô. Thế nên tôi bàn với chồng và gia đình tôi quyết tâm trồng nấm sạch", chị Thúy kể.
Chị Thúy lựa chọn mô hình trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau thời gian nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nông nghiệp bền vững, chị quyết định đầu tư trồng nấm rơm trong môi trường kiểm soát. “Trồng nấm trong nhà kín giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm tốt hơn, đảm bảo chất lượng nấm ổn định quanh năm. Hơn nữa, phương pháp này rất an toàn, không sử dụng hóa chất”, chị Thúy cho biết.
Xây dựng chu trình nông nghiệp tuần hoàn
Nhà trồng nấm của chị Thúy được thiết kế khép kín với hệ thống giữ ẩm tự động và vải thừa từ các xưởng may địa phương làm mái che. Những tấm vải thừa không chỉ giúp duy trì độ ẩm cho nấm sinh trưởng mà còn góp phần tái chế rác thải từ nghành công nghiệp may mặc, giảm áp lực lên môi trường.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, gia đình chị Thúy còn tối ưu hóa chu trình nông nghiệp bằng cách sử dụng phụ phẩm từ nấm rơm làm phân bón hữu cơ cho vườn rau. Đây là giải pháp vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
“Sau mỗi vụ nấm, phần chân nấm hay rơm thừa đều được ủ thành phân bón. Phân này không chỉ giúp rau phát triển tốt mà còn thân thiện với môi trường” chị Thúy cho biết.
Ngoài ra, chị Thúy còn tận dụng mùn cưa, phế phẩm từ ngành lâm nghiệp, làm giá thể trồng nấm. Mùn cưa được xử lý để đạt độ ẩm phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Việc sử dụng các phụ phẩm từ ngành gỗ và may mặc, như mùn cưa và vải thừa, không chỉ giảm áp lực lên môi trường mà còn tạo ra nguồn nguyên liệu giá rẻ cho sản xuất. Chất đốt từ gỗ thừa của các xưởng mộc được sử dụng để duy trì nhiệt độ trong nhà trồng nấm, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải.
Nhờ áp dụng các biện pháp này, chị Thúy đã xây dựng thành công một mô hình sản xuất khép kín, hạn chế tối đa rác thải và nâng cao giá trị kinh tế cho từng sản phẩm. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Hiện tại, Trại nấm Bảo Anh của chị Thúy là một trong những mô hình làm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP có tiếng trên địa bàn xã Hà Hồi và huyện Thường Tín. Với quy mô 4.000m2 chuyên trồng nấm sò và mộc nhĩ, hàng năm, cơ sở thu hoạch hơn 40 tấn cung cấp cho các siêu thị lớn, nhà hàng và khách sạn có nhu cầu đặt mua.
"Giờ đây, mọi việc của trại nấm đi vào ổn định, chất lượng sản phẩm tốt đã có giấy chứng nhận đầu ra cũng được các tiểu thương và người tiêu dùng trên địa bàn tin tưởng, đón nhận nên hàng làm ra đến đâu là hết đến đó", chị Thúy phấn khởi cho biết.