Giờ đây chỉ còn sự níu giữ vô vọng
(Sóng trẻ) - Con tự trách mình tại sao cho tới tận bây giờ con mới có thể nói với mẹ những lời yêu thương mỗi ngày , tặng mẹ món quà, vòng tay ôm xiết chặt vào những ngày đặc biệt nào đó.
Có thể là ngày mẹ sinh ra, có thể là ngày kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ - những ngày mà trước đó một đứa con trai như con không hề biết hay quan tâm tới, thậm chí chỉ đơn giản là câu chúc vào ngày 8 tháng 3 – ngày mà mọi phụ nữ trên thế giới đều được tôn vinh để giờ đây mẹ bắt con nhớ thêm một ngày nữa. Đó là cái ngày mà mẹ không có quyền lựa chọn là phải rời xa con mãi mãi để trở về một cõi vĩnh hằng nào đó nơi mà con chưa từng đặt chân tới, mẹ để lại cho con một điều duy nhất đó là nỗi nhớ mẹ da diết.
Mỗi sáng thức dậy, mở tung cánh cửa phòng để mặc cho những dòng nắng chảy vào căn phòng rồi mon men bò lên giường, những tia nắng đang chen lấn nhau qua ngách nhỏ của cánh cửa rọi lên khuôn mặt mẹ đang cười trong khung ảnh kỷ niệm của hai mẹ con đặt ở trên bàn. Giờ đây thay vì cáu gắt với mẹ mỗi khi bị mẹ lôi ra khỏi giấc mơ còn dang dở, con nhìn vào ánh mắt trìu mến của mẹ và mỉm cười chào đón một ngày mới.
Giờ đây con có thể tâm sự và nói chuyện với mẹ nhiều hơn khi đặt bút viết lên những dòng nhật ký bên trong cuốn sổ tay mẹ đã từng tặng con mà ở đó mẹ sẽ là người nắm giữ và ôm trọn mọi cảm xúc của con. Giờ đây con có thể ôm mẹ thật nhiều thật chặt và cảm nhận hơi ấm từ mẹ khi thả mình dang tay ôm sấp lên đám cỏ dại mọc trên mộ mẹ hòa cùng mùi khói hương và vẻ thanh tịnh của khu nghĩa tranh để mặc cho sự yếu đuối , nổi nhớ mẹ chảy trong những giọt nước mắt mặn.
Nhưng tất cả chỉ là những cảm xúc được con tìm thấy trong tim còn thực tại thì thật đáng thương, con thèm khát được ôm mẹ chỉ một lần thôi, con thèm đến tê tái tiếng gọi mẹ nhưng rồi tiếng gọi cũng bay vào khoảng không hay có khi vọng trở lại phía con vì đâu có ai trả lời, con thèm đến điên dại được nắm bàn tay chai sần vì năm tháng của mẹ. Biết làm sao đây đã không còn nữa, con chỉ có thể ngồi gặm nhấm trong cuộc hẹn với những kỷ niệm. Con nhớ!
Nhớ mỗi buổi chiều tan học mẹ đèo con trên chiếc xe đạp cũ , con kể cho mẹ nghe chuyện ở lớp và mẹ nói con là một đứa nghịch ngợm. Con hát cho mẹ nghe những bài hát không tên nhưng đủ làm mẹ cười suốt cả chặng đường về. Con có thể chạy tung tăng trên đám cỏ khô hay thậm chí nằm lên nó và rồi mẹ sẽ nói nó sẽ làm bửn áo con. Con giận dỗi hay thậm chí là khóc thét lên khi mà mẹ không cho con đi chợ để rồi mẹ sẽ dỗ dành con và hứa sẽ mua cho tôi cái bánh rán.
Giờ đây chỉ còn sự níu giữ vô vọng (ảnh minh họa Internet)
Khi đó con đâu biết cái gọi là tình thương. Để rồi con chỉ biết trách mẹ sao không mua cho con chiếc cặp sách mới mà không biết mẹ đã phải vất vả biết bao nhiêu để nuôi con ăn học. Con chỉ biết nhận sự chăm sóc của mẹ mỗi khi con ốm mà chưa từng nấu cho mẹ bát cháo khi mà sự vất vả, thiếu thốn khiến mẹ đổ bệnh. Con chỉ biết vui đùa và nhận những món quà từ mẹ vào ngày quốc tế thiếu nhi mà chưa từng tặng mẹ bông hoa vào ngày 8 tháng 3.
Khi đã đủ nhận thức để cảm nhận được tình yêu thương của mẹ con tự cho mình lý do là vì trước đó con còn quá nhỏ để trao tặng yêu thương cho ai đó, ừ thì như vậy nhưng rồi thời gian cứ trôi đi con lại tự đặt ra cho mình một lý lẽ rằng hoàn cảnh của một làng quê – nơi mà bóng dáng của sự bộc bạch, thổ lộ không tồn tại đã không cho con cái quyền được nói trực tiếp lời yêu thương đối với người khác .
Con dần lao vào thế giới của riêng mình và đôi khi còn tạo nên lớp vỏ bọc để tránh mẹ bước vào thế giới của mình. Những cuộc nói chuyện giữa con và mẹ dần ít đi, con không còn kể cho mẹ nghe chuyện trường lớp, con đã không còn hát cho mẹ nghe, con đã không còn đi khắp nơi cùng với mẹ. Con thì bận rộn với công việc học tập và những cuộc vui chơi cùng bạn bè còn mẹ thì chạy đua với thời gian xoay quanh những công việc không tên.
Đôi khi cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con lại chính là lúc con vô tình ném sự tức giận và nông nổi của một thành con trai mới lớn vào tim mẹ do sự bất đồng quan điểm và rồi con tự giải thoát mình bằng cách chạy, chạy đi khỏi cái nhìn sững sờ của mẹ.
Và cũng đến lúc con phải đặt chân lên chuyến tàu mang tên cuộc đời khi con bước vào đại học học con chọn cách lao vào lối sống của người thành thị, một lối sống cởi mở mà ở đó con học được cách thể hiện tình cảm với mọi người, con có thể nói, có thể bằng hành động cho họ thấy là con yêu họ hay quý mến họ như thế nào nhưng tại sao con lại không làm được điếu đó khi đứng trước mẹ.
Thậm chí đôi khi con cho mình cái quyền cả tuần không phải gọi điện về cho mẹ nếu không có việc gì quan trọng. Có những lúc cuộc sống tự lập đẩy con vào những rắc rối, con cảm nhận được nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ nhưng cũng chỉ trong phút chốc không đủ để con lấy hết can đảm gọi điện chỉ nói một câu: con nhớ nhà, nhớ mọi người và nhớ mẹ nhiều lắm.
Con đã phải hối hận khi nhận được tin mẹ bị tại nạn giao thông, giờ đang phải cấp cứu trong bệnh viện từ cuộc điện thoại của bố. Khi đó nài trời cũng đang mưa như trút nước, con như một kẻ vô thức bị ai đó đẩy vào trong một cơn ác mộng khủng khiếp mà không quên xóa sạch mọi suy nghĩ của con, con thậm chí còn không quan tâm mình đang ở đâu và làm gì nữa.
Con chỉ biết lao vội ra đường để mặc cho những hạt mưa táp vào mặt vào người rồi xuyên vào tim đau, dát sau đó ném mình vào chiếc taxi mà không quên mang theo vẻ mặt của sự thẫn thờ, ngạc nhiên cùng với những câu nói của bố vẫn còng văng vẳng bên tai. Nhưng cũng đá quá muộn, mẹ đã không thể nghe được tiếng đứa con trai gọi nữa. Những ngày sau đó con nhốt mình trong phòng, ký ức như những mảnh dao găm cứ ùa về cựa quậy khiến con có cảm giác như trái tim mình đang dỉ máu.
Thời gian dường như cũng bỏ quên con trong căn phòng còn xót lại chút hơi ấm của mẹ, con đang cố níu giữ một chút gì đó trong hình dáng mẹ, nụ cười mẹ, vòng tay mẹ ôm con vào lòng, tình thương và những lời dạy dỗ của mẹ dành cho con trong suốt cuộc đời nhưng cũng chỉ là sự níu giữ trong vô vọng.
Năm tháng trôi qua, thời gian đã cuốn trôi nhiều kỉ niệm trở về quá khứ nhưng tình thương của con dành cho mẹ thì vẫn mãi tồn tại và lớn dần trong tim con.
Trần Thị Hạnh
Quay phim truyền hình K32
Cùng chuyên mục
Bình luận