Hành trình trở về “gốc” -  Kỳ 2: “Chìa khóa” điều trị tới từ những chi tiết nhỏ

(Sóng trẻ) - Những nỗ lực không ngừng của đội ngũ chuyên gia đã viết nên câu chuyện về lòng kiên nhẫn, sự đồng cảm và hy vọng trong công cuộc bảo tồn động vật hoang dã.

Từng bước xây dựng mối quan hệ 

ba-n-chie-u8.JPG
Nơi Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội chữa trị cho các loài động vật đang được chăm sóc tại đây. (Ảnh: Thanh Hà)

Anh Harold Browning (tên thân mật là “Harry”) - Chuyên gia cố vấn phúc lợi động vật người Anh cho biết, về quy trình cơ bản, động vật hoang dã được đưa về trung tâm thường bị nhiều tổn thương do nuôi nhốt hoặc săn bắt. Nhiệm vụ đầu tiên của các nhân viên tại đây chính là cách ly các loài động vật này để đảm bảo chúng không lây bệnh cho các cá thể khác. Bước này rất quan trọng nhưng thường bị các cơ sở khác ở Việt Nam bỏ qua do thiếu kỹ năng, kỹ thuật và cơ sở vật chất.

Sau khi đủ điều kiện, động vật sẽ được chuyển vào khu chuồng được thiết kế riêng cho từng loài. Môi trường sống và chăm sóc sức khỏe có liên quan mật thiết với nhau, vì vậy thiết kế chuồng trại phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu tự nhiên của từng loài.

Các khu chuồng phải phù hợp với tập tính của loài, để động vật có thể thực hiện các hành vi tự nhiên. Song song với việc sống trong môi trường phù hợp, các chuyên gia sẽ tiến hành khám chữa các vấn đề sức khỏe sâu hơn. Quá trình điều trị cũng giống như ở bệnh viện, có bác sĩ chẩn đoán và điều trị, có thể bao gồm uống thuốc lâu dài hoặc vật lý trị liệu. Việc khám sức khỏe định kỳ cũng được thực hiện tùy theo loài và tình trạng của từng cá thể.

ba-n-chie-u9.JPG
Bác sĩ thú y khám bệnh cho cá thể hồng hoàng tại Nhà chữa bệnh ĐVHD. (Ảnh: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)

Về sức khỏe tâm lý, mỗi cá thể có thể có mức độ tổn thương khác nhau. Nhiều cá thể phục hồi nhanh chóng nhưng cũng có những cá thể bị tổn thương sâu sắc từ nhỏ do thiếu mẹ hoặc bị bạo hành, dẫn đến các hành vi kỳ lạ. Nhiệm vụ của các chuyên gia phúc lợi động vật là phát hiện và điều chỉnh những hành vi đó.

Ví dụ, có một cá thể khỉ đuôi lợn ở trung tâm thường ôm đầu khi gặp người lạ. Đây là hành vi bất thường, có thể do trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Các chuyên gia phải điều chỉnh cách làm việc, ví dụ chỉ phân công một người phụ trách cá thể này để giúp chúng quen dần với việc chăm sóc và giảm bớt căng thẳng.

Động vật được giải cứu thường mắc các bệnh tâm lý như căng thẳng kéo dài. Đây là tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều hệ lụy về thần kinh, sức khỏe và tâm lý. Những chuyên gia như anh Harry phải đánh giá mức độ căng thẳng của từng cá thể dựa trên hành vi của chúng, từ đó điều chỉnh chế độ chăm sóc để giúp chúng vượt qua.

Anh cho biết: “Mỗi loài động vật lại có những dấu hiệu và ảnh hưởng khác nhau. Ví dụ, có nghiên cứu trên giun đất cho thấy nếu chúng bị tổn thương, sang chấn đó có thể di truyền qua gen đến 9 thế hệ sau. Vậy đối với những loài động vật có hệ thần kinh và cơ thể phức tạp hơn, mức độ tác động sẽ còn lớn hơn rất nhiều”.

ba-n-chie-u10.JPG
Anh Harold Browning (hay còn được biết với cái tên “Harry”) là chuyên gia phúc lợi động vật tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. (Ảnh: Kiều Kiên)

Anh Harry kể, trước đây, trung tâm từng tiếp nhận một cá thể vượn bình thường, nhưng mỗi khi được cho ăn cà rốt, nó lại nhảy dựng lên. 

“Có thể trong quá khứ, nó đã bị trêu đùa hoặc đánh đập bằng cà rốt. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng những chi tiết nhỏ nhặt như vậy đều có thể gây sang chấn tâm lý. Vì vậy, các nhân viên chăm sóc phải kiên nhẫn ngồi với nó, cho nó ăn cà rốt để chứng minh rằng không có chuyện gì xấu xảy ra cả”, anh phân tích. 

Tương tự, có một cá thể gấu tên Dương từng bị nuôi nhốt và đối xử không tốt. Trung tâm đã phải dành một tháng trời để giúp Dương không còn sợ người, để các nhân viên có thể chăm sóc và di chuyển Dương sang khu vực khác. Ngay cả những việc đơn giản như cho ăn hay lau dọn cũng trở nên khó khăn khi động vật bị sang chấn. Vì vậy, nhiều khi các chuyên gia phải tìm cách để động vật hợp tác với mình trong quá trình chăm sóc. 

ba-n-chie-u11.JPG
Thời gian cần để phục hồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tính cách của từng cá thể, những gì đã xảy ra trong quá khứ, mức độ nghiêm trọng của sang chấn, và nhu cầu của cá thể đó. (Ảnh: Thanh Hà)

Bên cạnh đó, nếu trung tâm dự định thả cá thể đó về tự nhiên trong tương lai gần, việc xây dựng mối quan hệ gắn bó với người chăm sóc là không cần thiết. Có rất nhiều yếu tố để các chuyên gia quyết định cách xây dựng mối quan hệ phù hợp với từng cá thể động vật, thay vì lúc nào cũng coi chúng là bạn. Trong nhiều tình huống, việc quá thân thiết với con người cũng không tốt cho chúng.

“Những chi tiết nhỏ như vậy, liên quan đến hành vi của loài và đặc điểm không gian sống, có thể mang lại kết quả rất khác nhau. Chúng tôi phải luôn chú ý đến những chi tiết này”, chuyên gia phúc lợi động vật cho hay.

Cẩn thận gỡ rối những “nút thắt” tâm trí

Tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội, các chuyên gia sử dụng các phương pháp liên quan đến hành vi và môi trường sống. Việc thay đổi môi trường sống sẽ giúp động vật tự điều chỉnh hành vi một cách tự nhiên, thay vì can thiệp bằng thuốc mà chưa biết rõ kết quả và hậu quả. Cách này mất nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng về lâu dài, nó tốt hơn cho tinh thần và sức khỏe của động vật. 

Cho đến nay, trung tâm chưa gặp phải trường hợp nào cần can thiệp y tế khẩn cấp do động vật có phản ứng quá khích. Ngay cả với những trường hợp khó khăn nhất, họ vẫn tìm ra cách điều chỉnh hành vi của động vật thành công. Ví dụ, những cá thể gấu từng bị nuôi nhốt lâu ngày và biểu hiện các hành vi bất thường như cắn thanh sắt, đập đầu, gãi liên tục, nhổ lông… đều đã được giúp đỡ để khắc phục những vấn đề này. Do đó, họ cho rằng việc can thiệp bằng thuốc tiềm ẩn nhiều mặt trái và chưa muốn áp dụng trên động vật của mình.

ba-n-chie-u12.JPG
Khoa học chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả và tác động lâu dài của việc sử dụng hóa chất hoặc thuốc can thiệp vào tâm lý của cả con người và động vật. (Ảnh: Thanh Hà)

Mặc dù vậy, Harold cũng nhận thấy rằng trong tự nhiên, động vật cũng có xu hướng tìm kiếm các chất kích thích. Ví dụ, voi đôi khi tìm hoa quả lên men để “say”, cá heo có thể “nghịch” cá nóc để chất độc tiết ra như một dạng thuốc an thần, v.v. Động vật hoang dã đã tự tìm đến những loại “thuốc” tự nhiên, và hệ sinh thái tự nhiên có cơ chế cân bằng. Tuy nhiên, việc con người sử dụng hóa chất can thiệp vào quá trình này lại là một vấn đề khác.

Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một số loài động vật biết cách sử dụng cây cỏ thảo dược để tự chữa bệnh. Động vật có thể bằng cách nào đó nhận biết được tác dụng của các loại cây này. 

Hiện tại, nhóm phúc lợi động vật của trung tâm đang có kế hoạch trồng thử nghiệm một số loại thảo mộc trong chuồng động vật để quan sát phản ứng của chúng. 

ba-n-chie-u13.JPG
“Điều trị hành vi cho động vật là một lĩnh vực phức tạp và còn nhiều điều cần nghiên cứu thêm”, chị Thùy Linh (Trợ lý của anh Harold Browning, thành viên nhóm chuyên gia phúc lợi động vật) cho biết. (Ảnh: Kiều Kiên)

Harold và nhóm của anh luôn cập nhật các tài liệu khoa học mới và tìm hiểu các thành tựu khoa học để áp dụng vào công việc. Do diện tích trung tâm có hạn, họ phải không ngừng sáng tạo trong việc thiết kế môi trường sống cho động vật, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của chúng.

Khi thiết kế chuồng trại, họ luôn quan sát hành vi tự nhiên của loài đó để hiểu rõ nhu cầu về không gian, độ cao, độ rộng… rồi tìm cách đáp ứng trong điều kiện cho phép. Ví dụ, một chiếc chuồng cao 6 mét dành cho vượn là kết quả của việc áp dụng kiến thức khoa học về loài này, kết hợp với điều kiện thi công ở Việt Nam. Hay việc sử dụng nhựa tái chế thay cho gỗ vừa tiết kiệm chi phí, vừa dễ lau chùi cũng là một ví dụ khác về sự ứng dụng sáng tạo.

Các chuồng trại được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt để có thể tiếp nhận và cứu hộ nhiều loài khác nhau. Nội thất chuồng được thiết kế thay đổi linh hoạt để phù hợp với từng loài. Việc phân khu, chia ô và luân chuyển các chuồng giúp đảm bảo công tác cứu hộ hiệu quả và phúc lợi động vật.

Như vậy, việc phục hồi những tổn thương tâm lý cho động vật hoang dã là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự chuyên nghiệp và cần có sự tham gia của các chuyên gia. 

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là không phải trung tâm cứu hộ nào cũng có được sự hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế về lĩnh vực phúc lợi động vật. Chính sự hợp tác này sẽ là cầu nối để các trung tâm tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến, những phương pháp chăm sóc hiện đại nhất.

Bên cạnh đó, sự phối hợp với các nhà khoa học trong các hoạt động khảo sát, đánh giá và tái thả động vật hoang dã cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần vào sự thành công trong công tác cứu hộ và bảo tồn động vật.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN