Hát Dô - Nét đẹp dân gian của người dân xã Liệp Tuyết
(Sóng trẻ) - Hát Dô ở xã Liệp Tuyết là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian rất đặc biệt, được ra đời trên mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Điệu hát Dô gắn liền với việc thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “tứ bất tử” của người Việt.
Hát dô là một loại hình diễn xướng dân gian, gắn với lễ hội đền Khánh Xuân (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh. Không biết có từ bao giờ, cứ 36 năm, hội hát dô mới được tổ chức một lần. Trước kỳ tổ chức hội hát, đền Khánh Xuân mở cửa để dân làng làm lễ xin thánh cho mở sách, sao chép bài hát để kén người tập luyện.
Hát Dô có từ lâu đời, không ai còn nhớ chính xác có từ bao giờ, chỉ biết là hội Hát Dô cuối cùng được tổ chức vào năm 1926. Từ đó đến nay, hội Hát Dô không được thực hiện trong cộng đồng, nên việc tổ chức thực hành bị gián đoạn.
Hát Dô có 3 kiểu hát: Hát Thờ (hát trong đền), hát Trúc và hát múa Bỏ Bộ (hát ngoài sân đền). Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Chỉ mộc mạc, giản dị vậy thôi, mà Hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài.
Nội dung chủ yếu của các bài hát là cầu mong sự bình yên che chở của vị Thánh mà họ ngưỡng mộ, mong muốn một năm làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó là những câu hát về bốn mùa, về các loài hoa, nói lên khát vọng của con người trong việc nhận thức về thế giới tự nhiên.
Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Lan - người có công khôi phục lại hát Dô chia sẻ: Hát Dô có trên 20 làn điệu có âm hưởng dân ca mang tính nghi lễ với các thể loại: Hát Thờ, hát Chúc, hát múa Bỏ bộ. Hát Dô có sự kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo làm nên đặc sắc của một loại hình văn hóa tổng hợp.
Vào năm làng mở hội, từ tháng Tám âm lịch đã mở cửa đền làm lễ xin thánh cho mở sách hát. Các thôn tuyển chọn các nam thanh nữ tú, không có “bụi” (tang ma, lao lý) vào tập hát. Sau khi hết hội, dân làng lại làm lễ xin cất sách vào tráp, đúng 36 năm sau mới được mở lại.
Trong đội hình múa hát, có 1 - 2 người làm “cái hát” (lĩnh xướng, chỉ huy), 8 - 20 nữ làm “con hát” (bạn nàng) để đồng ca và múa phụ họa. “Bạn nàng” tóc vấn đuôi gà, cổ đeo chuỗi hạt vàng, mặc áo năm thân đóng mớ ba, đi dép cong, cầm quạt. Trên ngón tay đeo nhẫn còn có một túi vải màu hình múi cam, có tua chỉ ngũ sắc. “Cái hát” xướng, “con hát” vừa hát vừa múa phụ họa nội dung từng đoạn như chèo đò, bắn cung, hái hoa, dệt cửi...
Lời ca trong hát Dô có nội dung ca ngợi công đức của Tản Viên Sơn Thánh, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần cộng đồng của người dân vùng lúa nước, tình yêu đôi lứa,... NNND Nguyễn Thị Lan cho biết: “Một thời làn điệu hát Dô nổi tiếng khắp xứ Đoài. Từng lời thơ mộc mạc, gần gũi, thanh cao. Toàn bộ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân xã Liệp Tuyết chúng tôi đều được thể hiện trong từng lời hát Dô”.
Trong nhà bà Lan đầy những sổ sách ghi lại những tư liệu xưa, những cung cách tổ chức. Sau khi cùng các cháu nhỏ luyện tập, phải đợi các cụ cao niên “duyệt” nữa thì mới coi như khôi phục xong. May sao, trong quá trình ấy thì cuốn sách thờ được tìm lại, việc sưu tầm tư liệu giảm bớt khó khăn. Những làn điệu cổ được tìm lại nguyên vẹn với các thể loại: Hát Thờ, hát Chúc, hát múa Bỏ bộ. Thế rồi, Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết ra đời, bà Lan được bầu làm chủ nhiệm. Ngoảnh đi ngoảnh lại, giờ đã 30 năm. “Bà Lan hát dô” cứ miệt mài với câu hát, dù cuộc sống còn nhiều vất vả do đồng lương hưu ít ỏi, bà vẫn phải chăm lo công việc đồng áng để có thêm thu nhập.
Bà Lan cũng cho biết, để thể hệ trẻ tiếp cận và đặc biệt có tình yêu với điệu hát quê hương này là cả một quá trình gian khó. Giai đoạn đầu khá khó khăn bởi niềm đam mê là chân lý lưu giữ và phát huy, nhưng các thế hệ trẻ còn chưa thật sự có "tình" với điệu hát này. Vì lẽ đó, khơi dậy niềm đam mê là điều mà chính bà đã thực hiện để rồi ngày nay CLB hát Dô của bà đã dạy cho hơn 800 cháu học hát. "Về sau thì càng hát các cháu càng thích. Hiện nay thì tôi thấy các cháu đã rất có ý thức tiếp thu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông ta để lại, đấy là một điều rất đáng mừng."
Hát dô là “độc bản”, chỉ có ở Liệp Tuyết. Ngoài nỗ lực của cộng đồng, tiêu biểu là hoạt động của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan, hát dô vẫn chờ đợi một chính sách cụ thể, một chương trình bảo tồn nghiêm túc từ phía chính quyền. Bà Lan và các cô gái trẻ vẫn gắn bó với hát dô bằng cả tình yêu. Nhưng nỗi lo canh cánh, khi hát dô vẫn chưa có người kế cận xứng đáng, khi bà Lan tuổi ngày một cao.