Hệ thống sông Bắc Hưng Hải “oằn mình” gánh chịu ô nhiễm
(Sóng trẻ) - Hệ thống sông Bắc Hưng Hải cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu dân, chống ngập úng cho nhiều tỉnh thành tại miền Bắc. Hiện nay, hệ thống sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hệ thống sông Bắc Hưng Hải chạy dài 232 km, là công trình thuỷ lợi lớn nhất miền Bắc, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 3 triệu dân, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và kết thúc ở điểm nối ra sông Thái Bình, tỉnh Hải Dương. Công trình hệ thống sông Bắc Hưng Hải được hoàn thành vào năm 1959, mang lại lợi ích to lớn cho người dân và nền nông nghiệp một số tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, sau hơn 60 năm, hệ thống sông này đang phải oằn mình gánh chịu tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo quan sát của PV, dọc đoạn hệ thống kênh Bắc Hưng Hải gần khu công nghiệp Phố Nối A, không khó để bắt gặp hình ảnh những mảng dầu loang xuất hiện trên mặt nước hay dòng nước xả thải đen trực tiếp đổ ra sông. Những loại chất thải, rác thải đã khiến màu nước vốn dĩ màu xanh của hệ thống sông Bắc Hưng Hải chuyển màu đen. Không chỉ ảnh hưởng đến thị giác của người dân, vào những ngày nắng nóng, rác thải, nước bẩn bốc mùi nồng nặc khiến việc sinh hoạt của nhiều người nơi đây trở nên khó khăn. Bà Lê Thị Tuyết - chủ một cửa hàng ăn gần hệ thống sông cho biết: “Những hôm nắng mùi hôi thối bốc lên suốt ngày, suốt đêm ảnh hưởng quá nhiều đến việc làm ăn buôn bán của cửa hàng, cũng như của người dân xung quanh”. Các khu công nghiệp liên tục xả thải chất thải vượt quy chuẩn đang làm ô nhiễm hệ trọng hệ thống sông thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.
Ngoài việc chịu ảnh hưởng từ chất thải công nghiệp, nước thải từ làng nghề nổi tiếng sản xuất nhựa tại Văn Lâm (Hưng Yên) cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nước sông Bắc Hưng Hải trở nên tồi tệ. Nước từ các con kênh gom nước thải từ làng nghề sản xuất chảy thẳng ra sông đều đã bị ô nhiễm, những hạt nhựa nổi kín mặt kênh. Người dân cho biết từ lâu đã không dám sử dụng nước từ các con kênh này, dùng nước để tưới cây sẽ xảy ra hậu quả gốc thối rễ, chết cây. Chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ gây bệnh tật chết cả đàn. Anh Nguyễn Việt Hưng - chủ trang trại gần con kênh đổ ra sông Bắc Hưng Hải cho biết: “Lượng nước thải chảy ra kênh chủ yếu từ làng Khoai làm nhựa dồn hết ra đây. Dù ngay gần dòng kênh nhưng chúng tôi toàn phải đào giếng để tưới cây”.
Dễ nhận thấy là ở hầu hết các hệ thống sông ngòi, thủy lợi liên tỉnh ở nước ta đều chưa có một cơ quan quản lý môi trường thống nhất. Vì thế mới có chuyện Hà Nội xả thải, Hưng Yên gánh chịu. Và cũng tương tự như vậy, người dân ở các địa phương như Hưng Yên, Hải Dương xả thải thì những địa phương cuối nguồn phải chịu ô nhiễm. Những giải pháp hồi sinh các dòng sông chết tại Hưng Yên hay những giải pháp mạnh tay của cơ quan chức năng Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh cũng đang thể hiện những nỗ lực để xử lý vấn đề ô nhiễm trên kênh Bắc Hưng Hải . Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn cần sự chung tay của chính quyền 4 tỉnh thành phố, đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ sở sản xuất và cộng đồng dân cư . Để dòng kênh Bắc Hưng Hải không chỉ đem lại sự trù phú mà còn mang lại sự trong lành cho vùng đất này.