Hiệu quả từ 4 "nhà" trong mô hình "cánh đồng mẫu lớn"
(Sóng trẻ) - Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà “nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông” được triển khai trên 150 ha lúa ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vào vụ Đông Xuân 2012-2013 bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà nông.
Nằm trong kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình xây dựng Nông thôn mới của cả nước, thời gian qua Tiền Giang đã khẩn trương hoàn tất các tiêu chí, trong đó đặc biệt chú trọng tiêu chí số 12 “hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã” và tiêu chí số 10 về thu nhập cho người dân nông thôn.
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” chuyên sản xuất lúa chất lượng cao được triển khai tại xã Thạnh Lộc là một trong những mô hình nhằm thực hiện tốt tất cả các tiêu chí trên. Mô hình được thực hiện tại phía đông kinh Chà Là thuộc ấp 4 xã Thạnh Lộc với số hộ tham gia ban đầu là 97 hộ và sử dụng 1 loại giống chất lượng cao là OM 5451.
Trong suốt quá trình tham gia mô hình cánh đồng mẫu, bà con nông dân được Công ty lương thực tỉnh Tiền Giang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Toàn bộ lúa hàng hóa sẽ được Công ty thu mua với giá sàn 4.800đồng/kg (lúa khô). Nếu tại thời điểm thu hoạch giá lúa nài thị trường cao hơn so với giá lúa đã ký hợp đồng thì Công ty sẽ mua theo giá lúa thị trường. Bên cạnh đó Công ty còn thường xuyên xuống thăm đồng, tổ chức hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật 3 lần /vụ lúa. Nài ra, Công ty vật tư nông nghiệp tỉnh còn hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp sản xuất suốt vụ gồm: giống, phân bón, thuốc trừ sâu trong thời gian 4 tháng không tính lãi.
Ông Trần Văn Nhiều, tổ phó Tổ hợp tác của cánh đồng mẫu của xã cho biết, đến nay bà con đã thu hoạch gần xong, năng suất lúa bình quân 8,2 tấn/ha. Với giá lúa mà Công ty lương thực mua tại thời điểm là 4.700đồng/kg lúa tươi (cao hơn so với thương lái mua ở bên nài 200 đồng/kg). Như vậy mỗi hecta sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu trừ đi mọi chi phí thì người nông dân thu lãi trên 25 triệu đồng/ha, cao hơn so với việc sản xuất lúa theo cách truyền thống từ 3- 5 triệu đồng/ha. Ông Nhiều cho biết thêm: Bên cạnh những hiệu quả thì vẫn còn một số khó khăn như: Lúc mới thực hiện chúng tôi còn lúng túng trong việc phân phối giống, phân, thuốc do không có kho chứa vật tư; tại thời điểm lúa chính trùng với thời gian nghỉ tết nguyên Đán nên Công ty chậm xuống định ngày cắt lúa làm cho bà con nông dân lo lắng; đến thời điểm thu hoạch, lúa bị trùng đồng nhiều (do gieo sạ đồng loạt) nên việc bố trí máy cắt gặp khó khăn...
Ông Trà Hữu Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cũng chia sẻ: Do được chọn làm thí điểm nên tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn. Bước đầu, UBND xã sẽ tập trung cùng hỗ trợ tổ hợp tác tháo gỡ khắc phục. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại là hết sức ý nghĩa thiết thực, đem lại lợi nhuận đáng kể cho nhà nông. Đặc biệt, mô hình đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà “ nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông ”. Thời gian tới UBND xã sẽ vận động bà con nông dân duy trì, nhân rộng mô hình này và có định hướng quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng như: thuỷ lợi, đê bao, kho chứa, trạm bơm… nhằm từng bước xây dựng nhiều vùng lúa chuyên canh chất lượng cao trên địa bàn xã.
Công Trang
Lớp BCK3TG
Cùng chuyên mục
Bình luận