Du lịch mùa dịch: Cơ hội hay thách thức?
(Sóng trẻ) - Dịch bệnh covid thời gian qua đã khiến cho mọi ngành nghề gặp khó khăn, du lịch cũng không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên, vượt khó khăn, du lịch vẫn có những hướng đi mới để cứu sống chính mình.
Dịch bệnh làm cho việc ra khỏi nhà để đi mua sắm nhu yếu phẩm còn trở nên khó khăn thì du lịch lại càng là điều xa vời. Thế nhưng không đầu hàng trước rào cản, ngành du lịch đã sáng tạo ra những tour du lịch online, những tour du lịch mà có thể ngồi ở nhà cũng có thể khám phá thế giới ngoài kia.
Những loại hình du lịch mới ra đời
Ngành du lịch đang gần như “đóng băng” trước đại dịch, thế nhưng nhiều điểm tham quan và du lịch ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã thực hiện việc du lịch cho khách hàng bằng công nghệ thực tế ảo. Thời kỳ 4.0 là những cuộc bứt phá về công nghệ, chúng ta chỉ cần đeo vào một chiếc kính thực tế ảo là đã có thể đứng trước một kỳ quan, một tác phẩm nghệ thuật… cùng với một hướng dẫn viên du lịch không khác là mấy với việc tham quan trực tiếp. Google Arts and Culture - một bảo tàng số của Google gần đây đã kết nối với hơn 2500 bảo tàng khác để thực hiện những chuyến du lịch công nghệ số miễn phí cho du khách.
Nhiều trung tâm hoạt động văn hóa; địa phương có điểm đến du lịch hấp dẫn hay công ty lữ hành từ lâu đã thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ”. Chẳng hạn như Văn miếu Quốc Tử Giám thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ” trên website; trang thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm “Hoàn Kiếm 360 độ”; ứng dụng Myhanoi…Tất cả cho phép du khách có thể tìm hiểu những điểm đến dù đang ở bất cứ đâu. Hay nói đến Google Earth, đây là một công cụ giúp bạn “đi đến” mọi nơi chỉ với một cú nhấp chuột. Dựa trên hình ảnh vệ tinh, Google Earth cho phép bạn thực hiện các thao tác như tìm kiếm, xoay, thu phóng, nghiêng để ngắm nhìn Trái đất từ xa, ở cả chế độ xem 2D và 3D.
Dù đã có những hướng đi mới như việc du lịch online nhưng áp lực kinh tế, nhân lực vẫn đang đè nén lên toàn ngành du lịch Việt Nam cũng như thế giới. Mọi người vẫn chưa quen với việc du lịch online, nhiều hướng dẫn viên từ đó mà cũng mất đi việc làm. Các công ty du lịch có dịch vụ tham quan online lại chật vật với việc tìm điểm tham quan đồng ý kết hợp để làm tour online, khó khăn trong cả việc kết nối với khách hàng, đưa đến cho khách hàng những công nghệ mới phục vụ cho du lịch mùa dịch.
Theo thống kê của ITDR, ngành du lịch Việt Nam năm 2021 đã có những giảm sút mạnh so với cùng kỳ những năm trước, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 95,7 nghìn lượt người vào tháng 7, với số liệu này thì lượng khách quốc tế đã giảm đến 97,5% so với cùng kỳ năm 2020. Khách du lịch nội địa cũng không khá khẩm gì hơn khi chỉ đạt 9 triệu lượt người vào tháng 4 năm 2021, cho đến tháng 7 cùng năm thì lượng khách chỉ còn 500000 lượt khách du lịch.
Để hiểu rõ hơn những khó khăn, phóng viên đã có buổi gặp gỡ và phỏng vấn chị Mai Linh, một hướng dẫn viên có kinh nghiệm 5 năm trong ngành du lịch. Được hỏi về khó khăn mà mình gặp phải, chị chia sẻ: “Từ ngày covid-19 bùng nổ, mình đã phải nghỉ việc, các công ty trước đây mình cộng tác cũng đã có quá nửa số đó phải đóng của, báo vỡ nợ, số còn lại thì cũng chỉ gắng gượng bằng những tour du lịch online nhỏ lẻ, hay phải tìm những công việc khác như kinh doanh đặc sản để có thu nhập ngoài”.
Được hỏi thêm về những tour du lịch online chị cho biết, mình cũng được mời dẫn các tour thực tế ảo nhưng không nhiều, chi phí chi trả cho hướng dẫn viên cũng thấp nên chị đã quyết định nghỉ việc và chuyển qua bán hàng online.
Lối đi nào cứu sống ngành du lịch?
Mới đây, trong Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 63 điểm cầu truyền hình trên cả nước ngày 29-6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Thị trường du lịch phải hướng tới cân bằng, bền vững giữa khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Đặt trọng tâm vào tỷ lệ chi tiêu của du khách”. Cũng theo Bộ trưởng, ngành du lịch phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa và đổi mới sản phẩm, tạo ra những điều mới lạ để kích cầu du lịch, dịch vụ trong cả nước.
Khi được hỏi về lối đi mới cho du lịch, chị Mai Linh cho hay: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của các công ty du lịch không phải là dịch bệnh, mà là nhân lực của ngành đang ngày một mỏng đi, mọi người lại ngại khó khi tiếp cận các công nghệ mới. Chúng ta nên tích cực tiếp nhận những công nghệ mới để theo kịch thời kỳ 4.0, du lịch online sẽ là lối đi lớn nhất cho việc vực dậy du lịch.
Bên cạnh đó, các địa điểm du lịch cũng nên mở cửa đón khách trở lại khi dịch bệnh đã không còn quá gay gắt, sẽ có những quy định như test âm tính và tiêm đủ 2 mũi vacxin đối với khách tham quan… Nếu không du lịch sẽ khó mà vực dậy được”.