Hội thảo: “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 18/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo: “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra. Từ đó, đề ra những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3).
Tham dự Hội thảo còn có sự góp mặt của ThS. Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford, Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI; nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Ngô Trần Thịnh, đại diện nhóm nghiên cứu ứng dụng Chat GPT, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện nhóm nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu tại Hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Đầu tư vào AI trong báo chí là điều vô cùng cần thiết. AI không chỉ là công cụ viết bài mà còn được ứng dụng trong rất nhiều công đoạn khác nhau”.
Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm - đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: “Thời buổi này công nghệ cho phép các nhà báo có quyền lựa chọn. Song nó cũng đòi hỏi ở những người tác nghiệp và ra quyết định phải có một phông nền kiến thức cũng như hệ giá trị bản thân vô cùng vững vàng để từ đó đưa ra quyết định tốt nhất cho mình”.
Theo ThS. Trần Lệ Thùy, AI và ChatGPT chỉ dừng lại ở mức độ khơi gợi ý tưởng. Cùng với xu thế phát triển theo hướng Multimedia của báo chí, AI và ChatGPT sẽ giúp cho các nhà báo giảm tải được khối lượng công việc để nhà báo đi sâu vào nội dung gốc. Ngoài ra, ThS. Trần Lệ Thùy cũng gợi ý một số công cụ hỗ trợ các nhà báo trong quá trình tác nghiệp và sáng tạo nội dung.
Thảo luận tại Hội thảo, Nhà báo Ngô Trần Thịnh đã đưa ra một số ưu điểm và nhược điểm của AI. Theo đó, AI có khả năng tổng hợp thông tin, bố cục rõ ràng và đưa ra câu trả lời đúng trọng tâm. Tuy nhiên, từ ngữ do AI tạo ra còn chưa thực sự phù hợp, ngôn ngữ cứng nhắc, thiếu cảm xúc và sự sáng tạo.
Kéo dài trong vòng ba tiếng, Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của giới báo chí và công chúng, nhất là sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo và sự ra đời của ứng dụng chat bot AI ChatGPT.