Hội thảo Giám tuyển tương lai: Bước chuyển mình của bảo tàng tại Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ngày 14/11, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, hội thảo quốc tế được tổ chức nhằm khám phá và định hường tương lai và quy chế quản lý của hoạt động giám tuyển trong lĩnh vực văn hóa của Việt Nam.
Với sự tham gia của các bên liên quan trong cả khu vực công và tư, hội thảo mang đến những thảo luận, trao đổi đa dạng và toàn diện về quỹ đạo phát triển của các hoạt động giám tuyển bền vững tại Việt Nam và trên toàn cầu. Chương trình được thiết kế bởi Ban Văn hóa – Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Phó giáo sư Jane Vagan từ Đại học Sydney.
Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại hội thảo: “Để hội thảo đạt được chất lượng và đi đúng định hướng của thủ đô Hà Nội, nước Việt Nam, chúng tôi rất mong các diễn giả với những kinh nghiệm phong phú sẽ giúp cho những nhà giám tuyển tương lai, những người hoạt động tại bảo tàng sẽ có thêm những góc nhìn tổng thể về giữ gìn di sản văn hóa trong nước và tại quốc tế”.
Chia sẻ tại hội thảo, Bà Jane Vagan - Đại học Sydney tin rằng: “Nếu chúng ta đủ quan tâm đến đủ những chủ đề, chúng ta sẽ tạo nên những sáng tạo mới mẻ. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành những đối tác quan trọng trên hội thảo quốc tế, vì vậy những đóng góp ngày hôm nay sẽ góp phần vào phát triển cho quá trình các hoạt động giám tuyển bền vững tại Việt Nam và trên toàn cầu”.
Tại hội thảo, các khán giả cùng trao đổi trực tiếp với bà Jane Vagan về những mong muốn đóng góp cho ngành sáng tạo nghệ thuật, bảo tồn văn hóa. Bên cạnh đó, các khán giả được chia thành nhiều nhóm nhỏ để cùng thảo luận về 4 chủ đề: Sử dụng không gian sáng tạo, sự tham gia và gắn kết của cộng đồng, tính bền vững và bảo tàng trở thành một ngành công nghiệp sáng tạo, tác động của bảo tàng đến những vấn đề xã hội.
Sự kiện dự kiến kéo dài nửa ngày, quy tụ những ý tưởng táo bạo, cách tiếp cận thực tế và các cuộc thảo luận sôi động đến từ những chuyên gia bảo tàng danh tiếng và những người trẻ sáng tạo. Được thiết kế để nuôi dưỡng sự đổi mới, giải quyết những thách thức mang tính hệ thống và thúc đẩy sự phát triển của các cuộc triển lãm đến từ cộng đồng, hội thảo đóng góp trực tiếp vào Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hợp quốc (SDG 4: Giáo dục chất lượng và SDG 11: Thành phố và cộng đồng bền vững).
Giám tuyển (curator) chỉ xuất hiện rộng rãi vài năm trở lại đây khi nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Như Huy là người đầu tiên dịch thuật ngữ “curator” sang tiếng Việt. Song theo đánh giá của nhiều người, từ “giám tuyển” trong tiếng Việt vẫn mang tính chất tương đối chứ chưa bao quát và mô tả đích xác vị trí, phần việc của một curator thực thụ đảm nhận. Bởi curator không đơn thuần là người giám sát, tuyển chọn tác phẩm, nghệ sĩ để tham gia sự kiện nghệ thuật mà còn là người phát hiện những tài năng nổi trội; là cầu nối giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ, nghệ sĩ và công chúng; thậm chí là người đưa ra và dẫn dắt một trào lưu nghệ thuật mới. |