Khi sinh viên… nghiện lô đề
(Sóng Trẻ) - Dân gian có câu: “đánh đề ra đê mà ở” để răn đe những người ham trò đỏ đen. Nhiều bạn sinh viên biết đấy nhưng vẫn lao vào và một khi “nghiện ngập” thì khó lòng dứt bỏ được.
Đường dẫn đến lô đề…
Ở các trường đại học hiện nay, việc bắt gặp sinh viên chơi lô đề không còn là điều hiếm thấy nữa. Cứ đi dọc hai bên đường quanh những cổng trường đại học, đều bắt gặp những quán cóc ghi lô đề, trong đó khách hàng quen thuộc là sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường.
Khi ngồi uống nước trong căng tin của trường Đại học Giao thông vận tải, tôi nghe tiếng hai bạn nam chuyện trò rôm rả: “Hôm qua tao đánh bạch thủ con 56 mà nó không về, lại về bóng mới cay chứ, thế là bay mất tiêu 500k”. Vốn không hiểu lắm về cái từ “bạch thủ”, “bóng” kia nhưng tôi cũng đoán được bạn này chơi lô đề. Chẳng hiểu các bạn sinh viên này lấy đâu ra nhiều tiền để chơi thế? Và điều gì khiến không ít bạn trẻ ham mê trò này đến vậy?
Nam - sinh viên đại học Quốc gia Hà Nội, một “con nghiện lô đích thực”. Nam thường hay chơi lô, bởi theo cậu ta tỉ lệ trúng cao hơn, còn hôm nào mê thì cậu ta mới đánh đề. Mỗi lần đánh phải từ 20 đến 50 “điểm” lô, tương đương từ 440 nghìn đến 1,1 triệu. Không ngày nào Nam không đánh vài chục điểm. Lần nào “trúng quả đậm”, Nam đều vung tiền ăn chơi, khao bạn bè, một phần giữ lại để “lấy nó nuôi nó”- theo như lời cậu ta nói. Ban đầu, khi được “mấy chiến hữu rủ rê đánh”, cậu ta cũng chỉ dám chơi nhỏ nhỏ thôi, “gọi là cho vui theo chúng bạn”, nhưng rồi từ những lần như vậy, vận đỏ cứ đến liên tục, khiến Nam “say” lúc nào không biết.
Không chỉ có con trai ham mê mà ngay cả các bạn sinh viên nữ cũng tham gia. Tôi từng chứng kiến một nhóm sinh viên nữ đi giữa trường kể về lô đề mà không chút ngượng ngùng: “Mày ơi hôm nay đánh con gì? Đêm qua tao mơ nhặt được 50.000 đồng, có đứa nào đánh theo tao không?”. Nhìn bề nài xinh xắn vậy, ai lại tin các bạn ấy cũng dính dáng vào mấy thứ đó nếu không trực tiếp tai nghe mắt thấy.
Có lần, tôi chạy vô quán gần cổng trường để mua chai nước, thấy cô bạn Mai lớp cạnh bên đi đến và nói với người chủ quán: “Chị cho em xin 10 điểm lô con 42”, rồi đưa mảnh giấy nhỏ xíu gọi là “tích kê” ra. Bà chủ quán nhìn lướt qua, đưa cho Mai một xấp tiền rồi hớn hở cười nói như với một khách quen: “Thế hôm nay cô em có kết con nào không?”.
Và hậu quả của nó
Cái trò cờ bạc đỏ đen này chỉ gặp may vài lần sau đó thua triền miên. Một khi như vậy thì lại có trăm mưu nghìn kế để tìm cách xoay tiền.
Những lúc thua, cạn tiền để đánh, Nam lấy đủ lý do gọi điện về xin tiền gia đình: Nào là đi học thêm, tiền học phí, tiền mua tài liệu… Xin mãi tiền nhà không được thì vay tiền bạn bè, đi cắm laptop, xe máy tại hiệu cầm đồ. Có lần đang nuôi “đầu 5” bí tiền quá đâm ra làm liều, lợi dụng bạn cùng xóm trọ ra nài, Nam lẻn vào lấy trộm laptop đem ra hiệu bán lấy mấy triệu để tiếp tục “nuôi” lô. Không lâu sau, cậu ta bị công ăn bắt vì tội ăn trộm tài sản của người khác, bị nhà trường đình chỉ học. Bố mẹ cậu, sau khi nghe tin, choáng váng vô cùng, không ngờ con mình lại hư hỏng, sa ngã vào mấy trò vô bổ đó.
Còn cô bạn Mai, mỗi lần lên lớp chẳng chú tâm gì vào việc học, chỉ lo “soi bảng xem hôm nay nó về con gì”, kết quả là kỳ nào không phải thi lại thì điểm cũng lẹt đẹt. Đó là chưa kể Mai bị nhiều bạn trong lớp nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm, con gái mà lại ham mê đỏ đen. Nhiều bạn nữ không dám chơi cùng vì sợ mang tiếng lây.
Các bạn trẻ cần có bản lĩnh hơn để tránh xa những cám dỗ trong xã hội, coi trọng việc học tập, rèn luyện, tham gia những hoạt động xã hội có ích để xây dựng tương lai hơn là đâm đầu vào mấy chỗ vô bổ. Tuy nhiên, không phải bất cứ bạn sinh viên nào cũng nghĩ được như thế. Chính vì vậy mà gia đình, nhà trường cần phải quan tâm hơn đến điều này.
Dương Thùy Dung
Truyền hình K28A1
Truyền hình K28A1
Cùng chuyên mục
Bình luận