Kiên của “Thế kỷ 21 buồn”: “Trong âm nhạc, tôi là người độc đoán.”

(Sóng trẻ) - Trong giới làm âm nhạc độc lập (indie), một số nghệ sĩ lựa chọn cho mình lối đi khác biệt với số đông: không ồn ào mà âm thầm, không nguyên tắc mà phóng túng, không gò bó mà trọn vẹn với đam mê trong từng câu từ, thanh âm. Kiên chính là một điển hình như vậy. 

Cái duyên với âm nhạc

Kiên, tên đầy đủ là Trịnh Trung Kiên, sinh năm 1995 và đang là sinh viên năm cuối của Học viện Ngân hàng. Anh là một nhạc sĩ trẻ nổi lên với các bản hit “Thế kỷ 21 buồn”, “Tại sao”, “Con chó và Cô hàng xóm”, “Em ăn sáng chưa?”, “Khi hôm nay thành ngày xưa”,...Trước khi có hơn 12.300 lượt theo dõi trên tài khoản âm nhạc soundcloud và những bài hát được chia sẻ rộng rãi trong giới trẻ, Kiên là một thanh niên bình thường, có niềm đam mê hội hoạ và mơ ước vào trường Đại học Kiến trúc. Cảm hứng âm nhạc đến với anh trong những năm đầu làm sinh viên, khi anh bắt đầu tiếp cận với những tình khúc của Trịnh Công Sơn hay Ngô Thụy Miên, rồi tìm đến những bản nhạc cổ điển của Âu - Mỹ,... Dù vậy, lúc đó vẫn chưa có một định hướng sự nghiệp nào trong chàng trai trẻ mới chỉ bước sang năm thứ hai trên giảng đường.

 e11b42c4a_sa.jpg

Kiên biểu diễn trước gần 100 người hâm mộ 
trong show ra mắt nhóm nhạc Dập Ghim của anh
Ảnh: facebook Nam Hoàng Nguyễn

Bài hát đầu tiên của anh có tên là “Dang dở”, viết vào cuối năm 2014, lấy cảm hứng từ mối tình đơn phương với cô bạn thời phổ thông. Đúng như tựa đề của ca khúc, Kiên tự nhận xét sản phẩm đầu tay của mình nghe còn “linh tinh” vì lí do anh chỉ là người viết lời, còn phần nhạc do người khác phổ. Chỉ tới khi bắt đầu tập chơi đàn vào cuối năm 2015, Kiên mới xác định bước chân vào con đường âm nhạc.

Khi Kiên bắt đầu con đường riêng, trong giới indie Việt Nam lúc đó đã có những tên tuổi sừng sững. “Có những tên tuổi hàng đầu hồi đấy là Thắng cùng Ngọt band, Thái Vũ và Cam. Ba người đó đều bằng tuổi mình hết, sinh năm 1995. Thấy anh em, bạn bè ai cũng chơi nhạc được và chơi nhạc hay nên mình cũng có thêm cảm hứng viết, rồi không biết từ bao giờ công chúng bắt đầu nghe nhạc của mình nhiều hơn.” - Kiên chia sẻ. 

Thừa nhận có chịu ảnh hưởng của nhiều thể loại nhạc khác nhau, thậm chí là chịu ảnh hưởng của những nghệ sĩ indie trong nước, Kiên vẫn luôn cố gắng tìm cho mình một điểm nhấn riêng biệt giữa “dòng chảy” indie thịnh hành lúc bấy giờ. Tay viết trẻ không thích viết về tình yêu, anh cho biết thêm: “Tình yêu không phải là chủ đề duy nhất. Mình thích hoặc muốn viết về đề tài nào thì mình viết thôi, có thể là về gia đình, tiền bạc, xã hội,...”. 

“Thế kỷ 21 buồn” có lẽ đã ra đời từ một cảm thức về hiện thực xã hội như thế: “Người ta chỉ biết sống cho riêng mình /Rồi khi chỉ còn thấy nhau qua những tấm hình/ Nhận ra lạc lõng cô đơn suốt đời /Nhìn quanh còn có ai đâu mà cười”. Một vòng hòa âm bắt tai nhưng đi kèm với nó là một dải ca từ mô tả thực tế trần trụi, bi thương và khốc liệt. Chúng ta đều biết hiện thực phũ phàng ấy, nhưng không phải ai cũng truyền tải được nó qua những ca từ đơn giản như Kiên mang lại. 

Nhưng con đường Kiên đi không phải lúc nào cũng giản đơn như âm nhạc anh sáng tác. Chàng trai trẻ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phụ huynh khi mới đang “chập chững” bước vào sự nghiệp âm nhạc. Dễ hiểu khi ai cũng đều mong muốn con mình có một tương lai ổn định thay vì cứ chấp chới với những nốt nhạc nay hay, mai dở. Công việc học tập ở trường cũng chiếm một lượng lớn thời gian của anh. Bên cạnh đó, Dập Ghim band - nhóm nhạc mà anh là thành viên chính đang gặp những khó khăn trong việc tìm kiếm thành viên mới, cũng như việc phát triển lâu dài trong tương lai. Hơn nữa, Kiên cũng tự thừa nhận chính anh vẫn còn thiếu sót rất nhiều trong kiến thức âm nhạc để phục vụ con đường nghệ thuật của mình.

Đơn giản và độc đoán

Nhạc sĩ Dương Thụ từng nhận xét nhạc của Kiên có hơi hướng giống nhạc sĩ Trần Tiến. Anh cũng đồng cảm với nhận xét này từ vị tiền bối: “Thực ra thì nhạc sĩ Trần Tiến giỏi lắm và ông chơi âm nhạc bài bản, nhưng mà phong thái và hướng đi của mình thì gần giống như thế: chơi nhạc trào phúng và đại chúng, dành cho tất cả mọi người, ai cũng nghe được nên nó đơn giản hết mức có thể.”

Kiên không lo ngại ca từ giản đơn có thể bị cho là “rẻ tiền”.  Anh cho rằng, âm nhạc rẻ tiền là những âm nhạc vô nghĩa. “Như cách đây khoảng 10 năm, hồi đấy thanh niên ăn mặc loè loẹt, đầu tóc bờm xờm thì bây giờ họ chuyển về hết những cái “basic”(cơ bản) hơn. Như mình, quần áo chỉ có một vài đường kẻ cùng màu đơn làm điểm nhấn và mấy đường xé nhỏ trông tinh tế. Và bây giờ mắt nghệ thuật của người ta cũng đi lên nhiều, họ đề cao sự đơn giản hơn. Nên mình nghĩ “đơn giản” không đồng nghĩa với “rẻ tiền”.”

e11b42c4a_ass.jpg
 
Theo Kiên, “rẻ tiền” là những người viết nhạc không có tâm mà chỉ viết theo cách lắp ghép những lời vô nghĩa. “Bài hát không có giá trị gì thì mới gọi là rẻ tiền.”. Còn những gì được viết bằng cảm xúc, bằng tình cảm thật chắc chắn sẽ được công chúng đón nhận. Như Trịnh Công Sơn từng viết, cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi tới trái tim. 

Một thực tế có thể dễ dàng nhận ra, Kiên hiện tại mới chỉ được giới nghe nhạc indie biết tới là chủ yếu, còn với công chúng phổ biến, anh vẫn chỉ là một cái tên có tiềm năng. Đi tìm một người đỡ đầu cho sự nghiệp là một lựa chọn của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ mới nổi trong hoàn cảnh đó. Nhưng với Kiên, tìm người đỡ đầu không phải để tận dụng danh tiếng hay tiền bạc của họ, mà để học hỏi từ họ những kinh nghiệm trong nghề, từ đó, hoàn thiện bản thân hơn. 

Kiên cho rằng, anh là người khá độc đoán trong âm nhạc. Anh muốn ý tưởng ban đầu như thế nào thì tác phẩm cũng phải truyền tải đầy đủ như thế. Nhưng trong công việc chung, cụ thể như của ban nhạc Dập Ghim, Kiên vẫn luôn tôn trọng và tiếp thu ý kiến của các thành viên. Nghệ sĩ chia sẻ thêm, những anh em trong nhóm đều là những người thân thiết với anh, được chọn lựa kỹ càng và “chịu” được tính cách có phần “nóng nảy” của mình. Vì thế, những người hợp tác được với Kiên phải là những người có cùng “màu sắc” trong âm nhạc hay quan điểm sống với chàng trai trẻ này. Anh hi vọng trên con đường nghệ thuật, anh cũng có thể làm nhạc với nhiều nghệ sĩ khác như chính cách anh làm với Dập Ghim.

e11b42c4a_asss.jpg

Sự độc đoán ấy cũng xuất phát từ chính tính cách thẳng thắn của Kiên. Tay viết trẻ không ngại nói lên quan điểm cá nhân, kể cả trong sáng tác nhạc. Điều này khiến anh cũng nhận được không ít phản ứng trái chiều từ công chúng, nhưng với quan điểm rõ ràng, anh cho rằng: “Suy cho cùng thì giá trị duy nhất mình  mang lại cho công chúng vẫn là âm nhạc. Khi nhạc của mình vẫn còn viết đúng và viết chất lượng, truyền tải những gì chân thực nhất thì khán giả vẫn sẽ ở lại với mình.”. 

Kiên là một nghệ sĩ trẻ tài năng và đầy hứa hẹn. Thông qua âm nhạc đơn giản mà vô cùng tinh tế, anh không chỉ thể hiện được bản thân, mà còn cho thấy góc nhìn sâu sắc của thế hệ trẻ về hiện thực cuộc sống của “thế kỷ 21 buồn”.

Đình Trường - Phụng Linh












Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN