Lễ hội rước bánh giầy làng Bá Dương Nội: Lễ hội xuân sớm nhất Đồng bằng Bắc Bộ
(Sóng trẻ) - Mỗi dịp Tết đến xuân về, làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội rước bánh giầy vào ngày mồng 3 Tết để tưởng nhớ tới vị Thái phó Thiếu Khanh thời nhà Lê (thế kỉ XV), người có công giúp dân mở làng, lập ấp. Để phục vụ cho lễ hội, hàng nghìn người ở mọi lứa tuổi đã được huy động làm bánh giầy và các hoạt động tế, rước khiến ngày xuân càng thêm rộn ràng.
Công phu từ khâu chuẩn bị
Lễ hội rước bánh giầy từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân làng Bá Dương Nội. Lễ hội rước bánh vừa thể hiện sự thành kính biết ơn của người dân đối với các bậc tiền nhân, vừa là một nét văn hoá đặc sắc của nền văn minh lúa nước và tinh thần đoàn kết xóm làng.
Hội rước bánh giầy làng Bá Dương Nội được 5 miền trong làng: Tâm Tỉnh, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Liên Hợp, Hồng Giang luân phiên đăng cai tổ chức lễ hội. Miền nào đăng cai lễ hội năm đó sẽ phụ trách việc phân chia công việc, chọn người tế lễ để lễ hội được diễn ra tốt đẹp nhất.


Lễ hội được chuẩn bị và đầu tư công phu
Trước ngày hội chính diễn ra vào ngày mồng 3 Tết hàng loạt những hoạt động chuẩn bị đã được diễn ra từ trước đấy rất lâu. Ông Nguyễn Thanh Cần - Trưởng ban tổ chức lễ hội năm nay cho biết: “Từ ngày 25 tháng Chạp lễ hội đã được khởi động với lễ rước bát nhang từ chùa Già Lê về nhà Canh Điền - nơi diễn ra các công đoạn làm bánh và tế lễ. Những chiếc thuyền Rồng chở đoàn người ra giữa dòng sông Hồng để lấy nước tinh khiết mang về làm lễ tế vì người ta cho rằng lấy nước giữa dòng thì bánh mới thơm nn. Tiếp đến mồng 1 Tết, người dân làng Bá Dương Nội thực hiện nghi thức đãi gạo với đầy đủ đội hình. Tối mồng 2 Tết thanh niên trai tráng sẽ được huy động để làm công việc giã bánh. Sau đó mồng 3 sẽ tổ chức lễ hội rước bánh giầy để dâng lên nhà Ngài”.
Mặc dù lễ hội được tổ chức vào những ngày giáp Tết khi mà công việc gia đình còn nhiều bộn bề, nhưng mọi người trong nhà canh điền miền Liên Hợp vẫn rất nhiệt tình tham gia lễ hội truyền thống của quê hương. Chia sẻ về không khí chuẩn bị cho lễ hội, bà Hà Thị Thịnh - thành viên ban tổ chức lễ hội cho biết: “Dù đây đã là lần thứ 3 tham gia lễ hội truyền thống thế nhưng tôi cùng với mọi người vẫn cảm thấy rất vui, hào hứng và mọi người đều tham gia nhiệt tình. Tất cả chúng tôi đều mong có được sự chuẩn bị tốt nhất để buổi lễ rước diễn ra suôn sẻ”.
Tưng bừng ngày hội rước
Lễ hội rước bánh giầy năm nay được nhà canh điền miền Liên Hợp chuẩn bị công phu với 21 đoàn rước được bố trí đẹp mắt, với khung cảnh rực rỡ cờ hoa, ngập tràn tiếng nhạc lễ hội và tiếng trống khai xuân. Mặc dù tiết trời Xuân năm nay khá nắng nóng, nhưng những đoàn rước vẫn tạo ra một không khí và cảnh tượng đẹp.
Sáng sớm ngày mồng 3 Tết, sau phần lễ dâng hương tưởng niệm. Cùng với không khí xuân tưng bừng, lễ hội rước bánh giầy khiến làng quê nhỏ bé ven sông Hồng trở nên nhộn nhịp lạ kỳ. Người tham gia lễ hội đông tới hàng nghìn, các vãi tay mang cờ phướn, các đội kiệu thờ, kiệu bánh giầy được xếp thứ tự… tiến về chùa trong tiếng nhạc hội vui nhộn, tiếng cười nói râm ran của đoàn người đi trẩy hội kéo dài cả vài trăm mét dọc triền đê sông Hồng. Vui nhất có lẽ là những cô bé, cậu bé xúng xính trong những bộ quần áo mới.


Một số hình ảnh trong lễ rước
Với lòng thành kính biết ơn với những bậc tiền nhân đi trước cùng với tâm niệm “một miếng lộc thánh bằng một gành lộc trần”, người dân làng Bá Dương Nội hàng năm đều hân hoan trong ngày hội rước.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tục giã, rước bánh giầy làng Bá Dương Nội vẫn được lưu truyền như một nét văn hóa đặc sắc. Lễ hội là niềm tự hào, tượng trưng cho sự phồn thịnh ấm no của dân làng. Qua đó giáo dục cháu con làm việc thiện, chung sức xây dựng quê hương, nước nhà. Điều quan trọng là lễ hội còn tạo mối đoàn kết, chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư tương trợ cho nhau.
Bài và ảnh: Hồng Thảo
Cùng chuyên mục
Bình luận