Mỗi nhân vật là một người thầy của tôi
(Sóng trẻ) - Một năm qua, tôi đã đi và may mắn gặp họ. Những con người khác nhau ở tuổi tác, nghề nghiệp, nhưng đều dạy cho tôi bài học về lẽ sống và sự vươn lên. Họ không chỉ là nhân vật trong các bài báo, họ còn là người thầy của tôi!
Tôi đi tìm nhân vật cho những bài báo của mình. Có thể đã từng xuất hiện rất nhiều lần cũng có thể đó là lần đầu tiên họ xuất hiện trên báo chí. Họ là người nổi tiếng nhưng cũng có khi chỉ là một hạt cát nhỏ, bị gió thổi vào khóc khuất nào đó của cuộc sống. Nhưng qua mỗi câu chuyện họ kể, tôi đều học được một bài học. Và tôi góp lại để thành một câu chuyện dài mang tên niềm tin…
Bỏ lại đằng sau nỗi buồn và tiến về phía trước
Một căn phòng thuê trọ, đôi nạng gỗ và gương mặt ánh lên niềm vui, đó là những gì tôi quan sát được khi đến gặp Đỗ Duy Hiếu, chàng thủ khoa vừa giành giải nhất trong cuộc thi Tài năng khoa học trẻ 2013.
Một tai nạn bất ngờ ập đến với chàng sinh viên của trường ĐH. Bách Khoa, Đỗ Duy Hiếu đã khiến giảng đường ĐH bỗng chốc trở nên xa vời. Mọi niềm tin, ước mơ tưởng như đã khép lại nhưng bằng ý chí, nghị lực, Duy Hiếu đã đứng dậy và quay trở lại trường học.
Thủ khoa trường ĐH. Khoa học tự nhiên ( ĐH. Quốc gia Hà Nội), Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐH Quốc gia, Giải nhất tài năng khoa học trẻ 2013… đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Hiếu.
Câu chuyện của một chàng sinh viên đến trường với đôi nạng gỗ, và từng bước đi đến thành công đã trở thành nguồn động viên cho những ai dám đứng lên và bước về phía trước. Bỏ lại sau lưng sự khổ đau, cậu tiến về phía trước để tự nắm bắt lấy tương lai của mình!
Tôi nhận được một bài học từ chàng trai Thanh Hóa, Đỗ Duy Hiếu: Mỗi người đều có một sức mạnh nội sinh, chỉ cần biết phát huy nó thì có thể tự đi qua những giới hạn của chính mình. Và khi một cánh cửa khép lại, hãy tin sẽ có một cánh cửa mới mở ra.
5 năm nỗ lực với chấn thương giành danh hiệu vô địch
Nụ cười và những chia sẻ chân thành. Đó là những gì tôi còn nhớ và sẽ mãi nhớ về Nguyễn Hà Thanh ( VĐV Thể dục dụng cụ Việt Nam). Tôi được giao viết bài bởi anh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô 2013, nhưng phải đến gần cuối cuộc trò chuyện tôi mới hỏi anh về danh hiệu đó. Tôi đã bị cuốn theo câu chuyện về cuộc đời và cái nghiệp VĐV của anh. Câu chuyện của một cậu bé 7 tuổi và những bước đi để trở thành nhà vô địch thế giới.
Huy chương, danh hiệu, phần thưởng, sự ca tụng và ghi nhận… đó không phải là điều để tôi nhớ về chàng VĐV ấy! Tôi nhớ về sự kiên trì của một VĐV 5 năm ngồi nài nhìn đồng đội thi đấu nhưng vẫn quyết đi theo cái nghiệp của mình. Nhớ về giọt nước mắt của cậu học sinh tiểu học những ngày đi tập huấn xa nhà, về những chấn thương và một đôi bàn tay đầy chai sạm.
Nguyễn Hà Thanh đã dạy tôi bài học về sự kiên trì. Nếu không có sự kiên trì của một cậu bé trường Tiểu học Ba Đình ngày nào và trong suốt 20 năm qua, thì hôm nay sẽ không có những tấm huy chương danh giá. Kiên trì với thất bại và những chấn thương dai dẳng, kiên trì để tự vượt qua bản thân. Và rồi khi đã vượt qua những giới hạn vốn có, lại tiếp tục kiên trì đi về phía trước để chinh phục những đỉnh cao mới.
Ước mơ gọi em đứng dậy
Thủ khoa khối C trong kì thi ĐH năm 2013, Đinh Thị Lệ Thu. Đó là một cô gái chuyên Địa có nụ cười rất duyên và dễ mến. Tôi đã gọi danh hiệu thủ khoa là trái ngọt đối với em. Trước kì thi ĐH, Thu chỉ đạt giải khuyến khích trong kì thi Quốc gia và không được ưu tiên xét tuyển.
Nỗi buồn, sự thất vọng và nuối tiếc. Nhưng chính ước mơ đã gọi em đứng dậy. Ước mơ được trở thành cô giáo, được quay lại ngôi trường chuyên Nguyễn Trãi và đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức mình có cho các thế hệ học trò.
Một ước mơ giản dị, trong sáng nhưng lại là nguồn động lực để cô bé Đinh Thị Lệ Thu đứng dậy từ chính nơi mình đã vấp ngã. Cũng chính em đã dạy cho tôi một bài học: Hãy dám ước mơ và nuôi lớn ước mơ của mình. Tự bản thân mình cũng có thể tạo ra phép màu để biến ước mơ thành hiện thực. Phép màu của sự kiên trì, nhẫn nại và chăm chỉ.
Còn rất nhiều câu chuyện tôi muốn kể, những con người tôi muốn cảm ơn. Một năm dài rộng đi qua, theo những cách khác nhau, những nhân vật trở thành người thầy dạy tôi bài học trong cuộc sống.
Lắng nghe và lắng nghe. Tôi cảm ơn nghề báo đã cho tôi có được cơ hội ấy. Lắng nghe để lấy thông tin viết bài, để biết khi nào là điểm dừng để không chạm quá sâu vào miền kí ức họ đã muốn dấu kín, để biết sẽ nói với họ những gì.
Họ không chỉ là nhân vật. Họ là những người bạn mới. Và họ là thầy của tôi!
Nguyễn Thị Minh Phương
Truyền hình K.31A2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Cùng chuyên mục
Bình luận