Một lần đi, một lần trải nghiệm

(Sóng trẻ)- Đến với Bát Tràng vào một ngày nắng ấm, trong cái háo hức của lần đầu gặp mặt, những cô phóng viên tương lai hào hứng bắt đầu cuộc hành trình.
    
Dường như mọi việc rất ổn thoả cho buổi sáng đi thực tế. Chúng tôi không bị lỡ xe bus, các bạn đều đến đúng giờ. Vì thế mà tâm trạng tôi cũng đỡ lo lắng phần nào. Buổi đi xa đầu tiên sẽ tốt đẹp, hi vọng vậy – Đó là ở bến xe bus đầu tiên.

Bến tiếp theo. Một bạn trong nhóm bị móc mất điện thoại, có vẻ khó khăn đã gõ cửa. May mà cô bạn khá mạnh mẽ nên coi đó chỉ là chuyện nhỏ. Gác lại khó khăn, ta vẫn vui vẻ lên đường. Qua thử thách đầu tiên tôi rút ra được bài học: Cẩn thận là tốt, nhưng cẩn thận đúng cách lại còn tốt hơn.

Trên xe bus. Hứng khởi với suy nghĩ là nhóm đầu tiên trên chuyến xe bus tới Bát Tràng, cả nhóm nói chuyện rôm rả và câu chuyện lan sang cả bác phụ xe. Thế là chút máu nhà báo tương lai lại có cơ hội trào dâng, các cô gái hăm hở phỏng vấn, hỏi han bác về Bát Tràng, về khu chợ gốm. Tôi bỗng tiếc nuối nhận ra một điều: Nếu tôi cứ mãi khép mình và đề phòng thế giới bên nài một cách thái quá thì tôi sẽ bị tước quyền được làm nhà báo trong tương lai.

Không phải kiềm chế nỗi háo hức quá lâu, hơn 8 giờ sáng chúng tôi đã có mặt ở Bát Tràng. Nhưng tôi thấy có đôi phần thất vọng bởi nhóm chúng tôi là những người đến sau. Bài học tiếptheo: Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ mình mình có thể! Hai cô bạn của tôi cũng đixe bus tới đây, nhưng họ đã đi được một vòng quanh làng, trong khi chúng tôi chỉ vừa mới đến. Một lí do thật đơn giản: Lửa nhiệt tình trong họ lớn hơn chúng tôi.

Ai đó đã đọc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh sẽ hiểu được tâm trạng của tôi lúc này: “Buồn ơi là sầu”. Thất vọng vì làng ta đã bị dịch vụ hoá, hết cô này rồi bác kia ra chào mời, co kéo chúng tôi không khác gì chợ tôm, chợ cá. Và, làng Gốm cũng không còn cổ kính hay rêu phong như trong tưởng tượng của một nhà báo tương lai như tôi.
                             
Mà đúng thế thật, xã hội nào rồi mà còn rêu cổ, chẳng lẽ ta cứ ép buộc cái khuôn mẫu ta mong muốn cho mọi sự vật như vậy? Đừng quá hi vọng vào một điều không thuộc về quyền hạn của ta, thế là tôi phải công nhận điều này thêm một lần nữa.

Cô giáo đến. Bác quản lí chợ Bát Tràng cũng xuất hiện. Bác đưa chúng tôi vào hội trường để nghe giới thiệu qua về Bát Tràng, xem qua quy trình nặn một đồ gốm. Ấn tượng đầu tiên: Những con người nơi đây thật hiếu khách, phóng khoáng và nhiệt tình.Họ tận tình chỉ dẫn và giới thiệu những thông tin cơ bản nhất cho chúng tôi nắm được. Lần đầu tiên được nhìn thấy đất sét, thấy cái hồn của đồ gốm, cái thuở ban đầu của một chiếc bát ăn cơm bình thường hay một thứ đồ cổ quý giá. Lúc ấy tâm trạng tôi phấn chấn lắm, như thể vừa bắt được một thứ đồ bị mất và vội reo lên: “A! Tao bắt được mày rồi!”.

Sau khi đã được nghe giới thiệu, cả lớp được cô phân công công việc, yêu cầu nhanh gọn như tác phong của những nhà báo thực thụ. Lo lắm, không biết sẽ chọn đề tài gì, sẽ hỏi những gì, hỏi ai, thông tin có xác thực không, sẽ mới, sẽ độc đáo chứ?! Thôi thì cứ đi đã, đến đâu hay đến đấy vậy.

Tôi và Hải cùng nhóm, thế là dứt áo ra đi khi mọi người vẫn sôi nổi thảo luận đề tài, địa điểm đi…

Hai cô nhà báo tương lai đã phỏng vấn được bốn người làm thuê, một bác chủ xưởng gốm. Sau khi nói chuyện, hỏi han các nhân công ở xưởng gốm của cô Phùng Thị Ánh Điệp (41 tuổi, xóm 1, Bát Tràng) tôi nhận ra một điều quan trọng: Khai thác thông tin từ những người làm thuê rất khó. Trước hết là do trình độ học vấn, sau đó là do tuổi đời còn trẻ nên những thông tin của họ rất rời rạc, cũng có thể là họ biết nhưng họ nói bằng một cách mà những nhà báo chưa ra trường không thể hiểu được – Một khó khăn thực sự!

Khi phỏng vấn cô Điệp, tôi đã không kịp ghi lại những gì cô nói. Nhanh và nhiều – Đó là sự khác biệt mà tôi cần phải thích nghi khi khai thác thông tin. Chỉ vì quá phấn khích trước nguồn tin của cô Điệp khi nói về sự phát triển của du lịch, cô cho rằng nó không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống những hộ gia đình làm gốm như cô mà tôi đã không ngộ ra rằng đó cũng là điều bình thường. Không phải ai cũng được hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, hơn nữa lại là du lịch tự phát. Lúc đó tôi đã quyết định dừng công việc phỏng vấn tại đó và tự tin vì đã có một đề tài hay để viết.

Rồi điều gì phải đến đã đến. Ý kiến của cô Điệp chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân, biết bao con người đã giàu lên, có một đời sống khá giả nhờ nghề du lịch – Cô giáo tôi nói vậy.Ý tưởng duy nhất của tôi bị sụp đổ. Hết thời gian. Hết sức lực. Còn buổi chiều để đi lấy thông tin nhưng lửa không còn cháy trong tôi và tôi cũng đã thấm mệt vì cuộc đi bộ dài buổi sáng. Và một lí do quan trọng hơn: Tôi không nên đi phỏng vấn với một bộ mặt âu sầu như thế này. Vậy là kết thúc buổi thực tế mà thông tin mà tôi thu được là con số 0 tròn trĩnh. Một bài học đắt giá mà chuyến đi đã để lại cho tôi, đó là: Phải thu thập thông tin bằng lý trí chứ không phải là tình cảm, cảm nhận cá nhân. Đừng bao giờ phỏng vấn duy nhất một người. Và chúng ta cần chuẩn bị một nguồn năng lượng thật dồi dào cho bất kì chuyến đi nào, nhất là một buổi đi thực tế lấy thông tin nếu bạn không muốn phải quay lại đó vào ngày hôm sau để thực tế lần 2!

Sự thật là tôi đã thất bại trong chuyến đi đầu tiên. Tôi không thể viết một bài với những thông tin, số liệu cụ thể về một vấn đề nào đó để đạt yêu cầu của cô giáo. Đó là do tôi lười tư duy, lười vận động, làm việc quá chủ quan và theo cảm tính - những điều tối kị đối với một nhà báo.

Tuy vậy, sau những vấp ngã là những lần rút kinh nghiệm. Cú ngã đầu tiên này có thể sẽ là khởi đầu cho những lần ngã tiếp theo nhưng tôi biết một điều rằng tôi sẽ đứng dậy và lớn hơn sau những vấp ngã ấy bởi tôi đã trải nghiệm và ngẫm ra được nhiều điều.

Nguyễn Thị Kim Lương

Lớp báo mạng điện tử K29

Học viện báo chí và Tuyên truyền





 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN