Nan giải giáo trình in lậu tại giảng đường (Bài 2): Giảng viên cung cấp học liệu cho cửa hàng photo?

Không chỉ khuyến khích sinh viên ra các cửa hàng photo để mua giáo trình, có những trường hợp chính những giảng viên trong trường đại học cung cấp cho các cửa hàng photo những nguồn học liệu.

“Có những giảng viên thông đồng với quán photo”

Trao đổi với nhóm phóng viên về thực trạng giáo trình in lậu tại giảng đường đại học, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiết lộ: “Tôi thì cấm sinh viên không ra quán photo mua giáo trình. Nhưng có những giảng viên thông đồng với quán photo. Có thể họ viết giáo trình họ lại đưa giáo trình ấy ra các quán photo để in ấn hoặc có thể họ lấy cả những giáo trình của người khác trong trường. Tôi biết cả giảng viên nào làm điều đó và từng đấu tranh rất gay gắt với những biểu hiện tiêu cực như vậy. Chỉ vì lợi ích cá nhân mà vi phạm đạo đức, vi phạm những điều pháp luật quy định, làm xấu hình ảnh đơn vị giảng viên đó giảng dạy”.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, việc sử dụng giáo trình nào học tập, giảng dạy chỉ có giảng viên trong trường, trong khoa mới biết. Đó là lý cho câu trả lời về việc tại sao những cửa hàng photo có thể in lậu sẵn số lượng lớn những cuốn giáo trình. Bởi họ biết chắc chắn đây là số giáo trình sinh viên cần sử dụng nên in số lượng lớn như vậy có thể bán hết được. 

Hơn 2 năm học tập tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Vũ Quang Linh lần đầu tiên bắt gặp sự việc chính giảng viên bộ môn của mình là người gợi ý ra các cửa hàng photo để mua giáo trình thay vì mua các giáo trình chính thống hoặc mượn đọc tại thư viện. 

z4696600913590_0641e158101c50cd2b5683990bcf1d09.jpg
Giáo trình photo được bày bán tràn lan tại các cửa hàng photo (Ảnh: Minh Toàn)


“Mình cảm thấy khá bất ngờ vì trong 2 năm học đầu tiên, các thầy cô luôn nhắc nhở lớp là không nên sử dụng những giáo trình photo bởi sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người viết sách và nhà xuất bản. Mình không nghĩ chính giảng viên trường mình lại bảo công khai với sinh viên trên giảng đường như vậy”, Linh chia sẻ.

Không chỉ với những cuốn giáo trình mà hàng năm, ngành xuất bản cũng bản cũng phải chật vật đối phó với sách lậu, sách giả. Mới đây, tại Hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống”, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021 - 722 cuộc), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sách lậu vẫn tiếp tục vẫn tiếp tục hoành hành tại các điểm phát hành và cả trên các không gian mạng, sàn thương mại điện tử…

Đầu năm 2023 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã điều tra và khởi tố vụ án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là sách lậu với số lượng được cho là lớn nhất từ trước tới nay (khoảng hơn 100 tấn) của nhóm đối tượng thực hiện trên địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội. 

Những loại sách thường bị in lậu theo Cục xuất bản chỉ ra tại Hội thảo là sách giáo khoa, tham khảo, sách giáo trình; Sách dạy và học ngoại ngữ; Sách văn học; Sách phổ biến kiến thức, sách chính trị, pháp luật; Sách “đen”.

Trong khi lợi nhuận mang lại từ in lậu sách là rất lớn, thì chế tài xử lý vi phạm về sách lậu còn thiếu, chưa đủ sức răn đe. Đa phần việc xử lý hành vi vi phạm vẫn là phạt vi phạm hành chính, đồng thời các mức phạt vẫn chưa thực sự khiến các đối tượng vi phạm e ngại, chưa ngăn được diễn biến phức tạp của sách lậu…

Giá trị của sinh viên sử dụng giáo trình in lậu?

Chia sẻ với nhóm phóng viên về những ý kiến của sinh viên trong việc sử dụng giáo trình không chính thống, PGS. TS Phạm Ngọc Trung cho rằng: “Xét về mặt nguyên lý, tri thức đúng là của chung. Nhưng rõ ràng các công trình nghiên cứu, được các giảng viên viết thành sách và chúng ta sẽ lấy đó làm tài liệu để học tập, nghiên cứu. Đó là công lao, trí tuệ của người viết kết tinh ở trong đó, sao có thể gọi là của chung được. Thời nào đi học mà không mất tiền. Những cách lý giải để biện minh cho việc sử dụng giáo trình không chính thống là sai hoàn toàn. Thậm chí là không hiểu biết gì về việc sử dụng học liệu ở các trường đại học hiện nay”.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cũng phê phán lối suy nghĩ cho rằng đại cương là những môn học không quan trọng của những sinh viên hiện nay nên không nhất thiết phải sử dụng giáo trình chính thống (Ảnh: NVCC)
PGS.TS Phạm Ngọc Trung cũng phê phán lối suy nghĩ cho rằng đại cương là những môn học không quan trọng của những sinh viên hiện nay nên không nhất thiết phải sử dụng giáo trình chính thống (Ảnh: NVCC)

Trên cương vị là một người viết giáo trình, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết, ông cũng đã từng bắt gặp rất nhiều lần những cuốn giáo trình do chính ông độc lập viết hoặc chủ biên bị photo, in ấn lậu. 

“Tất nhiên là tôi chỉ nhắc nhở các sinh viên của mình thôi, vì tôi thấy rất nhiều những thứ bị sai lệch đi trong cuốn giáo trình đó. Thực ra việc giáo trình tài liệu bị sao chép thì quá nhiều rồi. Nhưng đó là những vấn đề bên ngoài nhà trường, chỉ có các cơ quan thanh tra, của những cơ quan ban ngành khác. Tôi cũng chỉ phàn nàn thôi chứ cũng không có đủ thời gian để kiện tụng, thắc mắc. Còn chúng tôi viết giáo trình không phải là vì tiền, có những cái viết ra không bán cơ mà. Chúng tôi viết sách là vì khoa học”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung bộc bạch.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nếu không đủ tiền mua giáo trình chính thống với giá cao, sinh viên hoàn toàn có thể mượn tại thư viện của trường hoặc thời điểm hiện tại, trường đại học nào cũng đã số hóa những giáo trình, tài liệu tham khảo ở các thư viện số, thư viện điện tử. Chưa kể, những giáo trình photo, in ấn lậu khó có thể bảo đảm chất lượng tuyệt đối bởi không có khâu kiểm duyệt nội dung. Vì vấn đề bản quyền hoặc bất kỳ lý do nào, không tránh khỏi trường hợp nội dung trong những cuốn giáo trình không chính thống bị thay đổi không còn nguyên vẹn. Cho dù sinh viên có qua được môn học, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ không tốt. Về mặt phẩm chất đạo đức, việc sử dụng tài liệu photo, không chính thống đã vô tình ủng hộ cho những cái xấu, cái lậu lĩnh, những hành vi vi phạm pháp luật. 

“Chúng ta là những sinh viên đã đi học tới trình độ đại học rồi, nên tiếp cận với những tài liệu chính thống tài liệu tốt. Đừng chỉ vì tiếc mấy đồng bạc mà hạ thấp giá trị của mình, tiếp tay cho những người in ấn trái phép”, nguyên Trưởng khoa Văn hóa & Phát triển bộc bạch.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cũng phê phán lối suy nghĩ cho rằng đại cương là những môn học không quan trọng của những sinh viên hiện nay nên không nhất thiết phải sử dụng giáo trình chính thống. Ông Trung cho biết, các nước trên thế giới đều quan niệm đại cương mới là môn học quan trọng. Đây là những môn học trang bị cho sinh viên những lý luận cơ bản, nền tảng tới suốt đời. Còn các môn học chuyên ngành của sinh viên theo hoàn cảnh, thời đại sẽ thay đổi liên tục. Nắm vững các môn học đại cương, các sinh viên mới có thể vững vàng bước vào các môn học chuyên ngành. 

Về giải pháp để giảm thiểu được tình trạng giáo trình photo đang ngày càng thâm nhập sâu vào giảng đường, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết, điều quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức của sinh viên. Khi sinh viên nâng cao được nhận thức, không sử dụng thì những cửa hàng photo tự nhiên sẽ không còn xuất hiện những giáo trình photo. 

Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng, để giải quyết dứt điểm, Bộ Giáo dục, lãnh đạo các trường, học viện nên có những công văn, giấy tờ, kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm. Bởi những người giảng viên dù có muốn cũng chỉ có thể khuyên bảo sinh viên, không thể có chức năng để giải quyết vấn đề này. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN