Năng lượng phóng sự - Yếu tố số một của người viết phóng sự


Tôi viết bằng toàn bộ kinh nghiệm sống, có thêm chút láu cá của người cầm bút, có thêm cách thức của một nhà văn, nhà viết kịch, nhưng trên hết, tôi là người luôn khao khát tìm kiếm mọi cách thức để độc giả yêu dấu của mình tiếp cận được với nhân vật, sự kiện một cách hoàn hảo nhất với một phương pháp viết báo chuyên nghiệp nhất. Với một nhà báo, trở thành nhà phóng sự là một hạnh phúc to lớn. Nhưng để trở thành nhà phóng sự, nhà báo đó, trước hết, phải có năng lượng phóng sự..

 1. Đi

Đi không có nghĩa là đi nhiều nơi, đến nhiều chốn, gặp nhiều người, chứng kiến nhiều hoàn cảnh, nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện. Là nhà báo, ai chẳng đi nhiều, thậm chí có nhà báo đi quanh năm suốt tháng. Đi không hẳn là cần cho nhà viết phóng sự. Nhà viết phóng sự chọn cách đi riêng. Đi không ham hố, đi không thụ động, đi không mò mẫm. Khác với việc đi để đưa tin, viết bài thông thường, viết bài ăn lương, đạt chỉ tiêu, nhà viết phóng sự đi là để nắm lấy, chộp lấy, chiếm đoạt lấy, bao vây, trấn áp, móc ruột móc gan nhân vật, sự việc mà mình cần, để từ đó làm nên chất liệu phóng sự. Đi của nhà viết phóng sự không chỉ là đi đến nơi, gặp được nhân vật, sự kiện, mà trước khi làm chuyến đi đó , anh ta – tức nhà viết phóng sự, phải đi đến cùng văn hoá của sự kiện đó, nhân vật đó. Anh ta định đi lên các tỉnh miền núi, tìm viết một nhân vật miền núi là người Mường, Thái, Sán Dìu mà anh ta đã cảm thấy là nhân vật này, sự kiện này đang hút hồn anh ta? Thế thì trước khi đi trên thực địa, dứt khoát anh ta phải đi bằng tài liệu, bằng sách vở, bằng phong tục văn hoá, bằng địa lý, bằng truyền thuyết trước. Anh ta phải biết được nhân vật anh ta ở chỗ ấy, chốn kia tức là ở vùng văn hoá nào, nói năng thổ ngữ ra sao, phong tục tập quán, cách thức sống, sinh hoạt, sản xuất như thế nào? Biết như thế đã, mới đi đến nhân vật, mới chủ động phỏng vấn, hỏi chuyện, ghi chép, mới hy vọng dựng được nhân vật trong không gian thời gian, trong hoàn cảnh một cách chân thực, viết mới ra được hồn vía nhân vật, mới thấy được một nhân vật động cựa, có chiều sâu, có tính khái quát và hấp dẫn. Như thế là bước đi của nhà viết phóng sự là bước đi chủ động, vững chãi, bước đi của uy lực một người cầm bút am tường văn hoá, lối sống, am tường thế sự, am tường cuộc đời. Không có những bước đi như vậy mà cầm bút viết phóng sự thì sẽ là những phóng sự sao chép máy móc, những phôtôcopi lời kể của nhân vật, nghèo nàn, đơn điệu, nhạt tình, nhạt chữ, nhạt văn. Đó không phải là phóng sự, đó chỉ là gương người tốt việc tốt hay một bài phản ánh kéo dài theo kiểu tôi đến, tôi đi, tôi gặp, tôi thấy, tôi nghĩ rằng, tôi đề nghị, tôi thiết nghĩ như vốn vẫn xảy ra ở hàng trăm bài phóng sự vô thưởng vô phạt in rất nhiều trên các báo. Đó không phải là phóng sự. Chắc chắn không phải.

2. Gặp gỡ, hóng hớt, phỏng vấn.

Nhà báo thì phải gặp gỡ nhân vật, trực diện với sự kiện để ghi chép, để phỏng vấn. Nhưng nhà viết phóng sự có cách thức gặp gỡ nhân vật, sự kiện khác với nhà báo viết tin bài. Hay nói chính xác hơn, nhà viết phóng sự khi gặp nhân vật lại chủ yếu hóng hớt chuyện nhân vật hơn là phỏng vấn một cách nghiêm chỉnh và bài bản. Càng tiếp xúc nhân vật nghiêm chỉnh và bài bản theo cách như thưa anh, thưa chị, thưa ông, xin anh, xin chị, xin ông cho biết… là hỏng, không thể là cách tiếp xúc tài liệu để viết phóng sự. Tôi gọi hóng hớt vì có lý do. Hóng hớt là hóng chuyện, là nghe chuyện người ta, là gợi mở, là kích thích, thậm chí là kích động cho nhân vật được nói hết, được bộc lộ, được giãi bày, được gào lên, hét lên, nức nở lên, hả hê khoe khoang, thì thầm trò chuyện, nói cho hết, cho cạn kiệt ý nghĩ, công việc, cảm xúc, thậm chí cả những oan khuất, cả những vương vấn, cả những khát vọng, tham vọng, cả những ẩn ý, cả những âm mưu, cả những toan tính, cả những xuýt xoa, cả những nuối tiếc, cả những mơ mộng của chính họ, đích xác là họ và chúng ta – những nhà phóng sự phải há hốc mồm miệng ra mà nghe, nghe như nghe người tri kỷ, nghe như nghe chuyện người yêu, không cần ghi chép nhiều, bởi vì những câu chuyện hóng hớt bao giờ cũng thấm vào ta sâu sắc nhất, rõ nhất, cảm xúc nhất. Nhưng hóng hớt một cách chủ động, hóng hớt nhưng phải biết lái nhân vật theo đúng ý định của nhà phóng sự, thậm chí khi cần thì mớm cung cho họ, để họ nói được cái mà ta cần. Nhưng làm sao mà có được cái mà ta cần khi hóng hớt nhân vật?

3. Kịch bản của phóng sự.

Không đùa một chút nào. Nếu đi viết phóng sự mà không có trước kịch bản cho bài phóng sự thì không thể thành công. Kịch bản phóng sự là một cách thức giúp ta chủ động, giúp ta đỡ mất thời gian mò mẫm tìm kiếm tài liệu, kịch bản chính là một bộ xương chi tiết và việc gặp nhân vật, hóng hớt với nhân vật chính là thao tác để đắp da thịt vào bộ xương ấy. Mỗi bài phóng sự có một cách hình thành kịch bản khác nhau. Mỗi đối tượng nhân vật, mỗi tầm cấp nhân vật lại có một kịch bản khác nhau. Kịch bản tạo ra từ bố cục, từ khúc đoạn, từ cách sắp xếp các chi tiết để tạo ra một phong cách phóng sự tốt nhất, hấp dẫn nhất, kịch bản giúp nhà phóng sự kỹ lưỡng hơn khi tiếp xúc với nhân vật, chủ động hoàn toàn khi nhảy vào sự việc, và nhanh chóng rút êm khi đã có đủ tư liệu cho kịch bản phóng sự của mình. Kịch bản phóng sự là thứ thiên biến vạn hoá, là cách để nhà phóng sự tìm được một cách chắc chắn chìa khoá để giới thiệu nhân vật, sự kiện, là cách để nhà phóng sự mê hoặc độc giả, lôi kéo độc giả, làm náo động ruột gan độc giả, cuốn hút độc giả, lôi kéo độc giả ngay từ tình huống đầu tiên, ngay từ câu thoại đầu tiên của nhân vật, ngay từ khung cảnh đầu tiên của sự kiện. Kịch bản có thể đột ngột thay đổi khi trực tiếp tiếp xúc với nhân vật, sự kiện, nhưng dù có thay đổi thì cũng phải có ngay một kịch bản được thay đổi. Phải biết một cách chắc chắn phóng sự này là hai kỳ, một kỳ, là 1500 chữ, 800 chữ hay 2000 chữ, phải biết một cách chính xác độ dài của phóng sự ngay từ khi tiếp cận nhân vật, sự kiện,và muốn  vậy, không gì hơn là phải có kịch bản phóng sự.

4. Giọng

Cũng không được đùa với điều này. Nó quan trọng lắm. Giọng phóng sự là hồn vía, thần thái của nhân vật, câu chuyện mình đang phản ánh và trước hết là mang giọng của chính tác giả, phong cách của tác giả, nét riêng tác giả, không lẫn được. Che tên tác giả đi, vẫn nhận ra được bài phóng sự này la ai viết. Đạt được như vậy tức là phóng sự có giọng. Giọng phóng sự là một cuộc phấn đấu kì khu, có thất bại, có thành công, nhưng nhất định nhà phóng sự phải tạo ra được giọng của phóng sự. Giọng của phóng sự bật ra từ cách hành văn, từ bố cục, từ câu chữ, từ cách dựng nhân vật, chi tiết, từ chữ nghĩa. Một câu chuyện rất buồn, nhưng không phải ai kể ra cũng thành một câu chuyện buồn, cũng lấy được nước mắt người nghe. Người kể chuyện hay phải có giọng. Nhà viết phóng sự muốn hay cũng phải có giọng, giọng riêng, không lẫn vào ai cả, giọng của mình, giọng ấy được phát lộ từ một quá trình rèn giũa, tu luyện, từ sự kiên nhẫn vô biên của người cầm bút và từ cách thức mà người viết phóng sự muốn mê hoặc độc giả của mình.

(Còn tiếp)

Nguyễn Quang Vinh
(Báo lao Động)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN