Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Người dệt lên tấm lụa “vàng”

(Sóng trẻ) - Không chỉ nổi tiếng là người biến con tằm thành chăn bông, nghệ nhân Phan Thị Thuận (68 tuổi, Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) còn là người đầu tiên ở Việt Nam gây dựng thành công thương hiệu độc đáo qua những sản phẩm lụa tinh xảo, có giá trị cao được làm từ tơ sen

Những thước lụa đắt như vàng ròng

Cứ đến tháng 6, xưởng dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận lại phảng phất hương mùa hạ của hàng nghìn cuống sen tươi.

Chia sẻ về cơ duyên đến với tơ sen, bà Thuận trầm ngâm kể, năm 2017, khi đoàn công tác của Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đến thăm xưởng sản xuất dệt lụa tơ tằm của bà đã gợi ý về việc nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen. Trong chuyến thăm đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tặng bà Thuận một chiếc cốc in hình bản đồ Việt Nam, trên chiếc cốc in hai câu thơ mà bà vô cùng tâm đắc: “Sao cho đất Việt sáng tên/ Sao cho dân Việt bình yên mọi bề”.

“Đọc xong hai câu thơ đó, tôi thực sự xúc động. Giấc mơ góp sức cho đất nước ấp ủ trong lòng bấy lâu dâng lên mãnh liệt, tôi lập tức nhận lời”, bà Thuận chia sẻ. Như ngọn đuốc được châm lửa, sau lần đó, bà Thuận đầu tư công sức tìm tòi, nghiên cứu. Bỏ ngoài tai những lời khuyên can từ mọi người, bà tự bỏ tiền mua một mảnh ruộng để trồng sen thử nghiệm. 

1.jpg
Công đoạn lấy tơ được làm tỉ mỉ, khéo léo.

Sau gần 1 năm tỉ mẩn, chiếc khăn tơ sen đầu tiên được dệt thành công từ 4.800 cuống sen, có độ dài 1,7m, rộng 0,25m. Không chỉ mềm mại, những sợi tơ còn có mùi thơm tự nhiên đúng với cái danh viên ngọc quý trong giới vải vóc.

8.png
Nghệ nhân Phan Thị Thuận thực hiện công đoạn se tơ từ cuống sen.

Chia sẻ về công đoạn để tạo ra sợi tơ sen, bà Thuận cho biết tất cả đều được làm hoàn toàn thủ công: “Cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp. Sau đó dùng dao khứa xung quanh cuống sen, dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Công đoạn này phải diễn ra khéo léo tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi, hỏng hoàn toàn. Quan trọng hơn, người làm phải để tâm và trái tim vào sợi tơ này thì mới ra được sợi tơ đẹp”.  

3.png
Sợi sen thu được rất mảnh, bông, nhẹ và có mùi thơm tự nhiên.

 

Nỗ lực phát triển tơ sen

Hiện nay, một chiếc khăn làm từ tơ sen được nghệ nhân bán với giá trên 8 triệu đồng, tùy loại. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất khăn quàng cổ mà nghệ nhân còn sáng tạo các sản phẩm từ tơ sen như: đồ tâm linh, tranh, áo….

4.png
Với ưu điểm thân thiện với môi trường và sự kỳ công trong từng công đoạn nên một chiếc khăn sen có giá bán trên 8 triệu đồng, tùy loại.

“Mỗi khi sử dụng sản phẩm lụa sen khách hàng không chỉ thấy ấm, thấy thoáng, thấy nhẹ mà còn ngửi thấy hương sen phảng phất trên người. Bởi thế bên cạnh giá trị sử dụng, lụa sen còn có giá trị tâm linh, như luôn luôn có Phật ở bên mình vậy.

Hơn nữa, việc tận dụng được phần cuống sen bị bỏ đi sẽ góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường. Đặc biệt, sản xuất tơ sen sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người dân làng”, bà Thuận chia sẻ.

Sản phẩm lụa tơ sen có chất lượng cao, tuy nhiên để phát triển hơn nữa, nghệ nhân Phan Thị Thuận vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như sen chỉ có mùa nên việc lấy tơ vẫn theo thời vụ. Các công đoạn sản xuất chủ yếu làm thủ công nên việc dệt lụa tơ sen tốn nhiều thời gian.

5.png
Không chỉ tận dụng cuống sen, nghệ nhân còn lấy lá sen để làm nón.

Trong căn nhà luôn lách cách tiếng thoi đưa ấy, hàng ngày bà Thuận tỉ mỉ chỉ dạy cho những người thợ của mình về kỹ thuật dệt lụa từ tơ sen. Ngoài những người thợ chính, vào mỗi dịp nghỉ hè, bà còn nhận các em học sinh đến học nghề. Không những truyền dạy miễn phí, nghệ nhân còn thưởng cho mỗi em học sinh 50.000 đồng/ngày.

“Tôi mong muốn các sản phẩm từ tơ sen của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, đưa thương hiệu tơ lụa sen ra thế giới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đặc biệt là giữ gìn, phát huy nghề truyền thống ông cha để lại.

Cuộc sống này dù có du nhập những điều mới mẻ và hiện đại nhưng tôi vẫn rất coi trọng truyền thống và quá khứ. Bởi hiện đại chẳng tự nhiên mà có, mọi thứ mới mẻ đơn giản cũng chỉ bắt đầu từ những thứ đơn sơ”, bà Thuận tâm niệm.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN