Nghị lực vượt khó của chàng trai khiếm thị
(Sóng Trẻ) - “Em muốn chứng minh với mọi người, dù ta tàn nhưng ta không phế, mắt ta mù nhưng trí tuệ ta sáng, dù cuộc đời có vùi dập nhưng chỉ cần có niềm tin thì ta có thể làm được tất cả những gì mà người bình thường khác làm được”
Cháy bỏng khát khao đến trường
Đến xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hỏi thăm nhà em Trần Thế Hoàng không ai mà không biết. Được người dân nhiệt tình chỉ dẫn, tôi tìm đến một ngôi nhà nhỏ, nằm sâu trong ngõ, khuất sau rặng tre già nơi phát ra âm thanh tiếng sáo trúc trầm bổng.
Sinh ra và lớn lên thiếu đi bàn tay che chở của người bố, bởi vậy, đối với bà nại, mẹ và chị gái, Trần Việt Hoàng chính là niềm tin, hi vọng, chỗ dựa lớn nhất của gia đình đơn chiếc, nghèo khó. Từ nhỏ, Hoàng đã là cậu bé có tư chất thông minh, nan nãn và học giỏi nổi tiếng nhất làng.
Tuy nhiên, số phận lại quá trêu ngươi khi những con chữ trên bảng cứ mờ dần trước mắt cậu bé ham học. “Năm em 5 tuổi, mắt em có dấu hiệu mờ dần, những con chữ trong sách em nhìn không còn rõ, ngay cả gương mặt của mẹ, của bà cũng xuất hiện nhập nhòe trước mắt em. Rồi mẹ đưa em đi khám, bác sĩ bảo em bị bong võng mạc”, Hoàng bồi hồi nhớ lại.
Ảnh1: Trần Việt Hoàng (áo đen) trong chuyến đi Trại hè khát vọng
Bằng mọi giá giữ cho con nguồn sáng, người mẹ nghèo một mình chật vật bán hết mọi gia sản trong nhà, vay thêm tiền anh em, ngân hàng đưa con đi khám bệnh. Để rồi suốt 4 năm liền, chạy chữa khắp mọi nơi, đến bệnh viện mắt Trung ương hàng chục lần, trong đó có 4 lần thực hiện phẫu thuật cho con.
Cứ mỗi lần phẫu thuật là một lần người mẹ ấy lại nhen nhóm lên niềm tin, hi vọng để rồi lại thất vọng khi nghe bác sĩ tuyên bố Hoàng bị bong võng mạc giai đoạn cuối, cơ hội để em nhìn thấy ánh sáng dường như là không còn. Nước mắt của người mẹ nghèo đã cạn kiệt. Mẹ đau đớn, còn Hoàng thì chìm trong nỗi thất vọng với màn đêm u tối. “Lúc đấy còn quá nhỏ, nhưng em hiểu được những gì mà mình đang phải trải qua. Mọi ước mơ trong em lúc ấy vụt tắt. Không còn những ngày tung tăng cùng bạn bè đến trường, nhưng nỗi sợ hãi lớn nhất của em chính là gương mặt của mẹ, của bà, của chị cứ mờ dần, mờ dần trong em. Em sợ đến một ngày nào đó, chính em không còn nhớ và hình dung được khuôn mặt của những người mà em thương yêu” – Hoàng chậm rãi kể lại quãng thời gian khó khăn nhất của mình.
Và rồi, như một phép màu nhiệm kì đến với em. “Khi các cô ở Hội người mù huyện Can Lộc đến thăm, động viên và hứa sẽ dạy chữ Braille để em có thể tiếp tục đến trường như bao bạn khác, em mừng đến nghẹt thở khi biết cánh cửa cuộc đời mình chưa khép lại. Còn mẹ em chỉ biết khóc vì quá hạnh phúc”.
Một năm tiếp cận với chữ Braille là khoảng thời gian khó khăn nhất và cũng là nỗ lực vượt bậc của Hoàng. Đã có những lúc, cậu bé 10 tuổi ấy muốn bỏ cuộc, buông xuôi tất cả, phó mặc cho số phận. Nhưng với khát khao cháy bỏng được đến trường cùng các bạn, cùng với đó là sự ân cần, động viên từ mẹ đã giúp em vượt lên tất cả. Bên chiếc bàn học nhỏ, người ta vẫn thấy hình ảnh một cậu bé nhỏ nhắn, tay lần từng chấm nhỏ để nhận biết từng mặt chữ. Sau một năm, Hoàng đã đọc thông, viết thạo và nóng lòng chờ ngày trở lại ngôi trường cấp 1 thân yêu.
Ngày em trở lại trường, thầy cô, bạn bè đón em trong vòng tay chan hòa, ấm áp. Được thầy giáo khen tiếp thu bài nhanh, Hoàng vui đến phát khóc. Đón em ở cổng trường với chiếc xe đạp nhỏ, người mẹ nghèo ôm chầm lấy em vì hạnh phúc. Cũng từ đây, Hoàng bắt đầu chặng đường nỗ lực, tự tin khẳng định ý chí, nghị lực và trí tuệ của mình. Căn nhà nhỏ của gia đình em giờ đây lại ngập tràn ánh sáng và niềm vui.
Tàn nhưng không phế
Con đường học tập của Hoàng dẫu đã mở ra, nhưng cũng gặp không ít gian truân, vất vả. Suốt những năm tháng cấp 2, mẹ là người chở em trên chiếc xe đạp cũ để đến trường. Thương mẹ vất vả, khó nhọc, Hoàng lại càng chăm chỉ. “Mới đầu trở lại trường, em vẫn còn khá tự ti. Bị bạn bè xa lánh, châm chọc. Em không biết mặt thầy cô cũng như các bạn, chỉ có thể nhận biết qua giọng nói, có những lúc bị mọi người trêu, em chỉ biết ngồi một chỗ và cười trừ, chỉ mong tan học nhanh để mẹ đón về nhà”.
Tình yêu thương và quyết tâm của mẹ là động lực to lớn để Hoàng vượt qua muôn vàn thử thách. “Em nghĩ mẹ chính là nguồn sáng, là đôi mắt thứ hai của em. Mỗi lần muốn bỏ cuộc, em lại nghĩ đến mẹ, mường tượng ra khuôn mặt của Người để vững tin và có thêm sức mạnh để bước tiếp”.
Ảnh2: Cậu bé khiếm thị với niềm đam mê thổi sáo
Ý chí quyết tâm cùng tư chất thông minh, phương pháp học phù hợp đã giúp Hoàng vượt lên cả những bạn bình thường, luôn là học sinh dẫn đầu và là học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Đặc biệt, năm lớp 9, Hoàng đạt học sinh giỏi Huyện môn Lịch sử và lọt vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi Tỉnh.
Tiếp tục giữ vững phong độ, lên bậc Trung học Phổ thông Hoàng là một trong những bạn học tốp đầu của lớp 11A2, năm học vừa rồi, tổng kết cả năm của cậu bé khiếm thị đạt 8.2 điểm, đứng đầu lớp. Hoàng trở thành niềm tự hào của thầy cô cũng như bạn bè ở trường.
Khoảng trời của Hoàng càng được mở rộng khi em trở thành tấm gương sáng của nghị lực vượt khó và được tham dự nhiều cuộc biểu dương, giao lưu học sinh khuyết tật tiêu biểu ở Thủ đô Hà Nội. “Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi chuyến đi là cơ hội để em học tập thêm những tấm gương đầy nghị lực ở khắp mọi miền Tổ quốc. Từ đó, em thêm tự tin và lạc quan để hòa nhập vào cuộc sống muôn màu này”.
Khi được hỏi về những dự định tương lai, Hoàng hào hứng chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của em là bác sĩ, em muốn học ở Y học cổ truyền để sau này có thể chữa bệnh. Em đang tập trung cố gắng học những môn tự nhiên để từng bước chinh phục ước mơ của mình, em muốn chứng minh cho mọi người thấy, dù tàn nhưng mình không phế”.
Dù biết chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng với sự nỗ lực và ý chí kiên cường, Hoàng sẽ vượt lên tất cả và biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Thân Thị Hiền - Báo In K34A2