Người nghiện...
(Sóng trẻ) - Đã nhiều tháng nay, quanh khu vực chợ Long Biên,người ta vẫn nhìn thấy một người đàn ông dắt một người đàn bà gầy rạc, mang một cái bụng lớn như có chửa. Họ lang thang khắp nẻo xin ăn. Tầm 9h tối lại quay về bến xe trải chiếu ngủ kết thúc ngày. Xe ôm bảo họ là những con nghiện, bẩn thỉu, hôi hám và đừng đến gần. Họ cũng nói rằng hai con người kia đang lừa thiên hạ để có đủ tiền chích thuốc.
Đêm cùng người nghiện
“Ăn đi ba” người đàn bà gầy rạc có cái bụng to ấy gọi người đàn ông là ba và liên tục dúi cái ca phở còn dở lưng nửa vào bàn tay của ông già kia. Khuôn mặt hốc hác như thiếu ngủ của ông già nhìn về phía cô gái. Tay ông run run đỡ lấy cái ca đẩy về phía cô, luôn miệng “Con ăn đi, ba ăn rồi”.
Cha con người đàn ông nghiện tá túc qua đêm nài bến điểm xe buýt Long Biên
Trong cái mưa lạnh, một mình giữa đêm Hà Nội, tôi may mắn được hai người kia cho tá túc nhờ trên ổ của họ theo đúng nghĩa đen.Cái ổ được chất xung quanh là những đống túi ni lông,vài ba cái bát và hộp cơm áp trực tiếp vào ghế chờ xe buýt. Bên này là tiếng inh ỏi của còi tàu rú lên từng hồi. Bên kia là tấp nập những người phụ nữ cửu vạn đẩy hàng vào chợ, tiếng xe cút kít. 2 giờ sáng. Điểm buýt ở trung chuyển Long Biên tối đen vì những ánh điện leo lét từ nhà vệ sinh công cộng gần đó cũng đã bị tắt ngấm. May sao, người đàn ông kia còn nhận ra tôi “Con gái mà làm gì ở bến xe giữa đêm như thế này, sang đây ba bảo cô cho ngồi nhờ rồi sáng mai về,nài lạnh lắm”.
Người đàn ông ấy kéo tay tôi dù trên khuôn mặt của cô sinh viên năm cuối như học sinh cấp ba còn do dự. “Chiếc giường đặc biệt” của họ giữa cái rét đầu đông vẻn vẹn chỉ tầm hai ô gạch. Chiếc chăn cũ đã rách nát có lẽ đã được ai cho trước đó, trải trên nền ẩm ướt bị mưa hắt vào ở trạm xe buýt. Trên cái chăn rách, không biết gọi là chiếc chăn hay giẻ màu hoa đào mỏng dính, hai con người lầm lũi ấy và tôi – “kẻ lang thang” bất đắc dĩ trở thành “người thân” của hai con người kia. Người đàn ông ấy xưng với tôi là ba, người sẵn sàng nhường cả phần ổ ấm kia cho một con bé ở đẩu ở đâu vì không còn tiền mà phải qua đêm ở bến chờ xe buýt . Còn ông ta ngồi nài nền trên chiếc dép. Người đàn ông đó tên Mạc Đồng Tiến, quê gốc ở Hà Nam,lớn lên ở Hàng Bông , Hà Nội. Ông với vợ bỏ nhau từ lâu. Đứa em trai út vì lô đề cờ bạc mà ép cả nhà ký giấy bán nhà. Người đàn ông “khoe” với tôi cái biển dùng để kiếm ăn của họ.
Trong cái biển đề rõ là cô con con gái bị ung thư giai đoạn cuối và đang mang thai 4 tháng cần được giúp đỡ. Nhưng người đó nói thêm : “ thực ra chị không mang thai đâu con,chỉ là cái biển ghi vậy cho người đi qua thương cho tiền để tích cóp đưa chị vào bệnh viện thôi. Cái bụng to đó là bị…báng bụng, bị bệnh gan. Người ta bảo đây là… giai đoạn cuối rồi”. Giọng ông nghẹn lại, vơ vội túi ni lông đựng toàn bưởi được bóc ra (chắc được ai cho) đặt trước tôi như để tránh đụng vào nỗi đau. “Ăn đi con”- ông ấy bảo tôi.
Khuôn mặt gầy gò, đôi mắt lờ đờ như người ngái ngủ của người đàn bà nghiện
Cho đến lúc này, tôi mới cố để nhìn kỹ người con gái ngồi cạnh mình nhờ ánh đèn lờ mờ của chiếc ô tô tải hoa quả ngang qua. Khuôn mặt gầy gò, đôi mắt lờ đờ như người ngái ngủ. Cái áo mỏng dính,ngắn cũn cố gắng kéo sâu xuống nhưng không che nổi cái bụng lớn như có chửa thật. Chị vật vờ. Đầu chỉ gục lên gục xuống . Chị ngủ ngồi tựa vào tải giẻ rách phía sau. Cứ chốc chốc, như bị ai đánh thức, vẫn trong cái thần thái vô hồn, gật gù đấy chị mở cái bật lửa châm thuốc. Chị ta dí tàn thuốc vào chiếc chăn hoa đào đục thành những lỗ dày đặc như một thói quen. Mùi khói lá, mùi khai từ nhà vệ sinh công cộng Long Biên, mùi hoa quả, mùi rác, mùi cơ thể của hai người…hòa lẫn vào nhau làm tôi khó lòng quên được. Tôi khóc. Tôi không hiểu sao nước mắt mình lại chảy ra khi nhìn người phụ nữ ấy. Người phụ nữ buộc tôi phải cảm nhận về một Hà Nội khác. Hà Nội lầm than, còn nhiều day dứt. Tôi đã khóc cho… người đàn bà nghiện.
Sự thật
Lúc đó có giấy bút trong tay,nếu có thể, tôi đã viết. Viết về những cuộc đời dưới mức khó hình dung cho một kiếp người ấy. Tưởng như cảm xúc bên trong cứ ào ào đổ ra vì lần đầu tiên được hỏi thăm , được quan tâm, được cho tá túc lại qua đêm. Đó không phải bởi những bà hàng nước xuyên đêm, không phải từ những cửa hiệu bán bún nài kia mà từ những người với vẻ nài lôi thôi, lếch thếch, sống đầu đường,xó chợ. Điều đó gần như là động lực duy nhất cho tôi trở lại chợ Long Biên lần nữa.
Chợ Long Biên 9 giờ 37 phút tối, nhộn nhịp tiếng còi xe, tiếng rồ máy nhanh chóng của những chiếc xe buýt tuyến cuối cùng. Tiếng mời vớt vát khách từ mấy ông xe ôm trước giờ về nghỉ. Tôi trở lại điểm xe buýt có hai con người hôm qua đã nồng nhiệt giúp đỡ. Không thấy họ, tự nhiên tôi thấy khóe mắt mình cay. Bèn hỏi một chú xe ôm ngồi cạnh “ Chú ơi, chú ở đây lâu chắc biết một người đàn ông và một chị bụng to to hay ngủ lại bến xe. Hôm nay, chú đã gặp họ chưa?”. Người xe ôm ấy, tên Lê Văn Khánh ( Đức Giang, Hà Nội) đáp tôi “Chắc đi Từ Sơn rồi, bên này làm gì có ai mua bán thuốc cho đâu mà chích, phải sang đấy mua, chắc cũng sắp về rồi. Thấy hai đứa đó “truyền ven tại bến xe” ( tiêm chích) nhiều lần rồi, ngày trước còn hãi, chứ giờ quen rồi. Mà về rồi kìa”. Đúng là người đàn ông và cô gái hôm qua. Họ bước xuống từ chiếc xe buýt và đi về phía đối diện tôi.
Cả toán xe ôm chỉ theo người đàn ông xách trong tay hộp cơm, người con gái chân khập khiễng tay đỡ lấy cái bụng lớn ấy cười lớn. Còn mắt tôi nhòe đi. Lần này, không phải vì thương cho họ, mà ở thế ngược lại. Mình bị họ lừa. Họ là những con nghiện. Đêm qua, tôi đã ở cùng những con nghiện ấy. Cô gái làm tôi khóc hôm qua, hóa ra là một người nghiện lâu năm rồi bị bệnh. Tôi tự nhiên thấy ghê sợ. Trong lúc mấy xe ôm còn cười và thấy ghê về câu chuyện như bịa của tôi ngồi qua đêm trên chiếc giường của hai người đó. Tôi bỏ đi, chực bỏ về, nhưng rồi quay lại vào chợ tìm đề tài vì thấy thương xót cho công đi của mình.
Khoảng 10 giờ 30 phút đêm, chuyện thật như đùa . Tôi tình cờ gặp người phụ nữ ấy tại nhà vệ sinh công cộng trên đầu phố Gầm Cầu, cách bến xe khoảng 200mét. Vẫn cái khuôn mặt lờ đờ , hốc hác và cái bụng to ấy, chị ta lê từng bước xuống bậc của nhà vệ sinh rồi lục trong túi ra một điếu thuốc lá. Chị châm thuốc lên, vừa đi vừa hút. Chắc dù tôi có đứng trước mặt thì chưa chắc chị ta đã nhận ra mình là ai. Chị ta không trả tiền giấy vệ sinh cho người trông, mà lừng lững đi về phía gầm cầu.
Nhà vệ sinh công cộng đầu phố Gầm Cầu- nơi người phụ nữ và người đàn ông kia thường đến tắm rửa hoặc chích thuốc
Nói chuyện với anh Nguyễn Thế Phúc (25 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), nhân viên trông xe, cũng kiêm luôn dịch vụ “giữ” nhà vệ sinh công cộng về người phụ nữ ấy. Anh nói “ Anh làm ở đây ca đêm, từ 9h tối đến 4h30 sáng, cứ đều đều, có người đàn ông và chị này đến tắm rửa, họ đi ăn xin,tối lại ngủ dưới bến xe. Nhưng em cẩn thận, tắm xong họ còn để lại cả bơm kim tiêm đấy. Nhìn là biết chị đó nghiện nên anh chả lấy tiền làm gì. Họ làm họ ăn, em quan tâm làm gì”.
Anh Phúc nhân viên trông xe kiêm dịch vụ vệ sinh công cộng, người nhiều lần nhặt bơm kim tiêm của người phụ nữ khỏi nhà vệ sinh công cộng
Một xe ôm tên Vương Văn Sỹ ở khu vực gầm cầu đang chờ khách cũng nói vọng vào “ Người nghiện thì đã sao, họ vẫn là con người mà, chỉ khi thiếu thuốc mới mới sợ chứ. Chứ cứ như bình thường gì phải xa lánh. Ngày trước, ở bến này còn nhan nhãn nghiện”.
Cũng đúng. Người nghiện thì đã sao, tại sao tôi phải sợ hãi họ. Nhìn theo bóng người con gái kia nhỏ dần lê từng bước đến xe buýt, chắc cô đang đi về chiếc ổ quên thuộc. Tôi chỉ dám phỏng đoán vậy.
Đã vài ngày kết thúc kết thúc chuyến hành trình xuyên đêm một mình giữa chợ Long Biên, lúc gầm cầm, lúc bến xe. Những ám ảnh về người phụ nữ có cái bụng lớn đang gật gù, đôi mắt lờ đờ húp ca phở vội vàng trong đêm vẫn hiện lên trong tôi như giấc mơ sống sượng.
Chắc bây giờ hay những đêm sau nữa,người ta vẫn nhìn thấy họ - người đàn ông kia và cô gái nghiện đang vật vờ trong đêm tối. Thế nhưng còn những ngày sau đó? Cuộc sống của họ sẽ về đâu?
Không biết người phụ nữ ấy,có còn tỉnh táo dù chỉ một chút để nhận ra không khí ồn ào, mua bán hoa ở chợ Long Biên 20/10?
Lại Thị Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận