Những gánh hàng rong "bị còng" có thỏa đáng?
(Sóng trẻ) - “Ước gì ngày mai, gánh hàng có một chỗ đứng” là niềm mong mỏi của bao con người buôn thúng bán bưng giữa lòng thành phố. Những gánh hàng rong nặng trĩu lo toan ấy biết làm gì khi phải liên tục chạy đua với chính quyền?
Hình ảnh chiếc xe tải cùng băng rôn “phấn đấu xây dựng thành phố văn minh” chầm chậm chạy trên các tuyến phố dường như không còn xa lạ. Tuy quen thuộc nhưng có phần “không hợp lắm”, bởi khi tiếng loa vang lên, cả khu phố trở nên bát nháo, lộn xộn với tiếng hò hét, chửi rủa của những người buôn bán lề đường.
Hình ảnh những chiếc xe “gầm gừ” qua từng con phố
Có người may mắn chạy thoát. Những kẻ chậm chân bất lực giành giật với mấy anh trật tự khiến gánh hàng đổ ụp xuống lòng đường. Chỉ đến khi chiếc xe rời bánh, người bán hàng mới bất giác cúi xuống nhặt nhạnh mấy thứ đồ rơi vãi, mắt đăm đăm nhìn theo chiếc xe.
Biện pháp phạt, tịch thu liệu có độc đoán?
Những người bán hàng rong đa số xuất thân từ nông thôn. Vì đói nghèo họ phải bỏ lên thành phố sống bám vào vỉa hè. Hàng triệu con người no đói thất thường với những gánh chè đen, xe đậu hũ,…Bất kể nắng mưa, đêm ngày, bước chân của những người gánh hàng rong vẫn trôi theo vòng xoáy cuộc mưu sinh.
Thế nhưng, việc buôn bán của họ không hề dễ dàng. Những người bán hàng thường bị lên án vì lấn chiếm vỉa hè, lối đi chung gây bất tiện cho việc đi lại. Nghề của họ bị coi là bất hợp pháp và có thể tịch thu hàng hóa bất cứ lúc nào.
Việc tịch thu này tạo nên những cảnh tượng rượt đuổi, giằng co phản cảm cũng như kiểu quan hệ đối phó từ những người bán hàng rong. Khi lực lượng cưỡng chế vừa đi khỏi, họ lại nhanh chóng quay về chỗ cũ buôn bán.
Sau khi lực lượng chức năng đi khỏi, việc buôn bán trở lại trạng thái cũ
Cũng vì nguy cơ bị đuổi luôn đe dọa, nhất là khi tắc đường hay áp lực từ phía người dân sống trong khu vực,buộc những người buôn bán vỉa hè phải sử dụng những chiếc xe đẩy,trải vài tấm bìa các tông trên nền đất thay vì đầu tư dài hạn là mở hàng quán. Điều này vô tình dẫn tới sự lộn xộn, gây mất trật tự đô thị.
Thực tế, chính quyền không đối thoại để lập lại trật tự, giao kèo về rác thải với người bán hàng rong. Lực lượng chức năng hông thỏa hiệp mà vô tình đẩy người nghèo vào thế đối lập với chính mình, để họ quay ra bất chấp tất cả, vẫn bưng thúng mủng, hàng hóa ra đường bán.
Trên trang Facebook cá nhân, bạn Huy Phan đã chia sẻ hình ảnh một bà cụ 70 tuổi gầy gò quỳ lạy van xin sau đó ngã ra đường ngất xỉu khi xe bán trái cây rong là nguồn sống của mình bị công an tịch thu. Kèm theo đó là lời tâm sự của bà cụ khiến nhiều người không khỏi xót thương: “Cái xe tôi mua góp một triệu mà người ta phạt hai triệu rưỡi. Tôi bán ở đây cũng đóng thuế đàng hoàng. Khi họ đi dẹp tôi đã kéo xe vào trong kia rồi nhưng 6,7 người lôi ra. Tôi khóc xin quỳ lạy nhưng họ nhất quyết không tha”.
Bà cụ ngất xỉu sau khi xe trái cây bị công an tịch thu
Thiết nghĩ, muốn giữ cho thành phố thanh lịch, không còn những gánh hàng rong hay xe đẩy lấn chiếm vỉa hè, trước tiên, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người nghèo, người không còn sức lao động… Mặt khác, nếu Việt Nam thay vì kiểm soát, chính phủ hỗ trợ, bảo vệ cho những người bán hàng rong có một vị trí buôn bán, thì kinh doanh đường phố sẽ là bước khởi đầu cho thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà.
Thúy Nga
Báo Mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận