Người ngồi mâm dưới

(Sóng trẻ) - Chế độ cũ đã lùi xa, các hủ tục đã nép mình nhường chỗ cho nền văn minh phủ bóng. Vậy mà đâu đó dưới những mái nhà Việt, vẫn còn hình ảnh những người ngồi ăn ở mâm dưới mỗi dịp cỗ bàn. Đó không đơn giản chỉ là một chỗ ngồi, nó còn thể hiện vị thế của một con người, là hồi chuông cho sự bất bình đẳng giới đang tồn tại ngay trước mắt chúng ta.

 
Hình ảnh minh họa
Ngồi mâm dưới: Phong tục hay hủ tục?

Nhắc đến câu chuyện “người ngồi mâm dưới”, chắc nhiều người sẽ nghĩ chỉ còn những vùng quê mới xuất hiện cảnh này. Nhưng sự thật, câu chuyện đó vẫn len lỏi tồn tại trong nhiều gia đình hiện nay. Họ coi đó là một phong tục, một nếp sống từ thời cha ông không dễ gì xóa bỏ.

Phải chăng chính cái mác phong tục ấy đã đặt lên người phụ nữ một chức phận, mà ngồi mâm dưới mới chỉ là một phần để làm tròn chức phận ấy. Nhưng “ngồi mâm dưới” là phong tục hay là hủ tục, liệu có mấy ai nghiêm túc tự vấn hay chưa?

Phong tục là những giá trị truyền thống quý báu hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính bền vững. Còn hủ tục là những phong tục đã lỗi thời, lạc hậu, trở thành gánh nặng trong sự phát triển của các dân tộc. Như vậy, hủ tục cũng xuất phát từ phong tục, lợi dụng điều này, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại dưới cái mác phong tục cho đến ngày nay.

Chính những hủ tục mượn danh ấy đã dựng nên một bức tường mang tên “định kiến xã hội”. Rồi định kiến xã hội trở thành “ngưỡng”, khiến những người sống trong xã hội cũ dần phải co mình, và rồi lại trở thành những nạn nhân của hủ tục. Ý thức hệ dần ăn sâu vào trong nhận thức của họ, khiến họ chấp nhận sống chung với hủ tục.
Câu chuyện “ngồi mâm dưới” chính là một hủ tục khoác lên mình tấm áo phong tục đẹp đẽ, thể hiện sự bất bình đẳng ngay trong ăn uống. Mỗi dịp cỗ bàn, người phụ nữ trước là tất bật chợ búa, nấu nướng, sau lại dọn dẹp, rửa bát. Vậy tại sao khi ngồi ăn, họ lại phải khép mình ngồi mâm dưới trong khi ở mâm trên, cánh đàn ông đang bao la những câu chuyện trời bể, “chén chú chén anh” chẳng phải động tay giúp đỡ.

Xưa rồi cái thời “Đàn ông lên nhà – đàn bà xuống bếp”

Barack Obama – không chỉ là người đàn ông hiện thân cho quyền lực, Ngài còn nổi tiếng là người đàn ông của gia đình. Luôn sẵn sàng vào bếp, luôn quan tâm và lắng nghe 2 cô con gái, luôn hết lòng ủng hộ sự nghiệp của vợ. Ông đã cho cả Thế giới thấy một minh chứng hùng hồn của “bình đẳng giới”.

Còn nhớ từng có bài phỏng vấn “Danh hài Chí Trung: 30 cái Tết đều vào bếp cùng vợ” đăng tải trên báo Myidol đã tạo nên nhiều luồng ý kiến, người cho rằng đàn ông hay ho gì chuyện vào bếp, lại còn mang lên báo khoe, cũng có người thì hết lòng mến mộ, ủng hộ. Điều đó cho thấy xã hội đã trở mình, khoác lên tấm áo mới hội nhập, những tư tưởng cũ đang dần lùi vào quá khứ.

Trong bối cảnh hiện nay, xã hội đã có nhiều thay đổi, hình ảnh những người đàn ông chăm lo, vun vén việc nhà cửa đã trở nên phổ biến và quen thuộc. Vợ chồng có sự san sẻ, cùng nhau gánh vác mọi việc đã trở thành chuẩn mực mới của các gia đình, không còn là người vợ cúc cung tận tụy, chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Những người phụ nữ được làm chủ cuộc đời mình, vượt qua định kiến, nhanh chóng và nhạy bén nhập vào dòng chảy thời đại, chiếm lĩnh cho mình những vị trí nhất định trong xã hội.

Tại những mái ấm gia đình Việt thời nay, những người đàn ông san sẻ công việc bếp núc cũng không còn hiếm. Dù rất nhiều người phụ nữ, người vợ, người mẹ thực sự yêu thích công việc bếp núc, muốn tận tay nấu cho gia đình những bữa ăn thơm nn nhưng bên cạnh họ vẫn luôn là những ông chồng, những cậu con trai sẵn sàng giúp đỡ. Tư tưởng đàn ông vào bếp đã được bình thường hóa.

Thậm chí, tiệc tùng, cỗ bàn cũng không còn sự phân biệt mâm trên, mâm dưới, ngồi sao cho thoải mái, hợp lí mới là điều quan trọng. Các cô, các thím ngồi mâm với nhau; các chú, các bác ngồi với nhau nhưng là để tiện bề nói chuyện, nâng li chứ không còn sự bất bình đẳng trong ăn uống. Đây không chỉ là sự chuyển mình của xã hội, mà còn là sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng của người dân Việt.

Đã đến lúc những người phụ nữ cần được san sẻ. Họ cần được đối xử công bằng và được hưởng sự công bằng đó. Nhiều người đàn ông vẫn còn tư tưởng bậc trượng phu mà vào bếp là… nhục. Đó chính là tư tưởng cũ cần được xóa bỏ. Công bằng không có nghĩa là cào bằng để phán xét. Mọi người cần thấy được và tôn trọng vị thế của người phụ nữ. 

Đàn ông cũng cần… bình đẳng 

Đọc đến tựa đề “người ngồi mâm dưới” chắc ai cũng định hình được đối tượng muốn đề cập là người phụ nữ, nhưng có lẽ nhiều người quên mất rằng rất nhiều người đàn ông cũng từng ngồi vị trí này… Những người đàn ông không có con trai.

Hủ tục này mang đậm tư tưởng trọng nam, khinh nữ, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính, đồng thời tạo thành áp lực đối với người đàn ông. Khiến không ít gia đình hoàn cảnh dù chẳng khá giả gì vẫn cố đẻ cho được một thằng cu “chống gậy” trong khi đã có dăm ba cô con gái, đã nghèo lại càng nghèo hơn. 

Thậm chí, việc phải ngồi mâm dưới vì không có con trai còn làm tổn thương đến danh dự người đàn ông, chẳng khác nào bị “trừng phạt” vì một điều bản thân không thể quyết định. Hủ tục này là sự phân biệt nặng nề, mang đậm màu sắc cổ hủ, làm tổn thương tinh thần và thể diện những người đã, đang và sẽ rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Cùng với nhịp độ phát triển của xã hội và tư duy con người ngày càng tiến bộ, chính quyền các cấp đã vào cuộc kêu gọi bình đẳng giới, tình trạng “không có con trai phải ngồi mâm dưới” nay đã gần như bị xóa bỏ. Người dân đã ý thức được tầm quan trọng ngang nhau dù là con trai hay con gái. Người đàn ông không có con trai cũng đã có tư tưởng thoáng hơn, không còn chịu nhiều áp lực từ gia đình, định kiến xã hội.

Đời sống văn minh, phát triển, qua rồi cái thời những “người ngồi mâm dưới”. Chúng ta cần chung tay mạnh mẽ đấu tranh để “bình đẳng giới” không còn là lí thuyết mà trở thành một lối sống, một cách hành xử nhân văn. 

Nguyễn Thị Mỹ Huyền – Báo in K35A2


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN